Dậy non là gì?
Bạn đọc: Xin ông cho biết nghĩa của hai tiếng “dậy non” trong câu “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”. Xin cảm ơn ông. Trần Quang Long (TP Vũng Tàu)
Học giả An Chi: "Dậy" là một vị từ động (thường gọi là động từ) mà Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng là:
1.- chuyển từ trạng thái ngủ sang trạng thái thức […].
2.- chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi, hay từ tư thế nằm hoặc ngồi sang tư thế đứng.
3.- chuyển từ trạng thái không có những biểu hiện rõ rệt của sự tồn tại sang trạng thái có những biểu hiện rõ rệt [nói về cái gì nổi lên, rực lên, bốc lên, v.v…].
Còn quyển từ điển cùng tên do Văn Tân chủ biên thì giảng là:
1.- cất mình lên.
2.- thức, không ngủ nữa.
3.- nở ra.
4.- nổi lên.
Với những nghĩa đã cho trên đây, ta có thể thấy rằng "dậy" là một điệp thức của "dấy", mà từ điển Hoàng Phê giảng là:
1.- nổi dậy hoặc làm cho nổi dậy.
2.- [trạng thái, cảm xúc] nổi lên và biểu hiện mạnh mẽ."
Còn từ điển Văn Tân thì giảng "dấy" là "nổi lên, vùng lên", với một số mục liên quan: "dấy binh", "dấy loạn", "dấy nghĩa", "dấy nghiệp", "dấy quân".
Cứ như trên, ta có thể kết luận rằng "dấy" và "dậy" đều vốn có một nghĩa chung là "gây ra", "tạo nên", v.v…, đặc biệt là với hai ngữ vị từ "dấy giặc" và "dậy giặc" mà Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị:
"Dậy giặc: Nổi giặc, làm giặc".
"Dấy giặc: Làm cho sinh giặc, gây cho có giặc, nổi giặc".
Với hai ngữ vị từ này thì "dấy" và "dậy" hiển nhiên là hai từ đồng nghĩa với nhau và đều cùng diễn đạt cái hành động gây ra, tạo ra một vật hoặc một hiện tượng nào đó do danh từ đi liền sau nó thể hiện. Chẳng qua là, với "dậy" thì đây là một nghĩa cổ nên, nói chung, nó không còn được biết đến nữa. Và với cái nghĩa cổ này thì "dậy non" chẳng qua là một ngữ vị từ cổ xưa, có nghĩa là "dựng núi", "tạo ra núi". Ngày nay, danh từ "non" (= núi) hầu như không còn được dùng độc lập nhưng xưa kia thì nó thông dụng hơn nhiều, như vẫn còn có thể thấy trong "đầu non gốc núi", "hòn non bộ", "lên non", "một cây làm chẳng nên non", "non xanh nước biếc", v.v… Với phép thần thông được truyền tụng của hắn ta thì "Cao Biền dậy non" có nghĩa là "Cao Biền tạo núi" chứ không có nghĩa gì khác. Tại mục "Thực hư về mả Cao Biền", một thành viên trên Diễn đàn của //thegioivohinh.com đã viết: "Ở Phú Yên, hiện nay vẫn có người kể chuyện Cao Biền gánh núi, Cao Biền đào sông […]. Trong dân chúng đã có hiện tượng lẫn lộn, đồng nhất nhân vật truyền thuyết Cao Biền với những vị thần núi, thần rừng, thần sông, thần biển... mà chính mình đã tạo ra trên mảnh đất này". Chính là với tinh thần đó mà câu "Cao Biền dậy non" đã ra đời. Chẳng qua vì không còn hiểu được nghĩa gốc của ngữ vị từ đang xét nên người ta mới tạo ra cách hiểu theo từ nguyên dân gian mà "giảng" rằng "dậy non" là "nổi lên trong điều kiện chửa chín muồi", như có thể thấy trong từ điển Văn Tân. Rồi từ đó người ta mới bịa ra câu chuyện phi lý về việc Cao Biền luyện âm binh.
Chuyện kể rằng Cao Biền có phép thần thông "tản đậu thành binh". Mỗi khi cần có quân lính đi đánh dẹp, hắn chỉ cần rắc đậu vào một bãi đất, ủ kín, đọc thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu sẽ hóa thành một tên lính. Có lần Cao Biền đọc thần chú còn thiếu nên khi mở ra thì tuy hạt đậu đã thành lính nhưng đều còn non chưa đủ sức, đứng lên không vững. Đó là trạng thái mà dân gian, và cả nhà nghiên cứu, đều cho là "Cao Biền dậy non". Thay vào những hạt đậu, có dị bản kể rằng hắn ta luyện những âm binh bằng giấy.
Lại có dị bản kể rằng khi sang nước Nam Cao Biền đã yểm bùa nhằm triệt hạ long mạch của ta. Hắn nuôi 100 âm binh để phục vụ cho việc này. Cao Biền nhờ một bà lão hàng nước thắp mỗi ngày một nén hương để gọi dậy một âm binh. Khi thắp đủ 100 nén hương thì sẽ gọi dậy được đủ 100 tên. Nhưng bà lão nước Nam đã phá âm mưu của Cao Biền bằng cách thắp cả 100 nén hương trong vòng 1 ngày. Kết quả là âm binh của Cao Biền đã dậy đủ 100. Nhưng vì không đủ ngày, nghĩa là vì "dậy non" nên lính tráng của Cao Biền đã không làm được gì nên hồn. Phi lý! Cao tay ấn và đầy mưu mẹo như Cao Biền mà lại phó mặc cho một bà lão hàng nước "trông coi" âm binh của mình. Chi tiết quá ngây ngô. Đã thế nhưng đại đa số tác giả còn đi xa hơn mà nói rằng mỗi khi thấy người nào sức yếu, tay chân cử động run rẩy, người ta hay so sánh bằng câu thành ngữ: "Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non". Tác giả trên Diễn đàn của //thegioivohinh.com còn dẫn cả ca dao: Con nhạn chắp cánh bay chuyền
Chồng em lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.
Thực ra, "lẩy bẩy" ở đây đâu có chỉ sự lập cập của người ốm yếu mà chỉ cái trạng thái bề ngoài lơ mơ, bất định, đầu thì lắc lư, toàn thân run rẩy, thuộc phần "diễn xuất" mở đầu của các pháp sư để tạo cho "hiện trường" thêm vẻ linh thiêng. Tiếc rằng người đời lại không đặt hai tiếng "lẩy bẩy" vào cái không khí "hành nghề" đó mà lại gắn nó vào đầu, mình và tứ chi của người ốm yếu nên hành động "tạo sơn" đã bị biến thành hiện tượng "nổi lên trong điều kiện chửa chín muồi", như đã giảng trong từ điển do Văn Tân chủ biên. Chị vợ đã than phiền chông mình "lẩy bẩy như Cao Biền dậy non" chỉ nên dùng hai tiếng "lẩy bẩy" mà bỏ cái vế so sánh "như Cao Biền dậy non" đi chứ nếu quả đúng anh ta thực sự "lẩy bẩy như Cao Biền" thì cái nội lực "dậy non" của đức lang quân sẽ đưa chị ta lên chín tầng mây (nên chẳng có gì phải than phiền).
A.C