Đóng cửa 'xa lộ thánh chiến' để ngăn khủng bố
Vụ tấn công khủng bố ở Pháp ngày 13/11 khiến nhiều quốc gia tỏ ra cương quyết hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Đóng cửa biên giới là cách nhiều quốc gia châu Âu chọn lựa. Nhưng liệu cách này có hữu hiệu?
An ninh châu Âu quá sơ sài
Cả châu Âu đang lùng sục Salam Abdeslam, một trong nghi can hàng đầu trong vụ tấn công khủng bố tại Paris, Pháp ngày 13/11.
Theo chuyên gia, một trong những lý do có thể giải thích tình trạng này, đó là cơ quan tình báo châu Âu hiện nay chủ yếu dựa vào các phương tiện kỹ thuật chứ không dùng nhiều con người như trước. Trong những năm gần đây, các cơ quan tình báo châu Âu thường sử dụng các biện pháp kiểm soát liên lạc qua Internet hoặc qua điện thoại để theo dõi những kẻ theo xu hướng cực đoan hoặc đang chuyển theo xu hướng cực đoan, bởi vì họ thấy rằng những kẻ khủng bố tiềm tàng thường sử dụng mạng xã hội và mạng Internet để liên lạc với nhau. Trong khi đó, trước đây để có thể ngăn chặn các âm mưu khủng bố, không có gì hiệu quả hơn là đến điều tra tại chỗ hoặc cài người vào các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Dòng người tị nạn đổ vào châu Âu mang theo cả những phần tử khủng bố |
Vấn đề là phương tiện con người rất là tốn kém cho những cơ quan tình báo châu Âu, trong khi hiện nay nước nào cũng phải lo cắt giảm ngân sách. Nhưng từ sau loạt khủng bố ở tòa soạn báo Hebdo Charlie tháng 1/2015, Pháp đã quyết định tuyển dụng thêm hơn 1.000 nhân viên tình báo, nhưng phải đến cuối năm 2016 đầu 2017, số nhân viên này mới có thể bắt tay vào việc sau khi được đào tạo.
Vấn đề thứ hai là sự hợp tác giữa những quốc gia thành viên EU. Từ sau vụ tấn công khủng bố ở Madrid năm 2004, các nước châu Âu đúng là đã có tăng cường hợp tác, nhưng chủ yếu là hợp tác song phương, chứ không phải là trong khuôn khổ toàn khối. Trở ngại chính của hợp tác đa phương châu Âu là do nhiều nước không chịu từ bỏ chủ quyền quốc gia nên không muốn chia sẻ nhiều thông tin tình báo với nước khác.
Riêng về vụ tấn công ở Paris mới đây, Bỉ đã bị chỉ trích nặng nề vì phần lớn những kẻ khủng bố là công dân Bỉ, thế mà cơ quan tình báo của nước này đã không phát hiện được trước khi nhóm khủng bố sang Paris để hành động. Nhưng Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã rất giận dữ bác bỏ những lời chỉ trích. Chính quốc gia này trong hai ngày cuối tuần vừa qua đã đặt tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất vì đối tượng Salah Abdeslam vẫn chưa bị bắt và được cho là đang ẩn náu ở Bruxelles.
Sau loạt khủng bố ở Pháp, ngày 20/11, EU đã có quyết định “ngay lập tức” tăng cường biện pháp kiểm soát trên đường biên giới bên ngoài của khối này đối với tất cả đối tượng, kể cả cư dân những quốc gia thành viên EU. Tại cuộc họp ở Bruxelles cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ 28 quốc gia EU cũng hưởng ứng sự kêu gọi của Pháp về việc xem xét lại thỏa thuận Schengen để có sự giám sát “hệ thống” xuất nhập cảnh của tất cả công dân EU.
Chỉ có kẻ khủng bố ngù ngờ mới bị bắt!
Như vậy, sau vụ khủng bố tại Paris, lo ngại về sự kết thúc của một kỷ nguyên “châu Âu tự do” cũng như gánh nặng về kinh tế khi các quốc gia đóng cửa biên giới đang dần hiển hiện.
Vấn đề đặt ra là liệu những biện pháp đóng cửa biên giới có giúp EU tránh xa được khủng bố? Theo AFP, cho dù có nhất trí đẩy mạnh việc hợp tác, trong đó có việc thiết lập một hệ thống cung cấp, báo hiệu thông tin nhanh giữa các nước, thì các nước EU cũng không đặt nhiều hy vọng sẽ kiểm soát một cách có hiệu quả cửa ngõ ra vào của mình để truy tìm dấu vết của những đối tượng bị tình nghi. Một chuyên gia cao cấp chống khủng bố của Pháp, nhận định: “Cần phải nói, với những biện pháp mới, dẫu là cần thiết, nhưng ta sẽ chỉ tóm được những kẻ ngù ngờ thôi”.
Thực tế cho thấy, những đối tượng lớn chỉ cần thận trọng tránh dùng máy bay, làm nhiễu loạn hướng theo dõi bằng cách thay đổi đường đi liên tục, chọn điểm nhập cảnh lỏng lẻo hay sử dụng giấy tờ giả tinh vi, là chúng có thể di chuyển ngoài tầm theo dõi của lực lượng an ninh. Chẳng hạn, với một tấm bản đồ, đối tượng có thể dùng xe hơi, chạy xuyên đêm qua các vùng làng quê, hay trên những con đường đất tới biên giới Rumani hay Hungary mà không hề gặp bất cứ lực lượng kiểm tra kiểm soát nào.
Một quan chức của Bộ Nội vụ Pháp còn tin chắc là các đối tượng hoạt động có tổ chức cần phương tiện hậu cần vẫn sẽ có cách để xâm nhập khu vực Schengen, ngay cả khi những nước trong khu vực này đóng cửa biên giới... Số trường hợp bị phát hiện thường chỉ là những đối tượng nghiệp dư. Những tội phạm nguy hiểm, ranh mãnh không bao giờ sử dụng tên thật trong giấy tờ đi lại.
AFP nhận định, với bọn tội phạm khủng bố, quan trọng hơn cả vẫn là ngăn chặn từ trong “trứng nước”. Cuộc chiến chống khủng bố giờ đây là cuộc chiến không biên giới vì với những kẻ khủng bố quỷ quyệt thì đường biên giới cũng không tồn tại.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 21/11, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đóng cửa biên giới với Syria. Vốn được xem là “xa lộ của quân thánh chiến”, kể từ sau loạt khủng bố tại Paris, Ankara quyết tâm cắt đứt “xa lộ” này.
Chiến dịch đang được khởi động. Tuần trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Feridun Sinirlioglu tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không cho phép IS tiếp tục có mặt ngay tại biên giới của chúng tôi nữa. Quý vị hãy đợi xem trong những ngày tới”.
Thổ Nhĩ Kỳ gần như là cánh cửa để đi vào châu Âu. Hàng nghìn người theo thánh chiến cũng như phần đông thủ phạm các vụ tấn công khủng bố, như Abdelhamid Abaaoud đều phải đi qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập tổ chức IS và cũng từ ngả này để về lại châu Âu mà không bị chú ý.
Chính việc chính quyền Syria mất dần quyền kiểm soát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo thuận lợi cho quân thánh chiến tuyển mộ người, trang bị vũ khí hay thiết bị.
Theo giới chuyên gia, việc đóng cửa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ khiến quân thánh chiến khó đi qua hơn, nhưng chắc chắn IS cũng sẽ có những phương cách khác, như là trà trộn vào dòng người tị nạn. Lúc này vấn đề lại càng khó hơn cho các cơ quan chống khủng bố ở châu Âu.
H.Phan (tổng hợp)