Khắc tinh của 'điện tặc'
Không phải ngẫu nhiên mà mọi người gọi anh Phan Thanh Bình - Tổ trưởng Tổ kiểm tra giám sát mua bán điện của Điện lực Tuy An - Công ty Điện lực Phú Yên là đối thủ đáng gờm của “điện tặc”. Thời gian qua, anh đã phát hiện nhiều vụ trộm cắp điện trên địa bàn. Tiếp xúc với anh, mới thấy được hết sự nhiệt tình và những khó khăn, vất vả khi anh cùng đồng nghiệp tác nghiệp trong hành trình bắt các vụ trộm cắp điện.
Anh Nguyễn Thanh Bình (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với khách hàng. |
Ranh giới mong manh
Nhận được tin báo chỉ vỏn vẹn một câu “Có người lạ bán thiết bị trộm điện tại thôn 6, xã An Ninh Đông”. Người báo tin không dám tiết lộ nhiều về sự việc vì sợ liên lụy. Sau khi tiến hành sàng lọc những địa điểm nóng trong thôn, những đối tượng có nghi vấn được tích lũy từ những lần kiểm tra trước. Sau nửa ngày dò xét, kiểm tra không bỏ qua bất cứ một chi tiết nào dù là nhỏ nhất, cuối cùng, anh đã phát hiện được hai khách hàng Phạm R. và Phạm Thị P. can thiệp vào bên trong công tơ để trộm điện, chứ không phải dùng thiết bị trộm điện như tin báo.
Để chứng minh cho khách hàng thấy được hành vi trộm cắp điện của mình, cần phải thu nhập thêm chứng cứ, gọi điện cho người báo thì không còn liên lạc được. Anh Bình cùng đồng nghiệp lặng lẽ ra về với bao trăn trở là phải làm sao, phương án thế nào, nên chọn thời gian nào là hợp lí, chứng cứ gì? Thế rồi, quá bất ngờ vì hôm đó là thứ 7, thấy nhân viên Điện lực đến kiểm tra, nét mặt cha con ông Phạm R. biến sắc. Bằng kinh nghiệm thực tiễn và các biện pháp nghiệp vụ, anh cùng các đồng nghiệp đã đưa ra các bằng chứng sát thực và khách hàng chấp nhận hành vi phạm tội của mình.
“Giữa bắt được và không bắt được trộm cắp điện có ranh giới rất mong manh, đòi hỏi phải kỹ càng, biết lựa chọn thời gian, tìm hoàn cảnh cho phù hợp, chứ không là không bắt được trộm. Đối với vụ vi phạm trên, chỉ cần trong nháy mắt là khách hàng sẽ “thủ tiêu” hiện trường. Vậy nên, chủ nhà đi đâu, tôi bám theo và chụp hình làm bằng chứng”, anh Bình tâm sự.
Anh còn cho biết thêm, nếu không kỹ càng trong lúc kiểm tra công tơ sẽ không phát hiện ra khách hàng trộm điện. Trường hợp thường gặp là thấy đĩa nhôm quay, tưởng bình thường, nếu không tìm hiểu thực tế thiết bị sử dụng và đối chiếu với sản lượng trên chương trình CMIS, sẽ không phát hiện ra. Trường hợp khác, khách hàng can thiệp vào trong công tơ, nếu không để ý sẽ vô tình làm mất hiện trường.
Chiến sỹ "cảnh sát" chống trộm cắp điện
Công tác trong ngành điện gần 20 năm, trải qua hầu hết các công việc kinh doanh điện. Anh thuộc lòng và hiểu đặc điểm từng khách hàng tại thị trấn Chí Thạnh. Khi tiếp nhận lưới điện nông thôn, anh chịu khó đi khảo sát từng khu vực. Tiếp xúc với anh, không ai nghĩ anh là đối thủ đáng gờm của điện tặc. Thế mà, thời gian qua, anh đã phát hiện ra 130 vụ vi phạm sử dụng điện, trong đó có gần 40 vụ trộm cắp điện.
Mấy năm qua, nhiều khu vực lưới điện hạ áp nông thôn khi sửa chữa nâng cấp, ngành Điện đã thay đổi hướng tuyến ra xa nhà dân hoặc thay bằng dây bọc. Vì vậy, các vụ trộm cắp điện theo kiểu phổ thông khó thực hiện hơn, thay vào đó là những hành vi trộm cắp ngày càng tinh vi, rất khó để phát hiện. Tuy nhiên, anh cho rằng, vụ dễ thì ta làm cách này, vụ khó thì ta áp dụng cách khác.
Theo kinh nghiệm của anh, trộm cắp điện có nhiều dạng khác nhau. Từ những vụ có manh mối không rõ ràng, những vụ đơn giản nhưng khó thu thập chứng cứ, đến những vụ tinh vi và táo tợn nên phát hiện lâu; có những vụ khách hàng là nông dân nghe lời người khác bày biểu đến những vụ khách hàng là thợ điện chuyên nghiệp.
Có vụ anh bắt được bằng phương pháp nội suy, có vụ anh giả làm người đi mua heo, mua chậu kiểng… để tiếp cận đối tượng. Bên cạnh đó, không ít lần anh bị chó rượt, khách hàng vác dao đuổi đánh, chịu những lời chửi bới nhục mạ hoặc có khi khách hàng năn nỉ hối lộ tiền. Với lòng yêu nghề, anh đã vượt qua những khó khăn và “cám dỗ” thường ngày. Anh giống như một chiến sĩ công an truy tìm bắt tội phạm, chỉ khác là anh chuyên bắt vi phạm trộm cắp điện.
Chưa phát hiện vi phạm, chưa hoàn thành nhiệm vụ!
Anh tâm sự rằng: “Khi phát hiện một vụ vi phạm, tôi có cảm xúc vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình đã hoàn thành được một phần công việc đơn vị giao, lo là làm sao để thuyết phục khách hàng ký biên bản và trả tiền bồi thường cho ngành điện. Lắm lúc phải sử dụng đòn tâm lý để trấn an khách hàng”.
Anh luôn quan niệm rằng, chưa phát hiện vụ vi phạm thì chưa hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, trong nhiều năm qua, để khám phá các vụ vi phạm điện, anh ngày đêm tìm tòi học hỏi, không ngại gian khó và học tập kinh nghiệm từ các đơn vị bạn. Từ đó, anh đã có rất nhiều “vốn liếng” trong công tác. “Khách hàng sử dụng chiêu trò để trộm cắp điện, anh cũng sử dụng nhiều thủ thuật của mình để phát hiện”, chị Phạm Thị Kim Oanh, nhân viên Điện lực Tuy An cho biết.
Nhờ những kinh nghiệm từ công tác này, anh đã mạnh dạn đề ra nhiều biện pháp nhằm làm giảm tổn thất điện năng tại đơn vị. Điển hình là phân tích tổn thất lưới điện, tổn thất tại các TBA công cộng, lập kế hoạch theo dõi, khoanh vùng để kiểm tra và tìm ra nguyên nhân. Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo tuyên truyền vận động CBCNV và lực lượng quần chúng nhân dân cùng nhau tham gia, tố giác và phát hiện khách hàng vi phạm sử dụng điện.
Ông Mai Khoa, Giám đốc Điện lực Tuy An nhận xét: “Anh Bình là người có kiến thức chuyên môn vững vàng và là một cán bộ rất tâm huyết với nghề. Anh đã có nhiều đề xuất hay để áp dụng trong công tác kiểm tra vi phạm sử dụng điện. Giao việc cho anh, tôi rất an tâm”.
Với tính cách hiền lành, hòa nhã với mọi người, khiêm tốn trong nói năng, lại hay giúp đỡ mọi người xung quanh nên anh được nhiều người yêu mến. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, nhiều năm liền anh được các cấp khen thưởng. Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, anh được EVNCPC cử đi tham quan, học tập tại Hàn Quốc. Đây là nguồn động viên vô cùng có ý nghĩa đối với những cán bộ đầy tâm huyết như anh.
Hoa Hồng