Việt Nam: Đổi mới đã cạn động lực
Khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu thử thách năng lực hội nhập quốc tế với phép thử gia nhập WTO (2007), tốc độ tăng trưởng kinh tế lại suy giảm mạnh. Và đặc biệt, những vấn đề cấu trúc của nền kinh tế ngày càng trở nên nghiêm trọng. Năng suất lao động 20 năm qua hầu như không thay đổi, công nghệ vẫn lạc hậu, năng suất thấp.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam với chủ đề “30 năm đổi mới kinh tế Việt Nam từ góc nhìn so sánh” do Viện Kinh tế Việt Nam (VIE) tổ chức vừa khai mạc sáng nay (19/11) tại Hà Nội.
Diễn đàn đã tập trung phân tích, đánh giá quá trình đổi mới kinh tế Việt Nam(1986-2015) theo 3 tuyến vấn đề:
Tuyến 1: So sánh lịch đại (so Việt Nam hôm nay với Việt Nam trước đây). Theo đó đánh giá kết quả đổi mới trên quan điểm lịch sử, trên cơ sở đó nhận diện sứ mệnh lịch sử của công cuộc đổi mới và đánh giá thực chất bước tiến mà đổi mới mang lại cho đất nước.
Tuyến 2: So sánh quốc tế, đánh giá kết quả mà đổi mới mang lại trên quan điểm so sánh với quốc tế nhằm trả lời câu hỏi: đổi mới đã giúp Việt Nam thoát khỏi hệ thống cũ, tiến vượt lên để rút ngắn khoảng cách tụt hậu, tiến kịp các nước đi trước như thế nào?
Tuyến 3: So sánh thời đại, đánh giá kết quả đổi mới trên quan điểm giải quyết các nhiệm vụ lịch sử mà công cuộc phát triển hiện đại của Việt Nam đặt ra nhằm trả lời câu hỏi: 30 năm đổi mới đặt Việt Nam vào một vị thế và tình thế phát triển rất mới, những gì mà đổi mới đạt được, so với yêu cầu của công cuộc phát triển hiện đại (công nghệ cao, hội nhập toàn cầu, cạnh tranh quốc tế) mang lại cho Việt Nam những năng lực nào để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức?
Tương ứng với 3 tuyến vấn đề nêu trên, các đại biểu tham dự đã trao đổi về các chủ đề: Đổi mới kinh tế Việt Nam từ góc nhìn so sánh lịch sử; Đổi mới kinh tế Việt Nam từ góc nhìn so sánh quốc tế và Đổi mới kinh tế Việt Nam từ góc nhìn so sánh hội nhập.
Theo các diễn giả, 30 năm qua là giai đoạn “hết sức ấn tượng” với mức tăng trưởng khá ngoạn mục. Nhưng khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu thử thách năng lực hội nhập quốc tế với phép thử gia nhập WTO (2007), tốc độ tăng trưởng kinh tế lại suy giảm mạnh. Và đặc biệt, những vấn đề cấu trúc của nền kinh tế ngày càng trở nên nghiêm trọng. Năng suất lao động 20 năm qua hầu như không thay đổi, công nghệ vẫn lạc hậu, năng suất thấp.
“30 năm qua là quá trình vật lộn với khó khăn, gian khổ để tiến lên và chúng ta đã làm được nhiều điều vĩ đại. Nhưng cũng còn nhiều điểm chưa làm được, vẫn đang có những vấn đề, có nhiều bằng chứng cho thấy ta chưa thoát khỏi lạc hậu”, PGS.TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng VIE phát biểu.
Khẳng định “thực hiện chính sách đổi mới đã giúp mang lại nguồn sinh khí mới cho phát triển, kinh tế xã hội nước ta đã tiến vượt bậc trên nhiều phương diện và cũng được thế giới ghi nhận” nhưng GS.TSKH Nguyễn Quang Thái cho rằng Việt Nam đang tụt hậu xa hơn về kinh tế.
Ông Thái cho biết, thành tựu đạt được là do đã chú ý đổi mới thể chế (cải cách 1). Nhưng “các thành tựu 30 năm bị kìm hãm bởi hiệu lực của thể chế đổi mới kiểu “cởi trói” đơn giản đã mất dần tác dụng, còn thể chế “kiến thiết” (kiến tạo) một xã hội phát triển thích ứng với thời đại và bước tiến toàn cầu lại chưa có”, ông Thái phát biểu.
Và trong điều kiện đó, các cải tiến, đổi mới mạnh mẽ vẫn bị vướng, những thành tích chỉ có tính từng mặt và bị kéo chậm lại, thậm chí đi ... lùi. Ba đột phá chiến lược đề ra đều chưa được đạt yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu không đẩy mạnh được cải tổ mạnh mẽ do tư duy trì trệ, nhất là sai lầm về vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường, coi thường vai trò của xã hội dân sự trong bộ ba “nhà nước – thị trường – xã hội dân sự”. Trong điều kiện đó, động lực phát triển ngày càng bị kìm hãm khiến mục tiêu 2020 về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có thể sẽ không thực hiện được.
Cũng có quan điểm như vậy, TS. Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đến nay đổi mới đã cạn dần động lực, phát triển kinh tế - xã hội đã chững lại và đứng trước những khó khăn gay gắt chưa từng có kể từ khi đổi mới 30 năm trước.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, vấn đề đặt ra thì nhiều, nhưng có thể khái quát lại là: Về kinh tế, làm sao thực hiện được sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng giai đoạn mới, để tiến lên hiện đại hóa trong khoảng ba bốn chục năm tới; Về chính trị - xã hội, làm sao thực hiện được dân chủ hóa ngày càng tốt hơn phù hợp với đặc điểm và điều kiện của nước ta.
“Con đường và mô hình phát triển của nước ta tới đây nên có gì mới chính là xoay quanh việc giải quyết hai vấn đề nêu trên… Sự phát triển nước ta dứt khoát phải theo con đường hiện đại hóa, tiến lên hiện đại và tiến cùng thời đại”, ông Hồ khuyến nghị