Làm gì còn nhạc “đúng tuổi”!
Không có dòng nhạc cho đúng lứa tuổi của mình, thanh thiếu niên giờ chỉ thích nghe nhạc Hàn, bài hát tiếng Anh và một vài bài nhạc trẻ đang “hot” trên thị trường.
Còn nhớ hồi đầu năm nay, trong buổi sinh hoạt ngoại khóa, mỗi tháng một lần của trường Tiểu học Đông Thái, các em học sinh cùng đồng thanh hát “Chắc ai đó sẽ về” - một bản hit của Sơn Tùng MTP đã khiến dư luận khi ấy không khỏi xôn xao. Thực ra từ nhiều năm nay, chuyện trẻ con thích hát nhạc người lớn không còn là chuyện hiếm, cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Bởi nhìn đi nhìn lại thì ca khúc cho thiếu nhi gần như không có bài mới. Nói chính xác hơn là không có những bài hát hay, trở thành hit, được các em yêu mến thực thụ. Thế là ngoài những bài hát bị bắt buộc hát trong nhà trường thì hiếm khi nghe thiếu niên cất lời hát những bài hát dành cho lứa tuổi của mình. Thay vào đó các em hát nhạc người lớn. Đến mức, ngay tại trường học hay ở nhà bố mẹ cũng hiếm khi được nghe các bài hát đúng với lứa tuổi của trẻ.
Bỏ qua lứa tuổi mới lớn, những sáng tác mới dành cho tuổi mầm non cũng không có nhiều. Ngoài những bài hát xưa cũ của những năm 50-60-70-80, thế kỷ 21 nhạc dành cho thiếu nhi đã hoàn toàn “tắt lịm”. Điểm qua các chương trình cho thiếu nhi được chiếu trên truyền hình như Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí… cũng chỉ toàn các bài hát rất cũ, bài hát đi cùng năm tháng. Ngay trong cuộc thi Đô rê mí mới đây nhất, thí sinh Bảo Ngọc đã phải gồng mình hát một bài hát mà ở độ tuổi như em cứ hát và không hiểu gì - “Sống như những đóa hoa”, một sáng tác của Tạ Quang Thắng. Và khi giám khảo Xuân Bắc hỏi: “Con có biết bài hát mang ý nghĩa gì không?”, cô bé 6 tuổi đã thành thật: “Con không biết!”.
Ở một tiết mục khác trong vòng đối đầu của huấn luyện viên Cẩm Ly, liên khúc “Chào buổi sáng - Tôi thích” rõ ràng cũng không phải là những ca khúc dành cho các em, dù tiết tấu trong sáng, vui nhộn nhưng lời ca cũng không hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi của các em. “Tôi thích nói dóc cho bao người cười/Và ăn những món ăn mà tôi thích…”. Rồi còn những ca khúc: Bóng mây qua thềm - Taxi - Bay, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Ngẫu hứng sông Hồng… rõ ràng cũng không phải dành cho các em thiếu nhi.
Đấy là ở các cuộc thi, các sân chơi dành cho thiếu nhi. Còn trong cuộc sống hàng ngày, để nói về nhu cầu giải trí mà ở đây là âm nhạc của các em. Hội chứng cuồng nhạc Hàn và nhạc thần tượng Hàn đang len lỏi vào từng nhà trường, lớp học. Học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang nghe gì. Không có một con số hay thống kê cụ thể nào nhưng phải khẳng định tới hơn 70% các em giờ không còn tìm kiếm nhạc thiếu nhi để nghe nữa.
Quán quân Giọng hát Việt nhí với ca Huế |
Câu chuyện về thiếu, yếu, hiếm các ca khúc thiếu nhi chứ chưa nói đến ca khúc thiếu nhi hay cũng đã là chuyện cũ, vấn đề được đề cập khá nhiều rồi. Nhưng cứ mỗi lần có các chương trình truyền hình, cuộc thi ca hát cho các em, chúng ta lại tiếp tục thốt ra những điệp khúc muôn thuở. Rõ ràng, trẻ em đang lớn trước tuổi. Bởi đơn giản hàng ngày, hàng giờ các em luôn phải đối mặt với những vấn đề không thuộc về lứa tuổi. Và âm nhạc - một bộ môn nghệ thuật được cho là có thể tưới tắm, có thể giúp cho trẻ được trở về với sự trong trẻo, ngây thơ… thì giờ đây lại rặt những loại ngôn từ ủy mỵ, sướt mướt yêu đương.
Nói một cách công bằng thì ở nước ta, giờ tới sân chơi cho trẻ còn không có, nói gì tới chuyện sáng tác nhạc cho trẻ em. Chưa kể, sáng tác rồi để trẻ yêu thích cũng là một chuyện rất khó. Giờ trẻ có quá nhiều thứ giải trí, trò chơi điện tử, rồi xem phim, nghe nhạc online…
Lớp nhạc sĩ của ngày xưa như Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân… cũng đã không còn những sáng tác mới cho thế hệ các em bây giờ. Hội Nhạc sỹ Việt Nam cũng hiếm khi tổ chức các cuộc thi sáng tác quy mô cho lứa tuổi thiếu niên - nhi đồng. Đã rất xa rồi cái thời nhà nhà, người người nghe nhạc Xuân Mai, các bé mầm non giờ cũng nghe nhạc tiếng Anh cho trẻ, rồi cũng nhún nhảy theo nhạc người lớn. Điệu nhảy Gangnam Style cũng len lỏi tới cả các bé mầm non, mẫu giáo.
Nhưng, dù thời nào thì âm nhạc vẫn luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Âm nhạc có thể làm cho con người chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, ví dụ như vui, buồn, phấn chấn... Âm nhạc còn làm dịu tinh thần. Thế nên, sức ảnh hưởng của âm nhạc đối với lứa tuổi đang phát triển như thanh thiếu niên là cực kỳ lớn. Nếu không có nhạc hay đúng tuổi thì các em sẽ chọn dòng nhạc người lớn, nhạc quốc tế để giải trí mỗi ngày. Và vì thế, vô hình trung tâm hồn các em ít nhiều cũng bị “vẩn đục”.
Vẫn biết để đưa âm nhạc về đúng độ tuổi có lẽ càng ngày càng khó. Nhưng đã đến thời điểm, chúng ta không nên chỉ biết than thở một điệp khúc muôn thuở: trẻ con giờ thích nghe nhạc người lớn. Thay vào đó hãy làm mọi cách để cho trẻ thực sự có sân chơi âm nhạc của riêng mình, được nghe thứ âm nhạc kéo các em về đúng cái tuổi trong sáng, ngây thơ và hồn nhiên vốn có.
Thanh Huyền