Cần 'mạnh tay' chống hàng giả
(Petrotimes) – Tại tọa đàm “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tổ chức ngày 11/11, nhiều ý kiến đồng tình rằng, cần phải mạnh tay hơn nữa với đối tượng vi phạm để đầy lùi vấn nạn hàng giả.
Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM bức xúc: Chúng ta đã có hàng trăm hội thảo, hàng nghìn bài viết về nạn hàng giả, hàng nhái nhưng đây là vấn đề luôn mới, luôn nóng bởi mức độ vi phạm ngày càng gia tăng, ảnh hường ngày càng nghiêm trọng và thiệt hại ngày càng cao nhưng đến nay chưa được giải quyết rốt ráo.
Về hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả tại TP HCM, ông Phạm Quý Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM nhận định, trong những năm gần đây hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng và thường phát triển mạnh vào dịp cuối năm do mua cầu mua sắm, tiêu dùng phục vụ trong dịp Tết tăng cao.
Hàng giả chủ yếu tập trung tại các chợ trung tâm, chợ bán sỉ trên địa bàn như: chợ Bến Thành, An Đông, Kim Biên, Bình Tây, Tân Bình và một số trung tâm thương mại. Trong đó, các mặt hàng may mặc, tiêu dùng hoặc hàng bằng da, giả da như: giày dép, va ly, ba lô du lịch, túi xách thời trang, mỹ phẩm, mũ bảo hiểm… là các mặt hàng có hàng giả nhiều nhất.
Tư vấn cho người tiêu dùng phân biệt hàng thật hàng giả |
Thủ đoạn sản xuất hàng giả phổ biến hiện nay là dùng hàng kém chất lượng hoặc các nguyên liệu rẻ tiền pha trộn với hàng thật (bột ngọt, phân bón), đối với rượu, bia thì sử dụng vỏ chai, nắp còn nguyên nhãn hàng hoá. Bên cạnh đó, một số đối tượng tự sản xuất hàng hoặc mua thành phẩm trôi nổi có giả rẻ sau đó dán nhãn của các thương hiệu có uy tín vào để đưa ra tiêu thụ. Hàng giả phần lớn được sản xuất từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam dưới dạng thành phẩm hoặc vận chuyển linh kiện, phụ kiện, bao bì về Việt Nam lắp ráp.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, hàng giả, hàng nhái hiện nay khá phổ biến từ mặt hàng thông thường, hàng điện, điện tử đến những mặt hàng liên quan đến sức khoẻ, tính mạng con người và cả tem chống hàng giả cũng bị làm nhái, làm giả. Thời gian xuất hiện hàng giả, hàng nhái hiện nay cũng nhanh hơn trước rất nhiều. Nếu trước đây sau khi doanh nghiệp cho ra đời sản phẩm mới phải trên nửa năm mới có hàng giả, hàng nhái thì hiện nay chỉ khoảng nửa tháng là hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện ngoài thị trường. Thủ đoạn cũng mới hơn, tinh vi hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Rất nhiều doanh nghiệp là nạn nhân, bị thiệt hại nặng về doanh số do mất thị phần tiêu thụ, bị ảnh hưởng uy tín bởi hàng giả, hàng nhái. Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen đánh giá thiệt hại do hàng giả, hàng nhái với doanh nghiệp mình trong năm 2014 là trên 100 tỷ đồng, tương đường 2,6% thị phần. Công ty CP Công nghệ Việt – Nhật chuyên sản xuất điện gia dụng không chỉ bị giả hàng hoá mà còn bị những kẻ lừa đảo bán hàng giả mượn đích danh công ty với địa chỉ, số điện thoại đường dây chăm sóc khách hàng để thuyết phục người tiêu dùng mua hàng. Những đối tượng này còn hứa tặng quà, khuyến mại… Kết quả là, trong khi bọn lừa đảo lấy được tiền của khách hàng, còn khách hàng thì tìm đến công ty yêu cầu giải quyết các khiếu nại về chất lượng và đòi quà khuyến mại như đã “hứa”!
Trong 10 tháng đầu năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM đã kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, phát hiện hơn 9.000 vụ vi phạm. Hằng năm, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM cũng tham gia giải quyết tranh chấp trực tiếp hơn 100 vụ việc liên quan đến chất lượng hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng.
Hàng giả, hàng nhái đã xâm phạm môi trường kinh doanh, triệt tiêu sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính tới bờ vực phá sản; Người tiêu dùng bị lừa, không những mất tiền mà nhiều trường hợp còn nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng; Ngân sách Nhà nước bị thất thu.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của nạn hàng giả, hàng nhái, nhiều ý kiến tại toạ đàm cho rằng, cần có biện pháp chế tài thật nặng, tăng mức xử phạt với đối tượng vi phạm như: khi phát hiện đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái thì xử phạt bằng cách cấm vĩnh viễn không cho hoạt động nữa, tịch thu giấy phép kinh doanh, hoặc xử lý hình sự, phạt tù, đồng thời công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông.
Mai Phương