Vén màn bí mật chiến dịch do thám Trung Quốc của CIA
Trong bữa tối trang trọng ở đỉnh Vernon, Tổng thống Mỹ Kennedy đã gây sức ép lên lãnh đạo Pakistan để giúp đỡ một chiến dịch tình báo nhạy cảm nhằm vào Trung Quốc.
Theo tờ The Daily Beast, phép màu của Nhà Trắng Kennedy 'ngự' ở đỉnh Vernon. Đó là vào một ngày tháng Bảy mát mẻ với cơn gió nhẹ thổi từ ngoài sông Potomac vào, khiến nhiệt độ thật dễ chịu. Hôm đó là ngày 11/7/1961, nhân dịp quốc yến khoản đãi Tổng thống Pakistan Ayub Khan. Đây cũng là dịp duy nhất trong lịch sử Mỹ, tư dinh của George Washington được dùng làm nơi tổ chức quốc yến.
Tổng thống John F. Kennedy nhậm chức chưa đầy sáu tháng, nhưng chính quyền của ông đã hoen ố vì chiến dịch của Cục Tình báo Trung ương (CIA) đổ bộ vào Cuba tại Vịnh Con Lợn và hội nghị thảm họa với lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev ở Vienna (Áo).
Tướng Ayub Khan sau đó có viết lại rằng, Tổng thống (Kennedy) ‘chịu sức ép cực lớn’. Chính quyền Kennedy cần phải thể hiện một vài năng lực nào đó. Bữa tiệc kỳ công được chuẩn bị chu toàn với sự tham gia của hơn 130 khách mời.
Tổng thống J.F. Kennedy (bên trái ảnh). |
Và vị khách mời nỗ lực nhất hôm đó là Giám đốc CIA Allen W. Dulles. Gia đình Kennedy và Allen Dulles từ lâu đã là chỗ thân hữu. Vài năm trước bữa tiệc đó, bà Kennedy đã tặng Dulles tập tiểu thuyết James Bond có tựa ‘Gửi tình yêu từ nước Nga’ của tác giả Ian Flemming. Cũng giống như ông Kennedy, Giám đốc Dulles cũng hâm mộ điệp viên 007.
Dulles giữ chức lãnh đạo CIA từ nhiệm kỳ của phe Dân chủ trước đó. Ông chịu trách nhiệm cho thất bại tại Vịnh Con Lợn, khiến những ngày đầu chính quyền Kennedy bị phủ bóng. Tuy vậy, Tổng thống vẫn để ý tới các chiến dịch tình báo bí mật và nhạy cảm của Dulles, trong đó có một số chiến dịch then chốt tiến hành bên ngoài Pakistan với sự thông qua của Tướng Ayub Khan.
Buổi chiều lịch sử
Trước khi ngồi vào bàn tiệc, các vị khách đi dạo quanh nhà của Tổng thống Mỹ đầu tiên. Kennedy đưa Ayub Khan đi dạo riêng quanh vườn. Khi đó, CIA đang chạy hai chiến dịch bí mật và quan trọng tại Pakistan. Một chiến dịch đã được thông tin trên báo một năm trước đó, khi chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ bị tên lửa đất đối không của Liên Xô bắn hạ. Chiếc máy bay này đã khởi động nhiệm vụ tối mật có tên Operation Grand Slam, cất cánh từ căn cứ Không quân Pakistan ở Peshawar.
Chiếc máy bay bị bắn hạ đã phá tan cuộc họp giữa Khrushchev và Tổng thống Eishenhower ở Paris năm 1960, và Mỹ từ chối xin lỗi vì vụ do thám. CIA ngừng bay do thám Liên Xô, nhưng vẫn sử dụng căn cứ gần Peshawar cho các chiến dịch ít nguy hiểm hơn của U-2 quanh Trung Quốc.
Chiến dịch bí mật thứ hai cũng có từ thời Eishenhower, nhưng vẫn còn trong vòng tối mật. CIA đã hậu thuẫn cho một nhóm ly khai ở Tây Tạng, từ căn cứ không quân Pakistan, gần Dacca tại Đông Pakistan (nay là Bangladesh).
Những người Tây Tạng ly khai này được CIA huấn luyện ở Colorado, nhảy dù xuống Tây Tạng từ máy bay vận tải của CIA (xuất phát từ căn cứ của Pakistan). Máy bay U-2 cũng hạ cánh ở Đông Pakistan sau khi bay qua Trung Quốc để làm nhiệm vụ chụp ảnh do thám.
Ayub Khan đã ngừng chiến dịch ở Tây Tạng hồi đầu hè năm đó, vì phiền lòng với quyết định của Kennedy hỗ trợ kinh tế Ấn Độ hơn 1 tỷ USD.
Pakistan nghĩ họ nên được coi là đồng minh của Mỹ ở Nam Á, chứ không phải là Ấn Độ, và việc đóng cửa căn cứ của CIA để tiếp viện cho Tây Tạng, hẳn là cách để tỏ thái độ không hài lòng với Washington mà không khiến quan hệ Mỹ - Pakistan sứt mẻ trước mặt công chúng. Ayub Khan muốn Kennedy hiểu rõ là việc Mỹ việc ngả về phía Ấn Độ mà gây hại cho Pakistan có cái giá của nó.
Trước bữa tối ở Vernon, Allen Dulles đã mách nhỏ Kennedy nên gặp riêng Ayub Khan, vì nghĩ rằng sự lôi cuốn của Kennedy và sự màu nhiệm của buổi chiều sẽ khiến Khan thay đổi ý nghĩ. Và quả thực việc này hiệu quả. Khan đồng ý cho nối lại chiến dịch của CIA với Tây Tạng.
Nhưng Ayub Khan muốn Kennedy bảo đảm, nếu Trung Quốc và Ấn Độ nảy sinh xung đột, Mỹ không được bán vũ khí cho Ấn Độ nếu không tham vấn Pakistan trước. Tuy nhiên, khi chiến sự xảy ra vào năm kế tiếp, Kennedy đã quên mất lời hứa khi xưa, và viện trợ mạnh mẽ cho Ấn Độ gồm cả vũ khí mà không hề bàn bạc với Ayub Khan, khiến lãnh đạo Pakistan vô cùng thất vọng.
Sau khi nối lại, chiến dịch này đã đưa ra thông tin tình báo then chốt và xác thực về Trung Quốc, vào thời điểm mà Washington không hề có ý niệm gì về những gì đang xảy ra bên trong quốc gia châu Á này. Các chuyến bay của máy bay U-2 từ Dacca thậm chí còn quan trọng hơn thế, khi chúng giúp CIA hiểu về việc Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân tại xưởng Lop Nor.
Kết quả của chiến dịch này không chỉ dừng lại ở đó mà còn vượt xa mọi dự đoán: Chiến dịch của CIA đã góp phần gây ra cuộc xung đột Trung - Ấn tháng 10/1962 – hành động khiến Mỹ và Trung Quốc suýt bên bờ cuộc chiến, và mào đầu cho quan hệ đối địch Trung - Ấn dai dẳng cho tới ngày nay.
Chiến dịch này cũng tạo nên mối quan hệ đồng minh Pakistan-Trung Quốc cho tới hiện tại. Những đường nét cho nền chính trị lớn tại châu Á do đó đã được phác thảo từ năm 1962.
Bữa tối tại đỉnh Vernon lại là một thành công lẫy lừng về mặt xã hội cho bản thân Tổng thống Kenedy dù nhiều chỉ trích cho rằng bữa tối quá tốn kém. Về mặt chính trị, đó cũng là thành công cho cả Kennedy và CIA khi duy trì chiến dịch mờ ám của họ ở Tây Tạng.
Sự kiện này một mặt là một ví dụ điển hình cho thấy, năng lực lãnh đạo của Tổng thống trong việc quản lý và điều hành các chiến dịch bí mật ở cấp cao nhất trong chính quyền. Mặt khác, đây cũng là một điểm đầy hứa hẹn để bắt đầu khảo sát về cuộc khủng hoảng bị lãng quên của John F. Kennedy.