PGS.TS Trịnh Hòa Bình:
Lập 'phố nhạy cảm' là chấp nhận nhu cầu xã hội
Việc đề xuất thành lập khu “nhạy cảm” của một Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh một lần nữa lại làm “nóng” lên câu chuyện về “nghề” bán dâm. Người đồng tình, người phản đối và cũng có người tuy ủng hộ nhưng lại cho rằng chưa phải thời điểm thích hợp. Phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) về vấn đề này.
PV: TP HCM vừa đề xuất lập “phố nhạy cảm” thí điểm tại thành phố. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao, thưa ông?
PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Xung quanh vấn đề mại dâm, có thể nhận thấy so với trước đây chúng ta đang có cái nhìn cởi mở hơn, tích cực hơn, thay đổi một cách căn bản và có sự tính toán trên cơ sở thực tiễn, rằng chúng ta có thể phòng ngừa và giảm thiểu được nạn mại dâm và tệ nạn xã hội bằng cách gom lại để quản lý.
Bởi từ xưa đến nay, xét về mặt văn hóa, đạo đức hay đạo lý của người Việt, đây vẫn là vấn đề hết sức nhạy cảm.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình |
Theo tôi thì ngày nay không chỉ có phụ nữ phục vụ đàn ông, mà còn là đàn ông phục vụ các chị em, rồi tương lai gần sẽ có sự tham gia của những người ở giới tính thứ ba. Xã hội ở ngoài kia vẫn đang tồn tại như thế, chẳng qua vấn đề ở đây là chính quyền và dư luận nhìn nhận thực tế đó như thế nào.
Được biết, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện nay, cả nước có hơn 160.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, tăng 88.000 so với giai đoạn 2006-2010. Trong đó, gần 70.000 cơ sở có nhân viên nữ dưới 35 tuổi, hơn 6.000 nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm, hơn 11.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý.
Hiện xuất hiện nhiều đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới, như: mại dâm đồng tính, chuyển giới bán dâm, người nước ngoài bán dâm, môi giới mại dâm qua mạng Internet, facebook, du lịch tình dục...
Đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó 75% không có nghề nghiệp ổn định, 20% là doanh nghiệp, 3% là cán bộ, viên chức.
Mại dâm, quan hệ tình dục không an toàn là một trong những nguyên nhân chính lây truyền HIV/AIDS. Báo cáo giám sát dịch HIV/AIDS của Bộ cho thấy, tỷ lệ người nhiễm HIV qua quan hệ với gái làng chơi và từ khách làng chơi lây nhiễm sang, chiếm 30-40%.
Theo số liệu thống kê mới đây, có gần 4.600 người hành nghề mại dâm trong tổng số hơn 7,5 triệu người dân. Riêng TP HCM - thành phố đang được xem xét thành lập “khu nhạy cảm”, các cơ quan chức năng tại đây thừa nhận có khoảng 3.000 phụ nữ đang hành nghề mại dâm.
Song, theo một số nhà nghiên cứu, con số người hành nghề mại dâm nói trên thấp hơn nhiều so với thực tế. Con số chính xác có thể phải là 11.000 người. Những người này có thể hành nghề tại các quán karaoke, các quầy bar, trên đường phố hay thậm chí là các khách sạn sang trọng ở trung tâm thành phố.
Trước đây, tôi đã từng có nhiều cuộc nói chuyện với các nhà quản lý cấp Bộ về vấn đề này và cá nhân tôi tán thành với đề xuất lập “phố nhạy cảm”. Kiến nghị ban đầu là thành lập khu nhạy cảm ở một số khu vực ven thành phố như Thanh Đa, Bình Quới.
Chúng ta phải làm thử, gom lại các ngành nghề kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội như massage, karaoke, cắt tóc, cà phê “một cửa”… thành một khu riêng để dễ quản lý và quan trọng là đảm bảo quyền lợi cho bộ phận những người hành nghề này về tiền lương, bảo hiểm, sức khỏe, y tế và còn nhiều vấn đề khác.
PV: Nhiều người vẫn bán tín bán nghi với khái niệm “phố nhạy cảm không có mại dâm” bởi trước đó, chính TP HCM đã rất vất vả mới tạm dẹp được những cơ sở kinh doanh mại dâm trá hình thưa ông?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi nghĩ khi nào đề xuất được chấp thuận chúng ta phải có những quy định rõ ràng hơn về khái niệm này.
Tuy nhiên, thực chất “phố nhạy cảm không có mại dâm” chỉ là để tránh búa rìu dư luận, một cách nói duy ý chí mà thôi. Bởi đã đề xuất lập phố nhạy cảm thì nói thẳng ra làm sao có thể tránh được mại dâm đi kèm, điều này là không hợp lý.
Chúng ta đề xuất lập khu “phố nhạy cảm” chỉ là cách “gom” những người hành nghề mại dâm vào một khu riêng để quản lý, đồng thời phòng chống bệnh tật lây lan mà thôi.
Soi Cowboy - Khu đèn đỏ nổi tiếng ở Thái Lan |
PV: Theo ông, liệu có phải ta đang “vẽ đường cho hươu chạy”? Có cần thiết phải “học tập” nước ngoài trong việc thành lập khu “nhạy cảm” không?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Bạn có thấy ở những góc khuất trên một vài con phố, rồi gốc cây vẫn có gái mại dâm đứng đường? Những góc khuất này đã, đang và vẫn tồn tại, mà điều này thì các nhà quản lý biết hết đấy. Và họ lại phải đưa quân đi dẹp gọn, mà nhiều khi dẹp chỗ này, các cô lại chạy sang chỗ khác.
Cá nhân tôi không cho rằng đây là cách “vẽ đường cho hươu chạy”, bởi nó xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội, mà có cầu thì đương nhiên phải có cung. Chúng ta đừng nên trốn tránh hay phủ nhận thực tế này.
Thực chất đây cũng không phải là câu chuyện học tập nước ngoài hay không mà chúng ta cần phải có chế tài hợp lý cho một vấn nạn đang được cho là nhức nhối. Tất nhiên cũng cần tham khảo cách quản lý của những quốc gia khác.
Ở Thái Lan người ta có khu phố đèn đỏ, Hà Lan, Đức, Pháp, Tây Ban Nha thì quá chuyên nghiệp và thành nghề hợp pháp hỗ trợ ngành công nghiệp không khói rồi. Ngay cả Trung Quốc cũng có khu phố nhạy cảm, nhưng người ta không mặc nhiên cho hoạt động thôi. Nói một cách sòng phẳng thì không có đường, hươu vẫn chạy rồi.
Mặt khác, chúng ta cần hiểu về khái niệm quyền sở hữu cơ thể. Con người sở hữu cơ thể của mình, có nghĩa họ có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể của họ. Ở một góc cạnh nào đó việc “trao đổi” giữa hai người trưởng thành dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” là bình thường.
Người bán dâm có trách nhiệm cung cấp dịch vụ, đó là cơ thể và kỹ năng của mình để cho người mua dâm thỏa mãn nhu cầu tình dục. Người mua dâm có nghĩa vụ trả tiền cho người bán dâm theo thỏa thuận hợp đồng (thường là hợp đồng miệng).
Ở góc cạnh xã hội, việc xem mại dâm là một nghề chứ không phải là một tệ nạn sẽ giảm được áp lực dư luận, sự kỳ thị của cộng đồng với những người làm việc này.
PV: Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chưa chắc lập “phố nhạy cảm” đã quản lý được hết những gì được cho là “nhạy cảm”. Bởi nhiều khi đã là “nhạy cảm” thì người ta hay luồn cúi thực hiện nó, “đi đêm”, kín đáo và ngầm thôi, ông nghĩ sao?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Đã tới những địa điểm nhạy cảm, dù là trước đây rải rác, xé lẻ ở các địa điểm khác nhau thì ai cần biết họ đi đâu, làm gì vẫn biết đấy thôi. Vẫn là những địa điểm có số nhà, địa chỉ cụ thể. Giờ chỉ khác là thành một khu tập trung.
Đã có nhu cầu và dịch vụ được công khai thì người ta sẽ chẳng còn e ngại nữa đâu. Còn nếu thật sự kín kẽ thì những điểm nhạy cảm đấy cơ quan chức năng có biết không.
Lập phố nhạy cảm là để cho những người có nhu cầu và cả những người hoạt động thực sự có một “thẻ môn bài” riêng để bảo vệ chính mình trước pháp luật và an toàn sức khoẻ bản thân.
Tôi ví dụ như cả nhóm đi chơi Đồ Sơn, trong nhóm tách ra mấy anh đi chơi riêng khu “nhạy cảm”, vậy không phải là chúng ta vẫn biết người ta đi đến nơi ai cũng biết là ở đâu đấy sao. Như trước đây miền Bắc có khu Quất Lâm ở Nam Định, và khi nói đi tới đây ai cũng thừa hiểu là người ta đi đâu, làm gì, chơi gì ở đấy.
Có thể sẽ có bộ phận “luồn cúi” nhưng vốn đã quy tập lại được nhiều điểm “nhạy cảm” thì những địa điểm “ngầm” hơn sẽ được khoanh vùng và sớm được cơ quan chức năng sờ gáy tới thôi.
PV: Như ông nói thì thành lập “khu nhạy cảm” chỉ là một cách ngầm thừa nhận mại dâm là một nghề để quản lý, bảo vệ người hành nghề?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi nghĩ đơn giản là nếu có phố nhạy cảm thì họ chỉ được “hành nghề” ở khu “nhạy cảm”. Và việc gom lại được đương nhiên có nhiều lợi hơn chứ. Những người hành nghề này họ cũng là con người, đa số là chị em phụ nữ. Họ ở thế yếu, ngoài việc được bảo vệ sức khỏe thì còn cả tránh được bảo kê, ma cô như trước đây, lại kiểm soát được bệnh dịch lây lan.
Tôi nghe có những ý kiến cho rằng, việc thành lập phố “nhạy cảm” sẽ khiến hạnh phúc nhiều gia đình trục trặc, rồi các ông chồng có “cớ hợp pháp”. Đã là nhu cầu thì đâu cũng là lý do chính đáng cả. Nói ra như vậy thì có phần thẳng quá nhưng trước đây các quán hát karaoke tay vịn, massge đèn mờ, gội đầu đèn mờ vẫn “ngầm” hoạt động và thậm chí vẫn “đông vui” lắm hay sao.
Bên cạnh đó, nếu chúng ta thừa nhận mại dâm là một nghề thì nên xây dựng mô hình đào tạo và hình thức quản lý nghiêm túc. Như trong “Truyện Kiều”, Thúy Kiều cũng được Tú Bà truyền dạy “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” để chiều khách ra sao.
Đào tạo ở đây là truyền đạt kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để đảm bảo cho cả người hành nghề và khách hàng. Trước tiên, người hành nghề cần phải đảm bảo an toàn cho mình rồi mới thỏa mãn các nhu cầu của khách.
Khi được thông qua, các cơ quan quản lý cần có bộ quy chuẩn, quy chế rõ ràng để thực hiện quản lý tốt nhất. Thực chất nói mô hình đào tạo không phải là cổ xúy mà đó là chuyên môn hóa một hình thức xã hội mới, từ đó mới hy vọng lành mạnh hóa xã hội.
PV: Tình trạng gái mại dâm và tệ nạn xã hội thường đi liền với nhau, khi chấp nhận thành lập khu vực mại dâm có đồng nghĩa với việc chấp nhận một khu vực lan tràn tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, chăn dắt, buôn người không thưa ông?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Mại dâm và tệ nạn xã hội không phải bây giờ người ta nhìn là thấy ung nhọt hay sao và nếu ta quản lý được không phải tốt hơn rất nhiều là ta cứ phải chia quân điều tra, rà soát, rồi dẹp trừ… Mà có dẹp được đâu, cấm chỗ này lại hoạt động chỗ khác.
Giờ cứ công khai, đưa ra ánh sáng thì may ra mới dần quản lý được và khi đó mới hy vọng có thể hạn chế được các tệ nạn.
PV: Nếu thực sự “khu nhạy cảm” là một khu vực hoạt động mại dâm hợp pháp, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần phải quản lý nó như thế nào? Áp dụng những luật, quy định nào để đưa vào khuôn khổ, thưa ông?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Giờ thì tôi chưa thể nói rõ cơ quan chức năng có biện pháp gì, luật định thế nào. Nhưng tôi chắc rằng sẽ không có khó khăn với các cơ quan quản lý bởi trước đây dưới thời Pháp thuộc cũng đã có những trại Lục xì - dạng như phục hồi nhân phẩm bây giờ.
Lục xì (phiên âm tiếng Việt của cụm từ “Look-see” trong tiếng Anh) tiền thân là một bệnh viện thực hành khám bệnh liên quan đến tình dục cho gái “ăn sương” và khách làng chơi rất nhiều. Thời ấy, các cô gái mại dâm phải có giấy khám bệnh của nhà Lục Xì mới được hành nghề.
Cô nào không có giấy coi như là bất hợp pháp. Rõ ràng, đó là một cách quản lý đã từng phát huy được hiệu quả và có thể tham khảo.
Không chỉ “hoạt động” mạnh trong nước, gái mại dâm Việt Nam đang là “thách thức” dành cho nhiều quốc gia trong khu vực. Theo kết quả trong một cuộc điều tra khác về số liệu gái mại dâm quốc tế năm 2012 của cảnh sát Malaysia chỉ ra rằng, gái mại dâm Việt Nam... đang xếp ở vị trí quán quân cho danh sách này. Hãng ABN News của Malaysia cho hay năm 2012, trong số 12.434 gái mại dâm nước ngoài bị bắt ở khắp Malaysia, có đến 3.456 gái mại dâm Việt Nam. Con số gái mại dâm Việt Nam bị bắt giữ trong năm 2012 đã tăng 2.196 trường hợp so với năm 2011, ABN News dẫn lời ông Abdul Jalil Hassan, Trợ lý giám đốc Cục Phòng chống tệ nạn, cờ bạc và hội kín của cảnh sát Malaysia. Ông Hassan cho biết đa số gái mại dâm Việt hành nghề tại các quán bar, karaoke và tiệm massage. |
Trước đây chúng ta hay bắt gái mại dâm rồi đưa họ vào trại phục hồi nhân phẩm, sau đó họ được tái hòa nhập cộng đồng và không biết đi đâu, làm gì và không ít người lại quay về “nghề cũ”. Có những trường hợp bị bắt tới vài lần cũng không phải là điều ngạc nhiên. Thế nên có một lãnh đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã từng phải thừa nhận, mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn tệ nạn mại dâm là gần như bất khả kháng và không thể xóa bỏ được hoàn toàn.
Có quan điểm về mại dâm thế này: “Mại dâm là bạn đồng hành của chế độ một vợ một chồng”. Điều này hoàn toàn không phải tiêu cực, nó phản ánh đúng thực trạng của xã hội mà thôi. Nhu cầu sinh lý là nhu cầu đầu tiên của con người. Sinh lý ở đây là cả nhu cầu thức ăn, quần áo và cả nhu cầu thiết yếu là tình dục.
PV: Xin cảm ơn ông!
Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Lê Thị Hà: Công nhận mại dâm - mất nhiều hơn được Tệ nạn mại dâm hiện nay đang gây nhiều hệ lụy xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền con người, chà đạp lên phẩm giá và giá trị của con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể các hành vi liên quan đến mại dâm bị nghiêm cấm (Điều 4 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003). Đồng thời, qua tham khảo ở một số quốc gia công nhận hoạt động mại dâm là hợp pháp, sau một thời gian thực hiện, họ đánh giá hậu quả của việc công nhận đây là “nghề” còn lớn hơn cả những cái được coi là “thành tựu” về kinh tế và xã hội khi cho phép như vậy. Nghĩa là mất nhiều hơn được. Vấn đề đặt ra là, nếu chúng ta không công nhận mại dâm là một nghề thì thực sự những người sống độc thân, những người vì một lý do nào đó mà không được đáp ứng về nhu cầu tình dục… chưa được quan tâm đến, an toàn tình dục của những người hành nghề mại dâm cũng không được bảo đảm. Nhưng chúng ta phải nghĩ thế này: Giữa cái được và mất của cho phép và không cho phép mại dâm hoạt động công khai thì phải lựa chọn cái mang lợi ích chung, lớn hơn và ít xấu cho xã hội hơn. Còn để đáp ứng những đối tượng này trong xã hội thì đổi lại, chúng ta phải đánh đổi “đắt” quá với những hệ lụy mang tính nền tảng, hệ thống… của cả xã hội như đã nói. Hơn nữa, dưới góc độ chuyên môn và quản lý của chúng tôi, mại dâm hợp pháp và vấn đề đáp ứng về nhu cầu tình dục của một số cá nhân trong xã hội là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhu cầu tình dục hay bất cứ một nhu cầu nào của cá nhân trong xã hội chỉ có thể được công nhận khi nó không xâm phạm đến quyền, lợi ích của người khác và của toàn xã hội. Chúng ta cũng đạt được những kết quả khả quan nhưng từ thực tế diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các quốc gia khác, loại trừ mại dâm một cách tuyệt đối thực sự là điều không thể, ngay cả ở các quốc gia có điều kiện thuận lợi về mọi mặt. Bởi vậy, chúng tôi xác định rõ công tác này phải dựa trên quan điểm dù không coi là một nghề nhưng phải thừa nhận đây là một tồn tại của xã hội để áp dụng đa dạng các phương thức, hình thức, biện pháp quản lý hiệu quả đối tượng mại dâm, tôn trọng quyền con người, đối xử nhân đạo, công bằng với họ thông qua tăng cường các biện pháp giảm hại đối với cộng đồng, xã hội từ tệ nạn này. Ngoài ra, giúp đỡ đối tượng mại dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội và tái hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, khi chúng ta coi mại dâm là bất hợp pháp thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận mại dâm tồn tại trong “thế giới ngầm”, hoạt động lén lút ngoài tầm quản lý của Nhà nước. Việc tiếp cận những người tham gia hoạt động mại dâm để thực hiện các can thiệp giảm tác hại và bảo vệ các quyền của họ sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ áp dụng đa dạng các phương thức, biện pháp phòng, chống mại dâm trên cơ sở bảo vệ quyền con người. Nếu chúng ta sử dụng các cách tiếp cận phù hợp như thông qua các nhóm tự lực, các tổ chức xã hội như đã bắt đầu thử nghiệm ở một số địa phương trong thời gian qua thì mục tiêu giảm hại sẽ phần nào đạt được. Và thực tế, hiện nay chúng tôi đang xây dựng thí điểm các mô hình giảm tác hại, phòng, chống HIV/AIDS trong phòng, chống mại dâm. Tư vấn, hỗ trợ sinh kế và bước đầu cho thấy có kết quả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá để nhân rộng các mô hình này. |
Nhóm Phóng viên