Thợ điện vùng cao Quảng Ngãi
Địa hình chia cắt, giao thông cách trở khiến những khó khăn với người thợ điện vùng cao Quảng Ngãi nhân lên gấp bội phần. Kéo điện đã vất vả nhưng chỉ một lần, còn việc quản lý, vận hành cấp điện và cả thu tiền điện là trường kỳ gian đeo bám cuộc đời người thợ điện vùng cao.
Trèo đèo, lội sông kéo điện
Làng Tốt - làng kỳ nam thuộc thôn Mang Cà Rúi, xã Ba Lế (Ba Tơ) ở chốn rừng sâu nước thẳm bao năm đợi chờ nay đã có điện kéo về. Đêm đóng điện, cả làng thao thức vì sợ… điện tắt, bóng tối bao trùm cả làng như mấy chục năm qua. Từ trung tâm Ba Lế ngoặt tay phải hơn 10km nữa mới đến làng Tốt. Đường về làng Tốt có đoạn vẫn chẳng thể đi bằng xe máy. Độ dài chẳng là bao nhưng chí ít cũng vài tiếng đồng hồ vượt qua 3 con suối, 1 nhánh sông mới chạm cổng làng.
Thi công cấp điện thôn Manpo, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi |
Già làng Phạm Văn Hoăn mấy hôm nay vui lắm. Ông cứ mong đến tối để bật đèn, cắm điện cái tivi xem thời sự. Già Hoăn bảo: “Điện sáng cái làng mình vui hơn. Trẻ con có ánh sáng học bài vào ban đêm. Mấy cái máy xay xát gạo đầu làng cắm điện vào là chạy chứ không phải đổ dầu vào chạy như trước nữa. Có điện đêm ở làng mình sáng như ban ngày”. Để có được ngày vui “làng Tốt có điện”, những người thợ điện vùng cao Ba Tơ đã phải vất vả nhiều tháng trời phóng tuyến, tập kết vật liệu, trần lưng kéo dây, vượt sông, lội suối đấu nối. Khi ánh điện sáng lên chính những người thợ điện ấy cũng vui chẳng khác gì người làng Tốt.
Anh Võ Thanh Bình - Giám đốc Điện lực Ba Tơ cho biết: “Hiện nay, ngoài Mang Cà Rúi, nhiều vùng lõm xa xôi khó khăn nhất của huyện như Gọi Re (Ba Xa), Ba Nhà (Ba Giang), Làng Mâm, Làng Diều (Ba Bích) đã được đóng điện. Tổng vốn đầu tư kéo điện về tận vùng hẻo lánh này lên đến 30 tỉ đồng”. Ở vùng cao Sơn Tây, Sơn Hà, những năm gần đây, công tác đầu tư kéo điện về các thôn đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn.
Trong tháng 9, người dân Làng Lùng (Sơn Giang, Sơn Hà) và Tu Ca La (Sơn Tân, Sơn Tây) đã có điện thắp sáng thay cho đèn dầu từ bao đời nay. Để những vùng lõm sáng điện mỗi đêm, ngoài đầu tư vốn lớn, còn có cả sự hy sinh, gian nan vất vả của những người thợ điện vùng cao Quảng Ngãi. Và không phải khi đóng điện sáng rồi là xứ mệnh của những người thợ điện đã khép lại. Thực tế nơi nào điện sáng, dù gần hay xa, dù dễ hay khó đến được thì những nhân viên điện lực Quảng Ngãi đều phải gắn với nơi ấy suốt cuộc đời làm thợ để cấp điện, bảo trì, sửa chữa, thu tiền điện…
Gian khổ “chăm sóc” đường dây
Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi, địa hình sông suối chia cắt, đồi núi cao. Vì thế việc quản lý, chăm sóc đường dây, đảm bảo cấp điện thông suốt, an toàn vô cùng khó khăn. Trò chuyện với anh Võ Thanh Bình, Giám đốc Điện lực Ba Tơ - địa bàn có diện tích chiếm 1/5 diện tích toàn tỉnh nói rằng: Cái khó nhất hiện nay của việc chăm sóc, quản lý, vận hành đường dây là tình trạng cây keo của người dân trồng gần lưới điện. Khi có gió mạnh, hay mưa giông gây chập điện, mất điện liên tục. Ở vùng đồi núi, việc tìm kiếm điểm xảy ra sự cố và khắc phục sự cố vô cùng khó khăn.
Ngoài ra, Ba Tơ là địa bàn chỉ có một tuyến đường dây đưa điện về từ Đức Tân lên. Vì thế khi đường dây chính này bị sự cố sẽ kéo theo các vùng khác trên toàn Ba Tơ mất điện. Anh Bình kể cho tôi nghe câu chuyện đường dây qua xã Ba Động bị sự cố mất điện, toàn vùng Ba Tơ phải chịu cảnh “tối om om” trong nhiều tiếng đồng hồ. Tất cả những tay thợ cừ khôi nhất đã được điều động ra hiện trường khắc phục sự cố dù khi đó là chiều tối, mưa giông. Với sự nỗ lực mãi đến hơn 20 giờ cùng ngày điện đã được cấp trở lại.
Anh Đoàn Yên - Giám đốc Điện lực Sơn Hà thì chia sẻ: “Cái khó của đơn vị mình là địa bàn rộng, địa hình khó và còn cả sự hợp tác chưa đúng mức của người dân trong sử dụng điện và bảo quản đường dây”. Mỗi khi có sự cố, dù bất cứ lúc nào, những anh thợ điện đều phải bật dậy, đeo túi dụng cụ lên vai. Có những sự cố phải cả ngày mới tìm ra được nguyên nhân. Cơ cực nhất là mùa mưa bão khi gió lớn, lốc, lũ đổ về, nhiều cột điện, đường dây bị cuốn phăng theo những dòng nước. Thợ điện thường là những người có mặt tại hiện trường để khắc phục sự cố sớm nhất bởi nếu chậm cấp điện trở lại sẽ gây nhiều cản trở cho hoạt động bình thường của cư dân, nhà máy, xí nghiệp, công trường, cơ quan hành chính.
Nhọc nhằn đi thu tiền điện
Hiện nay, việc thu tiền điện ở vùng cao thường thông qua các đại lý. Tuy nhiên, đối với vùng lõm, vùng đặc biệt khó khăn thì đại lý thường… từ chối không nhận thu. Vì thế, các anh thợ điện vùng cao ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật của mình còn phải kiêm luôn thu… tiền điện! Với đặc thù dân cư sống thưa thớt và lại thường hay đi rẫy vài ba ngày mới về, nên mỗi chuyến về vùng cao thu ngân, những người thợ điện phải ở lại đêm ở “vùng lõm”. Thế nhưng không phải cứ về đến làng, gặp được khách hàng là thu được tiền điện. Dù chỉ số công tơ rất thấp, nhưng nhiều hộ dân vẫn không đủ khả năng chi trả tiền điện mỗi tháng vài chục ngàn.
Anh Thịnh - Điện lực Sơn Hà phục trách địa bàn Sơn Tây cho biết: “Khi đi thu tiền điện, thợ điện phải mang theo dụng cụ để kết hợp khắc phục, sửa chữa đường dây, tư vấn sử dụng điện tiết kiệm an toàn cho người dân. Có khi chỉ thu khoảng vài trăm ngàn tiền điện nhưng nhân viên phải đi hai ba ngày mới thu xong”.
Chúng tôi theo chân các anh thợ điện vùng cao Tây Trà về thôn Trà Veo, xã Trà Xinh thu tiền điện. Cả làng gần 40 hộ dân, nhưng số tiền điện phải trả chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng với 3 ngày công của người thợ chờ đợi để sửa chữa, thay bóng và thu tiền điện. Thợ điện vùng cao việc đi thu ngân vài ba ngày mới về là chuyện thường! Nhiều nơi đường giao thông chưa có hay đường giao thông bị sạt lở, chia cắt, thợ điện còn phải bơi qua sông hoặc đi đường mòn xuyên rừng về làng ghi chỉ số điện, thu tiền điện, sửa chữa, khắc phục sự cố. Vất vả là thế nhưng thợ điện nào cũng bảo, cái nghề này đã mê rồi không bỏ được. Kéo dây, dựng trụ thì mệt lắm nhưng khi điện sáng rồi thì lại quên hết những mệt nhọc mà mình vừa trải qua.
Thanh Nhị