Sẽ còn bị lừa
Cứ dăm bữa nửa tháng lại rộ lên một vụ lừa đảo lớn khiến nhiều người thất điên bất đảo. Rồi từng ngày, từng giờ, đủ các kiểu lừa đảo diễn ra ở khắp mọi nơi. Không chỉ những người dân trí thấp mà cả những tầng lớp có trình độ hiểu biết và từng trải cũng bị lừa. Tất cả đều xuất phát từ lòng tham và sự cả tin.
Những phụ nữ muốn lấy chồng ngoại quốc để được xuất ngoại, hưởng cuộc sống giàu sang đã bị kẻ xấu lợi dụng, gửi hàng trăm triệu đồng vào tài khoản của bạn trai lạ chưa gặp mặt bao giờ.
Những “yêu râu xanh” chỉ à ơi mấy lời đường mật qua facebook hoặc zalo mà lừa được hàng chục cô gái trẻ để hãm hại rồi trấn lột hết tài sản, để mất cả chì lẫn chài.
Nhiều công ty xây dựng vì đang “khát” việc làm đã bị những kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền tỉ để “chạy dự án ma”.
Rồi cả những người tin tưởng bạn bè, thân hữu mà vô tình cho mượn nhà đất, sổ đỏ để rơi vào cảnh trắng tay…
Bán hàng đa cấp là lĩnh vực xuất hiện lừa đảo nhiều nhất. Các công ty bán hàng đa cấp đã dùng chiêu lừa rất đơn giản, đưa ra phương thức mua bán hàng cho khách rồi yêu cầu khách lôi kéo những khách hàng tiếp theo để được hưởng hoa hồng: Bỏ ra số tiền khoảng chục triệu để chẳng phải lao tâm khổ tứ gì mà sau đó sẽ thu về hàng trăm triệu. Chỉ với cái “bánh vẽ” như thế mà rất nhiều khách hàng đã lao vào cuộc chơi này như những con thiêu thân.
Đối tượng đông nhất là sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia kinh doanh đa cấp từ mấy năm nay. Những đường dây lừa đảo, dẫn dắt sinh viên tới các hiệu cầm đồ, vay tiền lãi suất cao để đầu tư kinh doanh đa cấp. Hậu quả là sau khi sập bẫy, để lấy lại tiền, không ít sinh viên đã tiếp tục đi lừa người khác và trở thành kẻ tiếp tay cho các công ty đa cấp, làm gia tăng số “nạn nhân”. Khi bị đòi nợ, xiết nợ, có sinh viên đã quẫn trí làm liều, vi phạm pháp luật. Mới đây, tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), có một nữ sinh viên sập bẫy đa cấp đã dàn dựng vụ bắt cóc, tống tiền gia đình để lấy tiền trả nợ.
Sinh viên là tầng lớp trí thức mà sao còn bị mắc lừa? Có người tham gia để bớt gánh nặng chi phí học hành cho bố mẹ. Nhưng cũng có người không thiếu thốn gì mà muốn giàu có, lắm tiền để ăn chơi. Còn những người nhẹ dạ cả tin thì khá nhiều. Vấn đề là tại sao rất nhiều sinh viên bị lừa đảo đã được cơ quan pháp luật phát hiện ra rồi cảnh báo mà những lớp sinh viên sau vẫn tiếp tục sa vào cạm bẫy nguy hiểm ấy?
Trước hết phải thấy rằng, không phải trường đại học nào cũng làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa cho sinh viên mà dường như chỉ sau khi có những vụ việc cụ thể xảy ra, việc khuyến cáo mới được đề cập. Các sinh viên ngoại tỉnh ra thành phố học, ít quan tâm tới những thông tin thời sự chính trị đang diễn ra hằng ngày nên việc cảnh báo hiện tượng đa cấp lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng dường như không được họ tiếp nhận. Nếu có lên mạng, sinh viên chỉ quan tâm đến những thông tin thời trang, các sao Hàn, sao Việt, các thần tượng bóng đá, điện ảnh...
Từ các vùng quê ra thành thị, nhiều sinh viên chưa được trang bị kỹ năng sống và kiến thức xã hội cần thiết. Cộng vào đó là tâm lý thích ăn chơi đua đòi, muốn nhanh chóng có nhiều tiền để mua sắm hàng hiệu sành điệu, thể hiện đẳng cấp. Có nhiều thanh niên, sinh viên bây giờ quanh năm suốt tháng không bao giờ đọc báo, nghe đài, xem tivi nên việc cảnh báo hiện tượng lừa đảo thông qua các phương tiện truyền thông đối với họ là hoàn toàn mù tịt.
Thế rồi, khi đã bị lừa đảo, họ xấu hổ không dám nói ra. Thượng tá Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy cho rằng: “Tìm cách nói dối gia đình, không dám nói thật việc mình bị dính bẫy đa cấp là sai lầm phổ biến và đầu tiên của các bạn sinh viên; từ đó dẫn đến việc sinh viên nghĩ cách “xoay” tiền trả nợ, bất chấp là làm gì. Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vi phạm pháp luật”. Thế rồi, “không vượt qua được sĩ diện của bản thân, mặt khác sợ ảnh hưởng đến việc học tập nên nhiều sinh viên đã âm thầm tự giải quyết mà không trình báo cơ quan chức năng”. Im lặng trước trò lừa đảo của đa cấp khiến cho số nạn nhân tiếp tục gia tăng.
Ở các vùng quê nghèo, bẫy đa cấp đã gây ra bao tai họa cho các gia đình, đưa họ vướng vào con đường phá sản, nợ nần. Hơn 600 người đóng tiền cho cơ sở kinh doanh Thiên Ngọc III, tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (trụ sở tại phường 13, quận 6, TP Hồ Chí Minh), dưới hình thức mua sản phẩm với số tiền ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng. Hàng trăm người khác ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cũng rơi vào cảnh khốn đốn bởi Công ty Hoàng Giang Phúc. Họ vốn đã nghèo đói nay lại càng đói nghèo hơn bởi gánh thêm khoản nợ nần chồng chất với lãi suất cao.
Tác nhân gây ra tai họa cho người dân là các công ty đa cấp nhưng các công ty bán hàng đa cấp vẫn cứ nhởn nhơ tồn tại. Tiêu biểu nhất là Công ty đa cấp Liên Kết Việt. Đây là công ty đa cấp đã ngang nhiên mạo danh là công ty của Bộ Quốc phòng. Những người tham gia khóa huấn luyện của Liên Kết Việt đã được nghe nhân viên của công ty này rêu rao rằng: “Không cần làm gì hết mà vẫn có tiền! Chỉ ở nhà ăn và chơi thôi! Bỏ ra 9,3 tỉ đồng, thu về 450 tỉ. Tỷ suất lợi nhuận là 4.800%”.
Lời quảng cáo hoang đường, viễn tưởng như thế mà vẫn có người cả tin và lao theo. Thật là vừa đáng trách lại vừa đáng thương! Vì thế đã có người phải thốt lên rằng: “Có là nhà kinh doanh đại tài hàng đầu thế giới như Bill Gates hay Warren Buffet cũng phải tôn là sư phụ!”.
Nhưng có một câu hỏi cần phải đặt ra với các cơ quan bảo vệ pháp luật là: Tại sao Công ty đa cấp Liên Kết Việt đã bị dư luận phanh phui rõ như ban ngày mấy tháng nay mà nó vẫn tồn tại? Không chỉ chi nhánh ở Hải Phòng mà ngay tại trụ sở chính ở Hà Nội, Công ty đa cấp Liên Kết Việt cũng ngang nhiên treo các giải thưởng, giấy chứng nhận mạo danh công ty của Bộ Quốc phòng, cũng như cố tình giới thiệu sự liên quan đến quân đội để lôi kéo người bỏ tiền vào đa cấp. Ban lãnh đạo công ty là ông Lê Xuân Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP. Ông Hà đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên Kết Việt. Nhân viên của Công ty Liên Kết Việt vẫn hằng ngày tỏa đi khắp nơi mời chào khách hàng tham gia mua bán hàng đa cấp của mình.
Với 3 chữ viết tắt BQP, công ty này mập mờ lừa dối khách hàng là chữ viết tắt “Bộ Quốc phòng”. Thế rồi trong các buổi lễ của công ty, lại xuất hiện các tướng tá sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu. Nếu công ty này đã mạo danh và trá hình quân đội thì tại sao mấy tháng nay, các cơ quan pháp luật chưa có hình thức gì xử lý? Hơn nữa, Bộ Quốc phòng bị lợi dụng danh nghĩa như vậy mà tại sao cũng không có động thái xử lý quyết liệt nào? Đó là những điều khuất tất mà dư luận vẫn đang chờ đợi các cơ quan chức năng giải đáp.
Nếu không có chế tài xử lý mạnh mẽ thì chuyện lừa đảo còn tiếp tục diễn ra và lớp lớp người tiếp theo sẽ lần lượt chui đầu vào bẫy lừa đảo. Nhưng những người bị lừa thì cũng nên tự trách mình, bởi họ đã tham, đã muốn làm ít mà... ăn nhiều.
Bùi Đức Toàn