Cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông Vận tải:
Mô hình mới khá hấp dẫn
Ngày 21/10 vừa qua, phiên bán đấu giá cổ phần đầu tiên của Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương (GTVT) đã diễn ra hơn cả mong đợi khi 33 tổ chức, cá nhân đã tham gia đấu giá với khối lượng đặt mua là hơn 11.700 cổ phần, gấp gần 2,4 lần so với cổ phần mang ra bán đấu giá là 4,95 triệu cổ phần.
Đây là bệnh viện đầu tiên và cũng là đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vậy câu hỏi đặt ra là sau khi cổ phần hóa, chuyển sang mô hình hoạt động của doanh nghiệp, chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện GTVT liệu có tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của người bệnh?
Mổ nội soi cho bệnh nhân ở BV Giao thông Vận tải |
Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đơn vị tổ chức phiên đấu giá, đã có 4,95 triệu cổ phần với mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần của bệnh viện GTVT được bán đấu giá với mức khởi điểm bằng đúng mệnh giá. Thế nhưng ngoài sự tưởng tượng, cổ phần của bệnh viện GTVT đã có mức giá đặt mua cao nhất là 26 nghìn đồng/cổ phần và mức thấp nhất cũng cao hơn mức khởi điểm tới 7.200 đồng. Có 2 nhà đầu tư trúng thầu với mức giá đấu thành công trung bình 23.597 đồng/cổ phần.
Và với số cổ phần bán ra, tổng số tiền thu về là 116,8 tỉ đồng, tương ứng 30% vốn điều lệ của bệnh viện GTVT - đúng phương án cổ phần hóa Bệnh viện GTVT đã đề ra. 70% vốn còn lại, Nhà nước sẽ nắm giữ 30%, khoảng 10% sẽ bán ưu đãi cho người lao động của chính bệnh viện và khoảng 30% cuối cùng dành cho nhà đầu tư chiến lược.
Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển may mắn trở thành nhà đầu tư này sau khi cạnh tranh cùng một số nhà đầu tư chiến lược khác. Như vậy, cổ phần hóa bệnh viện GTVT bước đầu đã diễn ra thành công làm cho ngay cả lãnh đạo bệnh viện cũng không ngờ tới kết quả này.
Ông Lê Tuyến Hồng Dương, Phó giám đốc bệnh viện cũng đã chia sẻ với báo chí: “Trước khi diễn ra phiên đấu giá, chúng tôi cũng có nhiều tâm tư, lo lắng bởi không biết đấu giá cổ phần bệnh viện GTVT có thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư không. Thế nhưng, sau phiên đấu giá, mới thấy sự thành công ngoài mong đợi của chúng tôi. Không ngờ có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này như vậy”.
Còn bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thì không ngạc nhiên với điều này. Bởi theo bà, bệnh viện là mối quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư do đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, có nhiều lĩnh vực dịch vụ dẫn đến tiềm năng phát triển rất lớn.
Sắp tới đây, khi cổ phần hóa đã hoàn tất, Bệnh viện GTVT sẽ thay bằng cái tên rất… doanh nghiệp: “Công ty Cổ phần Bệnh viện GTVT”. Khi đó dự kiến vốn điều lệ của bệnh viện dự kiến sẽ tăng từ 168 tỉ đồng lên 435,5 tỉ đồng sẽ khiến cho các nhà đầu tư có cơ hội đầu tư hơn nữa đặc biệt là trong bối cảnh bệnh viện GTVT vừa được thông qua một dự án ODA trị giá 15 triệu đôla Mỹ và dự án này được định hướng đầu tư phát triển một số chuyên khoa lên tầm khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra sau quá trình cổ phần hóa là, chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện GTVT có được nâng lên không, đời sống, công việc của cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện có ổn định không… như đúng băn khoăn của rất nhiều y bác sĩ của bệnh viện hiện nay. Bác sĩ Lê Tuyến Hồng Dương cho hay: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là tư tưởng, tinh thần của y bác sĩ đang làm việc tại viện. Họ rất lo lắng, thậm chí dao động về việc cổ phần hóa bệnh viện vì không biết hiệu quả của quá trình cổ phần hóa có như kế hoạch đề ra không, chất lượng khám chữa bệnh có được nâng lên không, đời sống cán bộ nhân viên sẽ như thế nào…?”.
Trả lời cho vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phân tích: “Từ mô hình bệnh viện công lập, được bao cấp toàn bộ chuyển đổi thành doanh nghiệp, hoạt động theo luật doanh nghiệp, các mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, phương thức quản lý tài chính, quản lý bệnh viện… đều thay đổi, trong đó đặc biệt là mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ điều trị thay đổi thành cung - cầu, thành từ một nơi bệnh nhân tìm đến sang thành một nơi tìm đến bệnh nhân thì chắc chắn sẽ có những cái khác so với bây giờ. Cái khác này theo tôi chỉ có thể là tốt lên, nhất là về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Vì khi quyền lợi của bệnh viện và những y bác sĩ đang làm việc tại đó được quyết định bởi chất lượng công việc của chính họ thì buộc họ phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình. Nếu họ làm không tốt nghĩa là họ tự đẩy mình đến chỗ “chết”. Cho nên theo tôi cổ phần hóa bệnh viện là một chủ trương đúng của Chính phủ, sẽ làm thay đổi diện mạo, chất lượng của ngành y. Theo đó, người bệnh sẽ được phục vụ tốt hơn, được hưởng dịch vụ đúng như mong muốn”.
Không chỉ gắn quyền lợi giữa bác sĩ và bệnh nhân mà chính việc giúp họ đồng sở hữu bệnh viện theo hình thức bán cổ phần ưu đãi cho cán bộ nhân viên công tác tại bệnh viện cũng được đánh giá là một cách làm hay của bệnh viện GTVT. Bởi khi họ là chủ, “sinh mệnh” của họ gắn liền với bệnh viện thì chắc chắn họ sẽ phải chủ động, trách nhiệm bằng mọi cách tìm ra cách làm để bệnh viện tồn tại và phát triển. Và cách làm ấy không có gì khác là phải biến người bệnh thành “thượng đế” như khẩu hiệu của ngành y đặt ra hiện nay.
Từ việc cổ phần hóa bệnh viện GTVT, cũng có một vấn đề khác đặt ra đối với những bệnh viện chuyên sâu không nằm trong mối quan tâm của các nhà đầu tư thì sẽ như thế nào, mặc dù đó cũng là các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng nằm trong đối tượng cổ phần hóa? Hoặc có nên cổ phần hóa những bệnh viện như vậy hay không. Về trường hợp này, ông Nguyễn Huy Quang nêu quan điểm: “Với việc kinh phí của Nhà nước có hạn như hiện nay thì tốt nhất theo tôi ngành y tế nên duy trì hệ thống y tế dự phòng, tức là gồm những công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh cho người dân để giảm nguy cơ dịch bệnh và giảm chi phí điều trị sau này của họ. Thứ hai là đối với những bệnh viện chuyên sâu về các bệnh lao, phong, tâm thần, các bệnh xã hội mà các nhà đầu tư ít quan tâm đến thì Nhà nước nên giữ lại để chăm lo người dân về các bệnh đặc thù. Chúng ta chỉ cổ phần hóa những bệnh viện đa khoa thôi”.
Mặc dù mới cổ phần hóa, nhưng với những tín hiệu vui trong phiên đấu giá đầu tiên, đồng thời cùng với quy luật “trách nhiệm gắn liền quyền lợi” cho thấy Bệnh viện GTVT sẽ có những bước chuyển mình mang tính đột phá. Bởi vai trò làm chủ, tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm… của bệnh viện được nâng lên mức tuyệt đối, mang lại lợi ích cho cả hai bên là bệnh viện và người bệnh.
Từ đây cũng có thể thấy quyết định cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập như Bệnh viện GTVT của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết và đúng thời cơ, vì vừa giảm được “gánh nặng” cho Nhà nước vừa đặt được lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Huy Quang: Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi vì giá trị thương hiệu của các bệnh viện công lập được đánh giá cao. Và đó là một trong những điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện. Đã đến lúc cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc thay đổi hoặc chuyển đổi tất cả bệnh viện công lập hiện nay (trừ những bệnh viện chữa bệnh đặc thù) sang cổ phần hóa để cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người bệnh. |
Xuân Bách