'Công, dung, ngôn, hạnh' mãi cần!
"Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Lối suy nghĩ coi trọng nam hơn nữ trong mỗi gia đình cũng như trong xã hội, cứ nghĩ chắc nó chỉ còn là hình bóng của một thời phong kiến đã xa.
Ấy vậy mà, cho đến hôm nay, cái khát vọng về bình đẳng giới mà câu chuyện sinh con trai hay con gái vẫn là nỗi dằn vặt, thậm chí không muốn nói là đau đớn và cay cú của không ít gia đình, dòng họ, thì xem ra cũng là điều chúng ta đáng suy ngẫm lắm.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và các nữ cử chi của tỉnh Hòa Bình |
Trở lại những ngày đầu khi chính quyền dân chủ cộng hòa được lập nên, mỗi người Việt Nam, đặc biệt là các bà, các chị thực sự cảm thấy cuộc đời mình như bước sang một trang mới khi họ được có mặt trong các cuộc hội họp, được tham gia vào nhiều tổ chức đoàn thể để có quyền không chỉ góp công sức với mọi tổ chức đoàn thể ấy, mà còn được bày tỏ chính kiến của mình cho công cuộc xây dựng đời sống mới.
85 năm qua, những đóng góp không nhỏ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã nâng người phụ nữ từ vị trí thuần túy chỉ có trách nhiệm “tề gia, nội trợ”, bước lên một tầm cao mới với vai trò và tâm thế mới. Người phụ nữ không chỉ còn quanh quẩn với chuyện chồng con, bếp núc để “một chữ bẻ đôi” chẳng rõ, mà những lớp bình dân học vụ đã mở ra cho các bà, các chị một chân trời mới, giúp họ vừa nâng tầm hiểu biết hơn đối với các vấn đề đời sống xã hội, vừa tạo cho họ cơ hội bước chân ra khỏi lũy tre làng để đến với các công trường, nhà máy. Bước chân của các chị, các em trên mọi nẻo đường tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những ngày đầu lập nước ấy, thực sự là những dấu son in đậm trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam.
Đã có rất, rất nhiều tấm gương ngời sáng của phụ nữ Việt Nam thể hiện khí phách kiên cường của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu đóng góp cho quá trình cách mạng. Từ mái trường xã hội chủ nghĩa, họ bước vào đời sống mới với vị trí và vai trò ngày càng lớn hơn trong xã hội. Không chỉ học tập chuyên cần, phụ nữ Việt Nam vừa “nuôi con khỏe, dạy con ngoan” lại vừa hăng say lao động sản xuất với chất lượng và hiệu quả cao, đồng thời “tay cày, tay súng” sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập của dân tộc. Cũng để rồi, khi đất nước cùng hát bản hòa ca thống nhất, người phụ nữ Việt Nam thêm một lần gắng sức cùng gia đình, xã hội phấn đấu cho một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, tiến bộ dân chủ và văn minh.
Với phụ nữ, những nghị quyết, chỉ thị mà Đảng và Nhà nước đã ban hành trong nhiều năm qua, càng thể hiện rõ hơn sự đánh giá, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong tiến trình phát triển. Sau Nghị quyết số 11/NQ-TƯ, ngày 27-4-2007 về công tác phụ nữ do Bộ Chính trị ban hành, việc Quốc hội thông qua Luật Bình đẳng giới năm 2007, chính là một bước tiến quan trọng, là công cụ để thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Chúng ta có quyền tự hào về tỷ lệ 30,53% nữ thạc sĩ, 17,1% nữ tiến sĩ, 5,1% nữ giáo sư, 11,7% nữ phó giáo sư trong đội ngũ trí thức hiện nay. Đặc biệt hơn, tại nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2011-1016), chúng ta có 2 cán bộ nữ là ủy viên Bộ Chính trị, 2 cán bộ nữ trong Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tại các cấp ủy địa phương nhiệm kỳ 2010-2015, có 3 nữ bí thư và 6 nữ phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấy ủy huyện, xã đều tăng và đạt chỉ tiêu từ 15% trở lên (cấp huyện là 15,16%, tăng 0,42%; cấp xã là 18,00%, tăng 2,92% so với nhiệm kỳ trước); trong đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ ở cả hai cấp đều tăng (cấp huyện là 10,19%, tăng 2, 23%; cấp xã là 9,1%, tăng 3,3% so với nhiệm kỳ trước). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,4%, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện là 24,62%, cấp xã là 21,71%, trong đó có 18/63 tỉnh thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh đạt từ 30% trở lên.
Nhưng, đi kèm với những tự hào ấy, khi chúng ta hiểu rõ và đầy đủ hơn về quyền được thừa hưởng những thành quả lao động mà mỗi người phụ nữ phải có, cũng chính là khi chúng ta không khỏi day dứt bởi nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt đang bị mai một, phá vỡ và biến dạng. Hình như cái mới mẻ của cơ chế thị trường hôm nay đang khiến cơn lốc bạc tiền, địa vị và danh vọng ùa vào làm rối tung mọi giá trị truyền thống tốt đẹp. Ngay cả cái thiên chức cao quý mà chỉ phụ nữ mới vinh hạnh có được, liệu còn mấy gia đình truyền dạy cho con gái mình trân quý mà rèn giũa. Còn được bao gia đình lo dạy cho con gái mình biết thế nào là nữ công gia chánh. “Công, dung, ngôn, hạnh” đâu phải là tàn dư của chế độ phong kiến? Đâu phải cứ vứt bỏ hết cái cũ, đập nát hết cái cũ, chúng ta sẽ xây ngay được những cái mới tốt đẹp hơn?
Khi xã hội cởi mở hơn, cũng là lúc chúng ta cảm nhận được cái mong manh đến dễ vỡ vụn của hạnh phúc gia đình. Vì sao tỷ lệ ly hôn trong các gia đình Việt, năm sau luôn cao hơn năm trước? (năm 2000 là 51.300 vụ, thì năm 2010 là 88.591 vụ ). Vì sao bình quân mỗi năm ở nước ta xảy ra tới hơn 8000 vụ bạo lực gia đình? Rất nhiều nguyên nhân và lời giải đã được các nhà khoa học chuyên ngành nêu rõ. Khó khăn về kinh tế, dễ dẫn đến va chạm. Chênh lệch về học vấn, dễ dẫn đến sự thiếu tôn trọng nhau trong quan hệ ứng xử vợ chồng.
Thậm chí, nỗi buồn khi “cáo phó không có trưởng nam”, thì “giàu sang, danh tiếng, phẩm hàm mà chi”, đang khiến nhiều gia đình đứng bên bờ vực xung đột. Hơn nữa, chính trình độ khoa học ngày một cao đã khiến việc xác định giới tính thai nhi đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ chênh lệch giới tính giữa bé trai và bé gái (theo con số thống kê mới nhất, hiện tỷ lệ này là 113 bé trai/100 bé gái).
Cái gốc của mọi hiện tượng xã hội ấy hình như lại bắt nguồn từ sự giáo dục ở mỗi gia đình, ở từng trường học, ở trong mỗi bài giảng mà chúng ta còn thiếu. Ai dạy cho các bé trai biết sống và nhường nhịn cho bạn gái mình từ nhỏ. Ai chỉ cho các bé gái biết sự nhẹ nhàng mang đầy nữ tính, sẽ đủ sức cảm hóa và thuyết phục người bạn trai ương bướng. Còn ai hướng cho các bé biết tìm đọc những cuốn sách như “Những tấm lòng cao cả”.
Rồi, ở tuổi trưởng thành, chính phim ảnh, sách truyện với tràn ngập những hành động bạo lực, đẫy rẫy những cuộc tình tay ba tay tư đã vô tình nhuộm đen tâm hồn lớp trẻ hôm nay. Cái được gọi là tây hóa đang khiến không ít người khoáng đạt hơn trong giao tiếp, nhưng hình như cũng đang làm mất dần đi cái e lệ của phụ nữ Á đông. Thậm chí ngay cả chuyện “nam nữ bình đẳng” cũng bị không ít người hiểu lệch, khiến bữa cơm gia đình vắng dần đi bàn tay chăm chút của người phụ nữ.
Đừng đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Đừng để mất đi những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp. Bởi, bình đẳng giới là phải biết giữ lại những gì hợp lý nhất.
Nguyễn Hòa Bình