Nhà báo chiến sĩ: 'Có!'
Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, hiếm tìm thấy bài xã luận nào lại chỉ duy nhất có một từ, ngoại trừ bài xã luận dưới nhan đề “Có!” được đăng trên Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên ngày 20/10/1950.
Bài xã luận này có đoạn viết: “…Hôm nay, chúng tôi ra mắt Quân đội và Nhân dân… Chúng tôi có nhiệm vụ góp phần vào việc đem đường lối, chủ trương của Bộ Tổng tư lệnh, Chính phủ, Đoàn thể thấm nhuần vào toàn thể quân đội và nhân dân để ai nấy ngùn ngụt lửa căm thù, kiên quyết vượt mọi gian khổ, chiến thắng giặc Pháp xâm lược và bọn Mỹ can thiệp. Nhiệm vụ nặng nề ấy chúng tôi kiên quyết làm trọn như đã hứa với Hồ Chủ tịch và Đại tướng Tổng Tư lệnh…Chúng tôi tin tưởng nhận nhiệm vụ. Chúng tôi tin tưởng làm tròn nhiệm vụ”!
“Có!” - đó là mệnh lệnh trái tim của nhà báo chiến sĩ. Cũng như tinh thần, ý chí của người lính trong kháng chiến: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi!”, những nhà báo chiến sĩ đã không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, tự nguyện xông pha mặt trận, bám sát bộ đội nơi chiến hào bom rơi đạn nổ để mong muốn có được những tin tức chiến sự nóng hổi nhất, những bức ảnh chiến trường thời sự nhất phục vụ công tác thông tin tuyên truyền. Tinh thần “Ở đâu có bộ đội, ở đó có nhà báo chiến sĩ” đã hình thành ngay từ những năm tháng tờ báo mới ra đời.
Điển hình nhất của tinh thần “có” là việc Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức 1 Tòa soạn tiền phương để trực tiếp xuất bản, phát hành 33 số báo ngay tại Mặt trận Điện Biên Phủ (từ cuối năm 1953 đến giữa tháng 5/1954). Nói như Nhà báo Hà Minh Huệ, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Tòa soạn Báo QĐND tiền phương xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ là một hiện tượng đặc biệt, hiếm có, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử xây dựng và phát triển của nền báo chí Việt Nam 90 năm qua. Các nhà báo tác nghiệp tại mặt trận nóng bỏng này xứng đáng được ghi nhận như là những nhà báo chiến trường nổi tiếng không chỉ của Việt Nam, mà của thế giới lúc bấy giờ”.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trò chuyện cùng bộ đội tham gia giúp dân khắc phục hậu quả đợt lũ lụt lịch sử tại TP Hạ Long, Quảng Ninh đầu tháng 8/2015. Ảnh: Phú Sơn |
Tinh thần “có” của nhà báo-chiến sĩ tiếp tục được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong những thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có mặt tại các trận địa trên tuyến lửa Khu 4, các chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Trị, Đường 9-Nam Lào, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Sài Gòn…Tiêu biểu cho tinh thần “có” của nhà báo chiến sĩ là Thượng úy, phóng viên, liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Đình Dư, với câu nói nổi tiếng trước lúc hy sinh ngày 21/1/1968 tại chiến hào Cửa Việt: “Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn; còn phóng viên chúng tôi chỉ có quyền đứng thẳng trên chiến hào dùng vũ khí là máy ảnh, bút máy để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù!”.
Có thể nói rằng, tinh thần “có” là một trong những phẩm chất tuyệt đẹp của nhà báo chiến sĩ cả trong thời chiến và thời bình. Tinh thần “có” biểu hiện ở các khía cạnh: Có niềm tin vào thắng lợi ngày mai và tương lai tươi sáng của dân tộc; có ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm mệnh lệnh và thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống, hoàn cảnh; có lập trường, bản lĩnh trung kiên trước mọi thử thách, hiểm nguy; có dũng khí vượt qua khó khăn, gian khổ; có tinh thần xông pha ra chiến trường, bám sát cuộc sống chiến đấu, huấn luyện, lao động, công tác của bộ đội ở mọi lúc, mọi nơi; có ý thức tổ chức kỷ luật trong công tác thông tin tuyên truyền, tất cả đều vì mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân nhân; có “tinh thần thép” để luôn “vững tay bút” góp phần bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội; có ý chí vươn lên, ham học hỏi để không ngừng tiến bộ, trưởng thành…
Tinh thần “có” đã góp phần làm nên “thương hiệu” của nhà báo chiến sĩ. Ai không có tinh thần “có”, người đó khó trở thành nhà báo chiến sĩ. Tinh thần “có” là phẩm chất khác biệt tạo nên phong cách nhà báo chiến sĩ và là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vun đắp, làm giàu truyền thống của Báo Quân đội nhân dân trong 65 năm qua.
Trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, hơn lúc nào hết, tinh thần “có” rất cần được “hâm nóng” trong bầu huyết quản của mỗi nhà báo chiến sĩ. Bởi vì, trong cuộc cạnh tranh thông tin quyết liệt trên “xa lộ toàn cầu”, tinh thần “có” của những người cầm bút mặc áo lính chính là “chiếc neo” lưu giữ truyền thống, “sợi dây” gắn kết niềm tin cho công chúng và là điểm tựa để Báo Quân đội nhân dân luôn giữ vững mạch nguồn quá khứ-hiện tại-tương lai.