TKV phòng chống sạt lở bãi thải
Trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua đã gây tổn thất hàng nghìn tỉ đồng cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Để đối phó trước diễn biến thất thường của thời tiết, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc hiện TKV đang tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai các phương án nhằm đảm sản xuất và an toàn cho các khu lân cận.
Bài học kinh nghiệm
Trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh vào tháng 8 vừa qua làm ngành than thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng. Trận mưa lũ lịch sử vừa qua cũng để lại nhiều nỗi lo về vấn đề chất thải, xử lý bãi thải than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV). Nhiều thập kỷ khai thác than nhưng đến nay, TKV vẫn chưa hoàn thành điều chỉnh quy hoạch ngành; một số vị trí đã có quy hoạch thì chưa triển khai thực hiện. Do đó, chưa thể kết nối đồng bộ giữa hạ tầng sản xuất than và hạ tầng đô thị Quảng Ninh.
Đáng chú ý hơn cả là vấn đề chất thải, xử lý thải của TKV đang là mối đe dọa thường trực đối với các khu dân cư xung quanh mỗi khi mưa bão. Việc đổ thải chưa tuân thủ thiết kế được duyệt, hệ thống thoát nước, kè chắn, hồ lắng cho các bãi thải thiếu đồng bộ đã dẫn đến hậu quả gây ngập úng khai trường và sạt lở xuống các khu dân cư xung quanh. Mưa lớn gây sạt lở nhiều hệ thống tầng, bờ moong mỏ, vỡ mương thoát nước, ở các công ty Hà Tu, Núi Béo, Đèo Nai…
Nặng nề nhất là khu vực dân cư tại chân bãi thải Đông Cao Sơn (chứa đất, đá, tạp chất thừa trong quá trình khai thác than)... trôi lấp đầy một số suối, khu dân cư số 4 phường Mông Dương. Hàng triệu m3 đất thải của TKV tích tụ suốt mấy chục năm qua nằm sừng sững trong lòng TP Cẩm Phả, nơi có hàng chục vạn dân sinh sống được bảo vệ bởi đập chắn thải 790.
Trong trận mưa vừa qua, mới thấy rõ khả năng chống chịu của đập chắn này còn rất hạn chế. Nước lũ đã tạo dòng chảy lớn, bùn thải mỏ Mông Dương bục vỡ, tràn qua đập chắn khiến nhà của 100 hộ dân phía dưới bị bùn, đất vùi lấp. Cũng cần phải thừa nhận, nguyên nhân gây ngập úng tại Quảng Ninh do việc quy hoạch cơ sở hạ tầng thoát nước trên địa bàn tỉnh còn chưa tốt. Điều này thể hiện qua quy hoạch đổ thải các bãi xỉ than cũng như vấn đề an toàn sau đổ thải ở các bãi đổ. Ngoài ra một số nguyên nhân đáng lưu ý khi tốc độ đô thị hóa cao và nhanh, việc mất cân bằng sinh thái tự nhiên cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng cần phải khắc phục.
Các bãi thải mỏ chưa được quy hoạch đồng bộ |
Gia cố các bãi thải
Để đối phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh và TKV đã phối hợp chặt chẽ triển khai các phương án, các biện pháp khắc phục sự cố, những nơi bị ngập lụt, sạt lở, đất đá tràn lấp, v.v… Ngày 6-10 mới đây, UBND TP Cẩm Phả tổ chức hội nghị họp bàn giải pháp triển khai nạo vét các tuyến suối từ khai trường ra đến ven biển trên địa bàn TP của các đơn vị ngành Than trên địa bàn. Theo đó, có khá nhiều phương án đã được đưa ra cần triển khai một cách quyết liệt. Sau trận mưa lũ kéo dài từ ngày 25-7 đến ngày 5-8-2015, đất đá từ các bãi thải của khai trường khai thác than đã trôi xuống khu vực dân cư làm hầu hết các tuyến suối trên địa bàn TP bị bồi lắng gây ách tắc dòng chảy.
Để đảm bảo việc tiêu thoát nước trên địa bàn, UBND thành phố đã ra các quyết định và chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện công tác nạo vét, khơi các tuyến suối trên địa bàn thành phố. Từ đó đã đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc nạo vét các tuyến suối trong khu vực xung yếu trên địa bàn các phường.
Sau khi nhận được sự chỉ đạo của UBND thành phố, đến nay các đơn vị đã nạo vét được các tuyến suối nằm trong khu vực trọng yếu như: Tuyến suối Cầu B2-12, tuyến suối Ông Ninh, tuyến suối Khe Sím (xã Dương Huy), tuyến suối Bạch Đằng 1, 2, tuyến suối Cây Si (phường Cẩm Thạch), tuyến suối Khe Cát, tuyến suối khu 1 ra Cầu Ba Toa (phường Cẩm Trung), tuyến suối tổ 5, 6, 7 thuộc khu 1 (phường Cẩm Thịnh), tuyến suối tổ 4, khu Thống Nhất (phường Cẩm Tây).
Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị ngành Than cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc nạo vét các tuyến suối mương trên địa bàn thành phố. Đối với các tuyến suối đã được phân công mà các đơn vị ngành Than đã khảo sát nhưng chưa tiến hành nạo vét, cần thực hiện nạo vét dứt điểm trong tháng 11-2015. Các phường xã cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp ngành Than, tạo điều kiện tốt nhất để các đơn vị hoàn thành công việc; chủ động tìm nơi để đổ thải sau khi nạo vét các tuyến suối, tăng cường tuyên truyền và tổ chức ký cam kết trong nhân dân nâng cao ý thức, VSMT các tuyến suối đã nạo vét xong.
Hiện Tập đoàn đang chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung gia cố, các bãi thải mỏ. Tại bãi thải Đông Cao Sơn (Cẩm Phả) hiện các đơn vị đổ thải Cọc Sáu và Cao Sơn đang tập trung gia cố hệ thống thoát nước tại các tầng ta-luy, bãi thải nhằm giảm thiểu việc trôi dạt đất đá xuống các công trường khai thác và khu vực dân cư. Theo ông Đinh Thái Bình, Trưởng phòng Khai thác - Kỹ thuật (Công ty than Cọc Sáu), để phòng chống mưa lớn có thể xảy ra trong thời gian tới, hiện công ty đang triển khai tăng cường đổ thải và làm các hệ thống thoát nước tại các tầng +60 đến +90. Đặc biệt là thi công các đê bảo vệ mặt bằng +48 tại Công ty 790 (Tổng Công ty Đông Bắc).
Đến thời điểm này, hệ thống đê đã cơ bản thi công xong đảm bảo khả năng phòng chống mưa, bão. Một trong các vị trí xung yếu khác đang được tập trung gia cố là kè chắn đá qua đập 790, nơi từng xảy ra sự cố tràn nước, đất đá chảy xuống khu vực dân cư thuộc phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) trong đợt mưa lịch sử mới đây. Bên cạnh đó, các đơn vị trong Tập đoàn đang khẩn trương kiểm tra, gia cố lại toàn bộ các công trình, thiết bị, vật tư máy móc để phòng chống mưa bão và khơi thông các hệ thống thoát nước trong hầm lò và ngoài mặt bằng; củng cố hệ thống bơm nước trong lò đảm bảo các thiết bị luôn hoạt động tốt. Đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý những nơi có nguy cơ sạt lỡ cao, giảm thiểu thấp nhất tổn thất đến các khu dân cư.
Minh Châu