Tăng giá dịch vụ y tế không làm tăng chi phí khám chữa bệnh
Theo Bộ Y tế, việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ không tác động đến các đối tượng là hộ nghèo, đối tượng bảo hiểm xã hội.
Ảnh minh hoạ. |
Gập ghềnh xã hội hóa y tế | |
Tăng cường hệ thống cảnh báo nhanh thực phẩm |
Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự thảo Thông tư liên bộ quy định thống nhất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, sẽ có khoảng 1.800 dịch vụ y tế tăng giá và giá dịch vụ y tế cũng sẽ bao gồm cả chi phí trực tiếp và tiền lương của y bác sỹ.
Sau khi thông tin trên được đăng tải, đã có nhiều ý kiến băn khoăn rằng việc tăng giá như vậy sẽ tác động như thế nào đến người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng là hộ nghèo.
Trả lời câu hỏi này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên khẳng định, về thực chất, việc tăng giá dịch vụ y tế không phải là để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá như trước sang hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế.
Việc ban hành Thông tư này vì thế sẽ tác động đến 4 nhóm đối tượng là người bệnh, cơ sở y tế, quy bảo hiểm y tế và nhà nước. Và trong đó, người bệnh sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa cấu vào giá thành. Giá dịch vụ y tếdự kiến sẽ gồm giá khám bệnh theo hạng bệnh viện; giá ngày giường bệnh theo hạng và theo chuyên khoa và giá các dịch vụ kỹ thuật.
Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn (người có thẻ được bảo hiểm xã hội thanh toán, làm tăng quyền lợi), đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh.
Đề cập cụ thể đến đố tượng có thẻ bảo hiểm y tế, ông Liên khẳng định việc áp dụng Thông tư mới sẽ giúp khoảng 23,7 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ bảo hiểm y tế có lợi. Vì theo quy định, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ bảo hiểm y tế, khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán 100%. (Từ 31/12/2014 trở về trước được thanh toán 95% trừ trẻ em < 6 tuổi được 100%, đồng chi trả 5%) được bảo hiểm y tế thanh toán phần tăng thêm.
Với đối tượng cận nghèo được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia bảo hiểm y tế, hiện nay 40% đã có thẻ bảo hiểm y tế. Khi đi khám chữa bệnh, đối tượng này được bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước 31/12/2014 chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%) nên mức độ tác động không nhiều.
Các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này.
Mặt khác, từ 1/1/2015, người tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
Việc áp dụng Thông tư sẽ giúp các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của dịch vụ y tế; thúc đẩy xã hội hóa y tế; bệnh viện sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư trong thời gian vừa qua.
Giá dịch vụ tính đủ chi phí, trong đó có tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ.
Đối với Quỹ bảo hiểm y tế vẫn có khả năng cân đối được đến hết năm 2017, từ năm 2018 sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng cho phù hợp (Luật quy định tối đa 6%, hiện nay đóng 4,5% lương).
Khi điều chỉnh giá đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (dự kiến trong năm 2016) sẽ thúc đẩy đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, do coi bảo hiểm y tế là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội nên nhà nước đã quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế.
Việc tính đủ sẽ đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật, sẽ khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế vì nếu không tính đủ, giá thấp, nhiều người sẽ không tham gia bảo hiểm y tế mà bỏ tiền túi ra chi trả, nhưng khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, người dân sẽ thấy được lợi ích, tính nhân văn của bảo hiểm y tế là hàng năm chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua bảo hiểm y tế, khi đau ốm sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán, giảm bớt rủi ro.
Nhà nước sẽ chuyển phần ngân sách đang cấp cho các bệnh viện hiện nay (dự kiến khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm) sang hỗ trợ các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do đó sẽ giúp thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân nhanh hơn.
Thanh Ngọc