Sách lậu “giết chết” nhà văn Việt?
Một cuốn tiểu thuyết viết 3-4 năm trời, đến khi in nhuận bút chỉ vài chục triệu. Có bán chạy nhà xuất bản cũng không dám in nhiều vì sợ sách lậu, lượng phát hành không lớn thì không dám trả cho tác giả nhiều tiền. Thế nên, nói không ngoa là sách lậu “giết chết” nhà văn, một cái chết dần mòn. Thế nhưng, điều đáng buồn là tình trạng này kéo dài đã vài năm nay mà vẫn không có biện pháp khắc phục. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với nhà văn, nhà thơ về câu chuyện buồn này.
Khó sống với văn chương
PV: Hiện nay có khoảng bao nhiêu nhà văn, nhà thơ Việt sống được, sống tốt với nghề thưa nhà thơ, nhà văn?
Nhà thơ Trần Quang Quý: Sống tốt, sống được với nghề viết văn giờ hiếm lắm, còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác. Nhà văn Việt Nam sống bằng nghề viết có nghĩa là anh sống bằng việc bán được sách hay không, hay sách của anh mà công ty hay nhà xuất bản nào đó họ kinh doanh, in thì có bán được không và nhuận bút họ trả như thế nào. Hiện nay tỷ lệ sách mà bán được ở cơ quan nào đó, công ty kinh doanh nào đó mà họ mua quyển sách đấy cũng biến thành sách thương mại. Họ in, họ phát hành, họ bán ra thị trường thì mới có tiền nhuận bút, nhưng lượng rất nhỏ, không đáng bao nhiêu.
Sống bằng nghề là rất vất vả. Một cuốn tiểu thuyết viết 3-4 năm trời, đến khi người ta in giỏi lắm trả nhuận bút khoảng vài chục triệu thì có phải công sức, trí tuệ đổ ra mấy năm trời để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết như vậy là quá bèo. Như vậy, rõ ràng không ai sống được. Mà rõ nhất ở đây là thơ. Hiện nay hầu hết nhà thơ không ai sống được bằng nghề. Nhưng đã là duyên nghiệp thì họ đành phải chịu thôi. Theo tôi, hầu hết nhà văn Việt Nam sống bằng nghề khác, phần lớn là làm báo, làm biên tập, làm truyền thông… Những nhà văn này làm việc hành chính kiếm sống với vai trò người làm báo hay công chức nhà nước, như vậy văn học không thể trở thành văn học chuyên nghiệp được.
Các nhà văn thế giới thì hầu hết là những người làm nghề một cách chân chính, họ sống bằng nghề, sách họ vẫn bán được. Có khi những cuốn best-seller in hàng triệu bản. Tôi thấy như Việt Nam bây giờ cuốn bán đến một vài nghìn là hiếm lắm, vô cùng hiếm. Thơ chủ yếu là in để tặng. Bây giờ in nhiều cũng chỉ đến 500 cuốn thôi. Sách văn xuôi cũng thế, tác giả tự in, còn cơ quan thẩm định cuốn đấy thì nó không thể bán được trên thị trường thì teara không lớn đâu.
Ví dụ như Nguyễn Nhật Ánh chuyên viết cho thiếu nhi, đây là nhà văn sống được bằng nghề, nhưng rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Hay những cuốn tạp văn của lứa 9x, văn phong phù hợp với tư duy, giá trị thưởng thức của lớp trẻ, dùng ngôn ngữ đời thường tếu táo, văn chương mạng, văn facebook… thì lại bán chạy. Còn những người viết văn thực sự nghiêm túc thì sách lại khó bán được. Thế nên vừa rồi rất nhiều tiểu thuyết ngôn tình từ Trung Quốc lại bán chạy “như tôm tươi”. Chứ hiện nay người ta có in lại sách kinh điển, hay là sách có giá trị thẩm mỹ, văn học đạt tới đích cái đẹp, chân-thiện-mỹ nói chung rất khó khăn ở đầu ra.
Sách First News bị in lậu |
Nhà văn Phạm Thanh Tâm: Cái này chắc phải hỏi Hội Nhà văn sẽ có kết luận chính xác nhất. Bản thân tôi vừa vẽ, viết văn, viết báo từ trước đến nay cũng không sống bằng các nghề này. Nhiều người nói rằng, thời nay, nhà văn khó khăn hơn thời bao cấp. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ một điều rằng, thời bao cấp, nhà văn sống và sáng tác phần nhiều phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, tranh cũng vậy. Hồi đó không có khái niệm bán tranh. Các nhà văn tôi quen biết trong kháng chiến và trong những năm bao cấp như Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Chính Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc cùng nhiều nhà văn quân đội khác… đều sống bằng lương nhà nước, các nhà văn quân đội thì sống bằng lương quân đội là chính, còn viết là nhiệm vụ chính trị, phục vụ kháng chiến, phục vụ công cuộc tái thiết đất nước chứ có mấy ai sống được bằng nghề viết văn đâu.
Nhà văn Thủy Anna: Nhà văn không mấy ai sống được với nghề viết nếu không có nghề nghiệp ổn định để nuôi dưỡng ước mơ cầm bút. Có thể khẳng định cho dù đó là nhà văn hay nhà thơ có tiếng thì thu nhập từ việc in sách của họ cũng không thể nuôi sống bản thân và gia đình. Gần đây, có một số tác giả trẻ, có lượng bạn đọc “ruột” lớn, thu nhập của họ rất đáng nể từ công việc viết văn. Mỗi tác phẩm của họ có thể thu về 2 -3 trăm triệu. Có người được trả hàng tỉ đồng nhuận bút. Nhưng con số ấy hiện đang đếm trên đầu ngón tay.
Nhà văn Phạm Thanh Tâm |
PV: Thực tế, càng ngày dường như càng hiếm những cuốn sách hay, sách bán chạy, sách làm nên hiện tượng văn học, vì sao như vậy?
Nhà thơ Trần Quang Quý: Văn học phụ thuộc lớn nhất là tài năng. Người có tầm, có đủ tài năng để biến những chất liệu về đời sống chuyển thành một tác phẩm nghệ thuật một cách sinh động, súc tích và mang nhiều giá trị nghệ thuật khác hay không? Thưa nữa là chính vì thị trường và đối tượng bạn đọc bây giờ hiện nay, nói cho đúng là văn hóa đọc xuống cấp một cách ghê gớm. Có nhiều khi người ta cứ biện luận không tính đến yếu tố thị trường, nhưng thực ra đây là nhân tố quyết định nhiều đến tác giả, viết ra không có người đọc, thì không thể kích thích năng lực mạnh mẽ nhất của người sáng tác. Rồi thêm nữa đến chuyện bản quyền, mặc dù ở mình luật bản quyền ra đời nhưng hiện nay khi sách có sao chép họ cũng không thu được. Ở các nước hiện nay luật bản quyền rất nghiêm túc, tất nhiên có kẽ hở khác, người ta có thể trốn, nhưng về cơ bản là tốt. Còn ở Việt Nam, quan liêu bao cấp quen rồi, bây giờ chuyển đổi xã hội mới, sản phẩm tiêu dùng thì anh phải trả tiền. Nếu như có một sự thụ hưởng giá trị vật chất nhất định, người ta nhìn thấy được sẽ dồn tâm sức vào, say mê làm, tập trung cho cuốn sách để nâng cao giá trị.
Chưa kể, giờ cứ có cuốn sách nào hay, “hot” thì sẽ bị in lậu ngay lập tức. Mà hiện có hai hình thức nhái, một là scan lại toàn bộ cuốn sách, hai là có người còn đánh máy lại, mà làm thế này nên có cuốn sách mất hơn cả chục trang, sai phông chữ là chuyện thường gặp.
Sách lậu ở đâu ra? Xuất bản lậu, in lậu các ấn phẩm đang gây nhức nhối trong lĩnh vực xuất bản và bản quyền xuất bản ở nước ta hiện nay. Trong khi các cơ quan chức năng chưa đưa ra được biện pháp ngăn chặn triệt để nhất, thì việc chấp nhận “sống chung với lũ” và tự cứu lấy mình là cách làm được nhiều nhà xuất bản (NXB) và độc giả lựa chọn. |
Thu giữ hơn 50 nghìn cuốn sách lậu Ngày 12/8, Cục An ninh Văn hóa - Thông tin truyền thông (A87, Bộ Công an) cho biết, vừa phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin Truyền thông) phát hiện, thu giữ hơn 50 nghìn cuốn sách lậu tại Công ty CP Đầu tư và Tư vấn giáo dục Văn Hiến. |
First News chính thức khởi kiện cơ sở in Huy Thi Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News cho biết đã chính thức khởi kiện một cơ sở in tại Hà Nội. Đây là một vụ kiện được theo đuổi lâu nhất. Trước đó, First News đã kiện thành công các Trung tâm Ngoại ngữ lớn tại TP HCM và Hà Nội. |
Nhà văn Phạm Thanh Tâm: Sách bây giờ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu giải trí. Không phải tác phẩm nào cũng có giá trị, nhiều cuốn sách giật gân, câu khách, hấp dẫn… đi vào thị hiếu bình dân. Những cuốn sách đó được mua nhiều thì đáng mừng cho nhà văn, đáng mừng cho nhà xuất bản nhưng còn về giá trị của nó thì không nên vội đánh giá đó là cuốn sách có giá trị cao.
Nhà văn Thủy Anna: Gu độc giả mỗi thời mỗi khác. Có thời điểm độc giả thích đọc tản văn hay những thứ nhẹ nhàng để giải trí cho đỡ mệt óc. Lúc ấy xu hướng tản văn lên ngôi, những triết lý tuổi trẻ đầy ắp trên những trang viết. Thậm chí trên facebook cũng nhan nhản những status mang màu sắc trải nghiệm, triết lý của giới trẻ về cuộc sống, tình yêu. Thời điểm ấy, độc giả mê mệt tản văn. Và với họ, tản văn là cuốn sách hay. Vì độc giả chuộng nó, nên tản văn bán chạy làm nên một số kỷ lục về sách trẻ. Nhưng rồi thời điểm đó cũng sẽ qua.
Cá nhân tôi cho rằng lúc nào cũng có sách bán chạy, nếu cuốn sách ấy đánh trúng tâm lý độc giả thời điểm ấy. Nhưng còn sách hay, sách làm nên hiện tượng văn học thì thật khó. Thực tế từ trước đến nay, sách văn học Việt cũng có được vài cuốn, nhưng đa số nó ra đời trong thời điểm mà nhà văn được bao cấp nhiều thứ, họ chỉ việc viết và cho ra đời những cuốn sách hay. Còn bây giờ, nhà văn vẫn phải kiếm sống, thậm chí nghề văn bây giờ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi kinh tế thị trường. Đời sống con người thế nào thì văn chương cũng vậy. Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng, hiện vẫn có rất nhiều cuốn sách hay được các bạn trẻ đón nhận.
Mắc nợ văn chương
PV: Văn học Việt hiện nay thiếu những tác phẩm lớn, liệu có phải là do các nhà xuất bản trả nhuận bút quá thấp không thưa ông?
Nhà thơ Trần Quang Quý: Nhuận bút hiện nay như ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn vẫn trả theo định mức Nghị định 61 trước đây. Đấy là những loại sách nhà nước đặt hàng, hay sách dự án, ở đây từ lâu không có sách kinh doanh, tự in ấn rồi bán và trả nhuận bút cho tác giả. Hằng năm có một vài cuốn sách làm theo các chủ đề, sự kiện lớn của đất nước như về Đảng, về Bác Hồ...
Trước đây có những cuốn sách “hot” như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, người làm cuốn sách hay người biên tập được thưởng khá nhiều. Thời đó đến nay khác xa rất nhiều.
Nhà văn Phạm Thanh Tâm: Nhà văn cũng như bao con người khác phải lo chật vật với gánh nặng cơm-áo-gạo-tiền, nói như một nhà thơ: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Trong khi một cuốn sách viết ra với bao nhiêu tâm huyết, tốn rất nhiều thời gian nhưng khi in chỉ độ vài ngàn bản, nhuận bút viết sách chả thấm tháp vào đâu so với công sức nhà văn bỏ ra. Do đó, đòi hỏi nhà văn phải có những tác phẩm hay, giá trị, mang tính thời đại… thì cũng khó.
Nhà văn Thủy Anna |
Nhà văn Thủy Anna: Không phải như vậy đâu. Người nào đã mắc nợ văn chương, khó mà buông bút được. Có thực tế thế này, nhà văn bây giờ trung bình nhuận bút là 10-12% giá bìa. Có 2 dòng văn: Truyền thống và Giải trí. Và nhà văn bán được sách, một phần do chữ duyên, một phần do bản thân tác giả có sẵn lượng fans yêu mến mình. Nhuận bút không phản ánh hoàn toàn tài năng của một tác giả. Vì văn chương khắc nghiệt, giá trị của văn chương nằm ở sự sáng tạo và cốt truyện hấp dẫn, và sự trải nghiệm của người viết đủ lớn để đưa vào trang viết hơi thở cuộc sống đầy bản sắc!
Cuộc chiến không cân sức
PV: Hiện nay tình trạng sách lậu tràn lan đã gây ra rất nhiều thiệt hại về doanh thu cho các nhà xuất bản. Vậy việc bị in lậu sách ảnh hưởng thế nào đến các tác giả thưa các nhà văn?
Nhà thơ Trần Quang Quý: Sách in lậu đánh luôn vào các cơ quan xuất bản, đây là nguyên nhân mà nhà xuất bản không dám mua bản quyền để in nữa bởi vì mình là cơ quan nhà nước không năng động như bên ngoài. Họ có hệ thống phát hành hoặc trao đổi ký gửi sách trên diện rộng, rồi cả hệ thống phát hành, từ in ấn, quảng bá, phân phối đến các đại lý nhỏ hơn, trực tiếp đến người mua, người thụ hưởng. Trong tình hình khó khăn về xuất bản như này cũng không thể bành trướng để có thể làm hoành tráng, do đó trong thời điểm hiện nay xuất bản cực kỳ gian nan, khó khăn.
Trước đây khi tôi còn làm báo, một công ty sách lớn có nhờ đi viết bài tìm hiểu “đánh” sách lậu, nhưng sau đó không hiểu sao có thỏa thuận nào đó mà dừng lại. Có gì đấy ràng buộc. Mà đúng là không hiểu vì sao sách lậu ở Nguyễn Xí không bao giờ dẹp được. Đây là điều mà các nhà xuất bản và công ty sách đang rất đau đầu, họ không dám in nhiều. Sách bán chạy thì họ phải làm thế nào bán trong một thời gian rất nhanh để khi bị ăn cắp là họ giải quyết số lượng sách cần bán, nên không ai dám mạo hiểm như trước. Chuyện kiến nghị cơ quan pháp luật vẫn làm bao năm nay nhưng không thể ngăn được. Ngay cả sách in ở nước ngoài, không được lưu hành trên thị trường nhưng vẫn có bán ở Nguyễn Xí.
Cuộc chiến với sách lậu có thể nói là gian nan, không có hồi kết. Mà phải có chiến lược tổng hợp phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan pháp luật, đưa ra xử nghiêm minh thì mới thực hiện được, hoặc tìm ra manh mối chốt chặn. Mà theo tôi thì không khó như mọi người nghĩ đâu, truy ra từ ông bán sách lấy nguồn ở đâu. Nhưng không hiểu sao không làm đến cùng mới là vấn đề không lý giải được.
Nhà văn Phạm Thanh Tâm: Đời sống văn học đương đại rất phong phú, đa dạng, trăm hoa đua nở. Sách lậu là hiện tượng có thật và đang hành hoành ngành xuất bản. Nhiều chỗ sách lậu còn bày bán tràn lan ra vỉa hè, rất vô tư. Nhưng cũng nhìn nhận một thực tế rằng, những cuốn sách lậu thường là sách bán được, ăn khách hay những cuốn best seller. Và như tôi đã nói ở trên không phải cuốn best seller nào cũng có giá trị lớn.
Dĩ nhiên khi sách lậu in tràn lan, giá thấp sẽ cạnh tranh không hề kém cạnh với sách thật. Do đó, đây là mối nguy cho chính các nhà xuất bản chân chính và nhà văn bị thiệt thòi không nhỏ. Lâu nay cơ quan quản lý nhà nước cũng có nhiều giải pháp và chế tài để ngăn chặn tình trạng sách lậu nhưng có vẻ chưa ăn thua. Các nhà xuất bản chân chính đều biết và mỗi nhà xuất bản đều có cách để bảo vệ bản quyền tác phẩm của mình nhưng cũng như muối bỏ bể. Có những nhà xuất bản in tem chống sách giả, có nhà xuất bản thì in dòng chữ: “Bản quyền cuốn sách này thuộc về nhà xuất bản… cấm in sao với mọi hình thức”, hoặc “In sách lậu là giết chết sách thật”… nhưng liệu có mấy ai quan tâm. Đó chỉ là lời kêu gọi để đánh động vào lương tri của người làm sách giả. Tôi nghĩ quan trọng là luật pháp phải nghiêm, chế tài phải mạnh thì tình trạng sách lậu mới có thể giảm chứ không chỉ kêu gọi suông.
Nhà văn Thủy Anna: Sách lậu không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của nhà văn mà còn khiến đơn vị sản xuất ảnh hưởng lớn. Vì họ đầu tư nửa tỉ đồng cho in ấn, nhuận bút và nhiều chi phí khác. Trong khi đơn vị in sách lậu ngang nhiên ăn cắp bản quyền, không phải chi nhuận bút, giấy phép, gia công ẩu, bán giảm 70% giá bìa. Thu lợi bất chính nhẹ nhàng, không phải mất gì cả. Sách thường chỉ in lậu của tác giả có sách bán chạy thôi. Vấn đề ở chỗ đó.
PV: Nhiều người cho rằng, cứ để tình trạng như vậy thì sách lậu sẽ “giết chết” nhà văn Việt, ông nghĩ thế nào về điều này?
Nhà thơ Trần Quang Quý: Đúng là như vậy, sách lậu đang “giết chết” nhà văn, một cái chết dần mòn. Lượng phát hành không lớn thì không dám trả cao cho tác giả, lượng sách bán ra nhân với giá bán thành nguồn lớn, tác giả nhận bao nhiêu phần trăm.
Còn tư duy của độc giả, đây thuộc về văn hóa tiêu dùng. Nếu mọi người biết từ chối, ví dụ cuốn sách giá niêm yết đúng 100%, nhưng có nơi chỉ bán có 50%. Tư duy mua sách là cứ phải có giảm giá thì đương nhiên chuyện chọn mua sách lậu là điều không khó giải thích.
Nhà văn Phạm Thanh Tâm: Tôi nghĩ không đến mức quá bi quan như vậy. Có một điều là các nhà văn ta lâu nay cũng không có thói quen nhờ cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ tác phẩm của mình. Nhà xuất bản thì cứ in. Những kẻ in sách lậu vẫn cứ in lậu và bán đầy trên thị trường. Nhiều nhà văn thấy vui vì sách mình được bày bán nhiều, người đọc nhiều. Trừ những nhà văn tạo nên hiện tượng văn học và sống lâu trong lòng độc giả như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… thì không nhiều. Chưa kể, hiện nay, nhiều nhà xuất bản thấy những cuốn nào có thể câu khách, tên tác giả có thể bán được sách thì họ cho vào phương án A. Còn những cuốn nào in nhưng khó bán chạy thì họ đưa vào kế hoạch B và nhà văn phải trả thêm tiền để nhà xuất bản in. Rồi những nhà văn viết giỏi, viết hay in ra cũng bị in lậu… Rồi cơ quan nhà xuất bản này, nhà xuất bản kia kêu gọi cấm in lậu nhưng có ai in lậu bị bắt, bị phạt nặng đâu. Ở đây, không phải nhà xuất bản cấm mà luật pháp phải cấm, tịch thu sách lậu, phạt nặng, xử thật nghiêm thì mới có cơ may giảm bớt tình trạng này. Còn trên thực tế nhà văn vẫn viết, vì chẳng mấy ai sống bằng nhuận bút in sách nên sách lậu sẽ khó “giết chết” nhà văn Việt như phỏng đoán.
Nhà văn Thủy Anna: Sách lậu chỉ gây tổn hại kinh tế cho đơn vị xuất bản và những tác giả có sách bán chạy thôi. Đơn vị xuất bản có bản quyền cuốn sách bán chạy đó. Chứ không gây hại đại trà.
Nhóm phóng viên (thực hiện)