THẾ GIỚI 24H: IS tháo chạy khỏi Syria
Hơn 3.000 chiến binh từ các nhóm IS, Al-Nusra Dzhebhat và Jaish al-Yarmuk đã chạy trốn từ Syria đến Jordan, vì lo sợ chiến dịch tấn công quy mô lớn của quân đội Syria và các cuộc không kích của máy bay Nga.
Theo hãng tin Nga RIA Novosti, hôm 4/10, quân đội Syria đã ném bom vào các cơ sở của IS và Dzhebhat al-Nusra ở ngoại ô Damas, ở các tỉnh Deir ez-Zor và Homs, kể cả trong khu vực thành phố Palmyra.
Nga cho biết trong ngày 5/10 đã tiến hành 25 phi vụ không kích, trong đó các cơ sở của tổ chức IS bị ném bom 9 lần.
Hôm qua, máy bay trực thăng không quân Syria thả truyền đơn trên các khu định cư Rastan Talbisi đề xuất cho quân khủng bố hạ vũ khí và kêu gọi thường dân rời các làng mà trong tương lai gần sẽ bắt đầu chiến dịch quân sự quy mô lớn của quân đội Syria. Văn bản tuyên truyền đã được thả xuống phía nam tỉnh Hama, trên các làng Rastan và Talbisi.
RIA Novosti dẫn nguồn tin từ quân đội Syria cho biết trước các cuộc tấn công trên của Damas và Nga, từ 5 ngày qua, hàng nghìn chiến binh từ các nhóm IS, Al-Nusra Dzhebhat và Jaish al-Yarmuk đã chạy trốn từ Syria đến Jordan.
Trả lời một đài truyền hình Iran, lãnh đạo Syria Bachar al-Assad kêu gọi các nước phương Tây tham gia vào liên minh do Nga thành lập mà ông cho là nghiêm túc và hiệu quả hơn liên minh của Mỹ. Ông al Assad cảnh báo là nếu chiến dịch oanh kích của Nga tấn công tổ chức thánh chiến cực đoan tại Syria gặp thất bại thì toàn khu vực sẽ bị tàn phá chứ không riêng gì một hay hai nước.
Tổng thống Syria đưa một loạt bảo đảm, nào là liên minh gồm Nga, Iran, Iraq và Syria sẽ đem lại kết quả thật sự, nào là cơ may thành công rất lớn. Ông còn thẩm định là nếu các nước phương Tây tham gia liên minh chống khủng bố với thực tâm và nghiêm túc hoặc ít ra ngưng ủng hộ khủng bố thì kết quả còn nhanh hơn nữa.
Đối với lãnh đạo Syria, các cuộc oanh kích của liên minh do Mỹ thành lập không hiệu quả gì cả, từ một năm nay, lãnh thổ mà các nhóm khủng bố kiểm soát càng ngày càng rộng thêm.
Cuối cùng, Tổng thống Syria tuyên bố sắn sàng từ chức nếu giải quyết được khủng hoảng.
Thành viên NATO mâu thuẫn
Các thành viên NATO đang chia rẽ về việc có nên tăng quân tại khu vực Đông Âu hay không.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Arte của Pháp và Đức, ngày 4/10, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố NATO không nên gia tăng hoạt động tại biên giới phía Đông.
Trong khi đó Tổng thống Ba Lan mới đây tuyên bố muốn NATO tăng cường triển khai lực lượng quân sự tại khu vực Đông Âu, trước những lo ngại các nguy cơ an ninh tiềm ẩn liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraina.
Ba Lan và các quốc gia Baltic đã liên tục yêu cầu NATO chú trọng đến việc thiết lập căn cứ quân sự và triển khai quân thường trực tại các vùng lãnh thổ dọc sườn phía Đông của liên minh quân sự này.
Cho đến nay Nga luôn khẳng định việc NATO mở rộng biên giới về phía Đông sát với nước này là vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận giữa hai bên năm 1997, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ mọi động thái đe dọa an ninh quốc gia.
Liên quan đến đề nghị của Ba Lan về việc tăng cường sự hiện diện của NATO tại Đông Âu, ông Hollande nhấn mạnh liên minh đang tiến hành các cuộc tập trận ở Đông Âu nhằm hỗ trợ các nước thành viên. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp phản đối việc tăng cường sự hiện diện của NATO tại đây bởi theo ông, hiện không có chỗ cho tư duy chiến tranh. Pháp tham gia các cuộc tập trận ở Ba Lan và các nước Baltic nhưng đây không phải hoạt động gây hấn. Theo ông, cần phải tránh leo thang căng thẳng mà chỉ sử dụng các cơ chế và quy tắc thông thường của NATO. Ông Hollande nêu rõ Pháp đang làm tất cả để NATO có thể thực hiện vai trò của mình mà không làm leo thang căng thẳng.
Vai trò của Trung Quốc tại Syria
Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm qua trả lời kênh truyền hình Iran Khabar TV rằng Trung Quốc không tham gia vào các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria, nhưng ủng hộ hoạt động của Nga trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố.
Đây là đánh giá đầu tiên của ban lãnh đạo Syria về vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, kể từ sau ngày 30/9 Không quân Nga bắt đầu chiến dịch quân sự chống IS ở Syria.
Ông Assad tán thành sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Một trong những sáng kiến được công bố trong cuộc phỏng vấn cách đây chưa lâu của kênh truyền hình Mỹ CBS. Đó là việc Nga, Syria, Iraq và Iran lập ra ở Baghdad một cơ cấu phối hợp đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông.
Sau đó, Matxcơva đã giới thiệu với các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ bản dự thảo nghị quyết để phối hợp hành động của tất cả các lực lượng chống IS. Tài liệu đang được thảo luận, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định rằng Trung Quốc sẽ hiệp lực cùng với Nga thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria.
Sự phối hợp lập trường của Matxcơva và Bắc Kinh sẽ tạo ra một thực tế địa chính trị mới mẻ mà phương Tây không thể không tính đến.
Chuyên gia phân tích chính trị Vladimir Evseev nhận xét: "Khi Nga và Trung Quốc hiệp lực cùng nhau, tất nhiên, rất khó chống lại vì đây chính là hai cầu thủ mà phương Tây cần phải nể trọng. Bằng sự tham gia của mình vào các chiến dịch quân sự chống IS, Nga đã tạo ra một hiện thực mới, mà các quốc gia khác đang cố gắng chấp nhận và thích nghi, kể cả các nước phương Tây. Nhưng Nga đã nhận được hỗ trợ từ phía Trung Quốc, đó là sự phối hợp rất đẹp mặc dù dễ hiểu là ở đây Nga đóng vai trò hàng đầu. Sự hiệp đồng chặt chẽ trong lập trường của Nga và Trung Quốc-cũng là một thực tế mới".
Hình ảnh ấn tượng
Xe ôtô chồng chất lên nhau sau trận lũ lụt ở Mandelieu la Napoule, miền nam nước Pháp, ngày 4/10/2015 |
G.K