Nhận xét về bài của BS Nguyễn Anh Huy gửi An Chi (Tiếp theo và hết)
Những biện pháp trừng phạt này đã bị các sử gia lên án là dã man, tàn bạo. Về khách quan thì đúng như thế nhưng thực tế lại không hề đơn giản như người ta có thể chê bai một cách dễ dàng. Đinh Tiên Hoàng muốn xây dựng xã hội Đại Việt theo tinh thần Phật giáo. Vì thế nên ta phải thấy vạc dầu, chuồng cọp ở đây chính là hình ảnh cu thể và sinh động của địa ngục đó thôi. Phật giáo chẳng đã lấy hình ảnh của địa ngục để khuyến thiện, giới ác đó sao?
Nhận xét về bài của BS Nguyễn Anh Huy gửi An Chi
Ngày 1-9-2015, BS Nguyễn Anh Huy đã tự ý đưa vào Facebook (FB) của chúng tôi đường dẫn tới bài viết của ông ta nhan đề “Vẫn cứ là ‘nước Việt vĩ đại’ đó thôi!”, với câu mào đầu “Để hiểu thêm về trình độ, kiến thức và đạo đức khoa học của An Chi” và còn nói rõ thêm: “Bài này tôi đã gởi cho An Chi, nhưng An Chi không dám đăng”. |
Câu hỏi 6: Do vậy, muốn khẳng định quốc hiệu “Đại Cồ Việt” năm 968 có phải là nước Việt sùng đạo Phật không (?), thì tất nhiên phải xét từ năm 968 trở về trước xem tôn giáo nước ta thời đó có sùng đạo Phật không đã (?!), thì khi đó Đinh Tiên Hoàng mới dựa trên sự sùng đạo đó để đặt quốc hiệu! Vậy, kính đề nghị ông An Chi trưng bày những sự kiện lịch sử trước năm 968 cho thấy Đinh Tiên Hoàng sùng đạo Phật?
Trả lời: Đây, xin mời ông đọc những gì mà TS Sử học Alexey Polyakov đã viết:
“Thế kỷ X các hào trưởng, sứ quân Giao Châu nắm chính quyền ở các địa phương, đều có các đội thân binh khá đông đảo. Bản thân họ tham vọng giành chính quyền trung ương ở Giao Châu. Thời gian đó họ đã có bộ máy cai trị rất đơn giản, phù hợp với trình độ quan hệ kinh tế xã hội Giao Châu lúc đó. Các sứ quân và vua của những triều đại tồn tại ngắn ngủi, trong thực tế đều không cần bộ máy quan liêu Nho giáo phức tạp. Trong giai đoạn tình trạng phân tán phong kiến các Tăng lữ Phật giáo trở thành lực lượng có mối quan tâm đến việc thống nhất đất nước.
“Thời các triều đình Đinh, Lê công việc quốc gia phần lớn do các sư sãi Phật giáo điều hành. Các Tăng sĩ đã làm quan của triều đình. Các kinh sách của Phật giáo đã được viết bằng chữ Hán. Điều đó đã cho phép các Tăng sĩ Đại Việt tham gia quan hệ ngoại giao với nhà Tống và tiếp xúc với quan lại Nho giáo rất dễ dàng. Trung tâm văn hóa và dạy học là các chùa chiền Phật giáo; con cái quan lại và con em trong hoàng tộc được học tập, dạy dỗ ở đó. Quá trình hoàn thiện bộ máy nhà nước thể hiện được qua việc tăng số lượng cán bộ, các cơ quan cũng như sau đó là sự mở rộng bộ phận quan lại dân sự được đào tạo trong các chùa, tạo điều kiện cho giới sư sãi có được ảnh hưởng nhất định trong triều đình.” (“Vai trò của Phật giáo và những nhà sư xuất sắc trong đời sống chính trị của xã hội Đại Việt thời đầu kỷ nguyên độc lập”, Đạo Phật ngày nay, 7-5-2011).
Còn dưới đây là kết luận của Alexey Polyakov trong bài trên:
“Trong tình hình phân tán phong kiến đầu kỷ nguyên độc lập giới Tăng Ni Phật giáo đã là một trong những lực lượng giữ vai trò lớn trong việc thống nhất và bảo vệ đất nước. Lê Đại Hành đã thắng quân Tống và Chiêm Thành với sự giúp đỡ của giới Tăng lữ và đặc biệt là các nhà sư Khuông Việt và Vạn Hạnh.”
Câu hỏi 7. Bởi còn có một chứng cứ rất quan trọng, là chỉ 1 viên gạch được tìm thấy trong di tích Hoa Lư thôi - đã được Viện Khảo cổ học Việt Nam và Hội thảo Khoa học “Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh” giám định có niên đại cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI - nhưng đã mặc nhiên loại bỏ giả thuyết của ông An Chi đưa ra; vì thuyết của ông suy nghĩ ra không thể giải thích được ý nghĩa quốc hiệu trên viên gạch có ghi “Đại Việt quốc [大越国] quân thành chuyên”! Ông An Chi giải thích như thế nào về quốc hiệu “Đại Việt quốc” trên viên gạch này không hề có chữ “Cồ (Phật)” như ông từng 2 lần khẳng định?
Trả lời: BS Huy chê An Chi “chủ yếu chỉ phân tích chữ nghĩa từ “Cù/Cồ”, chứ không hề biết rằng khảo cổ học ngày nay đã khám phá nhiều di vật có liên quan đến quốc hiệu thời Đinh” nhưng có vẻ như kiến thức khảo cổ học và lịch sử của chính ông ta lại … hơi ít. Chúng tôi muốn bàn rõ thêm, trước nhất là về ý kiến của TS Đỗ Văn Ninh do Vân Khánh ghi lại:
“Tiếp đến là phát hiện (tại Hoàng thành Thăng Long - AC) loại gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch xây quân thành nước Đại Việt). Đây là loại gạch lần đầu tiên nhìn thấy tại kinh thành Hoa Lư thời Đinh-Lê ở Ninh Bình (………….) khiến TS Ninh trăn trở là liệu có phải kí hiệu những viên gạch là quốc hiệu nước ta thời Đinh-Lê? Sử chép rằng, quốc hiệu nước ta thời Đinh-Lê là Đại Cồ Việt. Quốc hiệu này được ghi lại sớm nhất chỉ từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư nửa cuối thể kỷ XV (sic). Các nhà nghiên cứu chữ nôm cho rằng, chữ “Cồ” nghĩa là to lớn, như vậy quốc hiệu này mang hai chữ “lớn”. Quốc hiệu chính ra chỉ là Đại Việt, khi gọi nôm mới là Cồ Việt. Rồi khi chép vào văn tự người ta đã nhầm mà chép cả chữ “Đại” và chữ “Cồ” vào chung một tên. Từ viên gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, có thể nhận định: Việt Nam không có quốc hiệu “Đại Cồ Việt” mà chỉ có quốc hiệu “Đại Việt quốc”. Những viên gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” là di vật có giá trị thuyết phục lớn để chỉnh lý những khiếm khuyết trong sử sách.” (“Hoàng thành Thăng Long: Bí mật đằng sau lớp đất”, Giađình.net.vn, 4-2-2010).
Thực ra thì TS Đỗ Văn Ninh đã cả quyết một cách quá vội vàng. Muốn “chỉnh lý những khiếm khuyết trong sử sách”, trước nhất TS Ninh phải chứng minh được niên đai chính xác của những viên gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” ở cả hai nơi Hoa Lư và Thăng Long là giữa hai năm 968 và 1054, tức là khoảng thời gian mà sử chép rằng nước ta mang tên “Đại Cồ Việt”. Thêm nữa, ông cũng rất sai khi khẳng định rằng “quốc hiệu chính ra chỉ là Đại Việt, khi gọi nôm mới là Cồ Việt”. Thực ra, nước ta “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, đã “Đại Việt” thì cứ là “Đại Việt” chứ còn “Cô Việt” làm gì cho nó “nôm na mách qué”. Huống chi, “Cồ Việt” là theo cú pháp Tàu chứ “nôm” thì phải là “Việt Cồ” mới đúng (Xin xem phần trả lời cho câu hỏi 3). TS Ninh lại còn nói oan cho các sử quan của ta là “khi chép vào văn tự người ta đã nhầm mà chép cả chữ “Đại” và chữ “Cồ” vào chung một tên”. Họ dốt đến thế ư? Đại Việt sử ký toàn thư (cuối thế kỷ XVII, chứ không phải XV), “Nội các quan bản”, khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697) làm sao có thể để cho xảy ra một sự dốt nát liên quan đến quốc hiệu là một khái niệm thiêng liêng, như TS Đỗ Văn Ninh đã nói oan?
Dè dặt hơn, là một đoạn ghi chép của Lê Hoàng:
“Việc nghiên cứu về niên đại của loại gạch này đang có nhiều giả thuyết, phần lớn học giả cho rằng gạch “Đại Việt Quốc” chính là mang quốc hiệu thời Lý. Tuy nhiên, theo các tài liệu nghiên cứu mới đây thì Đại Việt quốc là tên một quốc gia độc lập do Lưu Cung thành lập vào thời Ngũ Đại Thập Quốc (907-979). Quốc hiệu Đại Việt của triều Lý phải mãi tới thời Lý Thánh Tông (1054) mới có. Kết quả khai quật tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) cũng phát hiện được rất nhiều loại gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch Đại Việt xây thành).” (“Phát hiện gạch cổ nghìn năm tại thành nhà Hồ”, , 25-4-2013).
Còn Nguyễn Phúc Giác Hải thì nhận định::
“Hoa Lư mặc dầu không còn là đế đô nhưng vẫn là quân thành quan trọng. Bởi thế Lý Thái Tổ giao Hoa Lư cho con trai là Khai Quốc Vương (tức hoàng tử Bồ) trông giữ. Ngày 31-3-1028, Lý Thái Tổ mất. Thái tử Phật Mã nối ngôi. Ngày mười lăm tháng ba, Khai Quốc Vương làm phản. Mùa hạ tháng tư, Phật Mã, tức Lý Thái Tông, mang quân đi đánh phủ Trường Yên. Khai Quốc Vương hàng (Đại Việt Sử ký toàn thư, tập I, in lần thứ hai, NXB Khoa học Xã hội, HN 1972, trang 203-204). Đoạn sử liệu trên cho thấy thành Hoa Lư, tức phủ Trường Yên, vẫn là quân thành quan trọng. Những ai được trông giữ nơi ấy, dựa vào địa thế hiểm yếu dễ có tư tưởng làm phản để tấn công vào Thăng Long nơi không có địa thế hiểm trở. Chắc hẳn vì những lý do đó, sau khi lên ngôi , Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu là Đại Việt và cho gắn những viên gạch mang quốc hiệu này ở Hoàng thành Thăng Long cũng như ở Hoa Lư để khẳng định tính thống nhất của quốc gia Đại Việt”( “Hoàng thành Thăng Long và 950 năm Quốc hiệu Đại Việt”, ViệtBáo.vn, 12-11-2004).
Thế là sau khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010) thì Hoa Lư đã trở thành Cố đô. Nhưng về sau các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ, v.v… Vì vậy nên Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ di tích lịch sử của nhiều triều đại. Do đó mà viên gạch có mấy chữ “Đại Việt quốc” [大越国] của BS Huy là một hiện vật mà niên đại và chủ nhân cần phải được xác định một cách khoa học và chính xác chứ đâu có thể nói khơi khơi là nó thuộc về đời nhà Đinh.
KẾT LUẬN: Cuối cùng, xin dẫn lời của BS Nguyễn Anh Huy đánh giá An Chi để bạn đọc thưởng lãm (kẻo BS Huy cứ thấy bứt rứt vì “gởi cho An Chi nhưng An Chi không dám đăng”). Đây, ông ta đã viết:
“Học giả An Chi đã tuyển tập các bài phê bình văn hóa - lịch sử - ngôn ngữ học của mình để xuất bản thành một quyển sách với tựa đề Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nhà xuất bản Trẻ, 2004. Tôi đọc nhiều bài của học giả An Chi, thấy tác giả trích dẫn nhiều sách, nhưng không hề biết các điều đang trích ấy cũng rất sai!”.
Nghĩa là An Chi sai “tùm lum”. Xin trân trọng cảm ơn BS Nguyễn Anh Huy về lời nhận xét tổng quát trên đây. Và cũng xin thông báo với ông và bạn đọc là, với BS Nguyễn Anh Huy thì, từ đây, An Chi xin tuyên bố phoọc-phe vì “cãi” nhau với ông rất mệt.