Phận gái 12 bến nước: Trong nhờ - đục chịu?
Câu nói cửa miệng của ông bà từ xưa mỗi khi có cô gái chuẩn bị về nhà chồng. Những tưởng đó là câu chuyện của quá khứ nhưng không phải vậy.
Tôi gặp em khi em tròn 16 tuổi tròn trăng, gương mặt ngây thơ, nét cười bẽn lẽn, gặp người lạ còn không dám nói nhiều. Thế mà một năm sau về quê tôi nghe tin em lấy chồng. Bất ngờ quá, tôi hỏi mẹ, con bé nhỏ xíu thế làm sao biết làm vợ, làm mẹ. Mẹ tôi nói ừ nó nhỏ quá nhưng mà rồi làm được hết con à, trăm hay không bằng tay quen, thời của mẹ có mấy ai lấy chồng qua tuổi 20 đâu. Đâu như con đến gần tuổi băm mới chịu cưới chồng làm cho cả nhà hồi hộp.
Nhưng ở quê thì khác, qua 25 chưa ai rước thì hàng xóm ngó ra ngó vào. Qua 30 chưa ai hỏi cưới thì coi như hàng băm, hàng ế dài dài, hàng tồn kho kèm khuyến mãi không ai mua. Thế nên, chuyện một cô gái ở quê cưới chồng ở độ tuổi 18-20 cũng không có gì là lạ. Em cũng như thế, cũng chưa có mối tình nào mà ba mẹ đặt đâu em ngồi đó. Ba mẹ em quen ba mẹ chú rể, thế là hai bên đồng ý cho chúng nó cưới nhau để thắt chặt tình thâm giao.
Ừ thì, tôi vốn dĩ ham chơi nên chuyện chồng con cứ thủng thẳng, ba mẹ họ hàng suốt ruột còn tôi cứ vô tư. Năm 29 tuổi lên xe hoa mà tôi vẫn ngỡ mình còn trẻ lắm, thỉnh thoảng tự nghĩ nếu cưới chồng lúc 19, 20 e tôi chưa đủ kinh nghiệm để giữ hạnh phúc.
Đó là cách suy nghĩ của tôi, một đứa sống lâu chốn thị thành, thấy bạn bè cặp kê qua 30 vẫn phơi phới mùa xuân, có đứa còn tìm suất học bổng đi du học, có đứa cày khí thế để dành tiền đi du lịch bốn bể năm châu, có đứa tự cày tự tậu một căn nhà cho riêng mình. Tụi nó cũng có người yêu nhưng nói đến chuyện chồng còn thì cứ cười trừ.
Phận gái 12 bến nước: trong nhờ - đục chịu? |
Tôi cũng không hình dung, ngày cưới em như thế nào, cô dâu khuôn mặt còn búng ra sữa, non nớt quá, tôi dự báo cho sự bất ổn trong cuộc hôn nhân của em. Thế là, sự dự báo của tôi lại là sự thật. Một năm sau, mẹ bảo em xinh được đứa con gái. Mấy tháng sau mẹ bảo tôi em bị chồng đánh sưng cả mặt. Em chẳng phản kháng, chỉ khóc. Rồi hàng xóm xì xào, chồng em ngoại tình trong thời gian em ở cử, lâu lâu nhậu say về lại lôi em ra đánh như một thú tiêu khiển. Bức quá, em không chịu nổi lại về nhà cha mẹ. Ngày cha mẹ em gả em cho người ta em xinh tươi, non mơn mởn chỉ sau một năm em gầy guộc, xanh xao, khuôn mặt trắng tươi có nhiều chỗ bầm tím. Nụ cười đã tắt trên môi.
Mẹ tôi bảo, đúng là phận gái 12 bến nước trong nhờ đục chịu. Tôi không cãi vì nguyên lý đó mẹ được nghe từ thuở ban sơ cũng như ngoại nói với mẹ khi mẹ đi lấy chồng. Trong nhờ đục chịu nhé con như lời một bài hát vọng cổ nghe buồn da diết.
Cách đây không lâu, nghe mẹ nói em lại bị chồng đánh nữa. Lần này đánh nặng hơn, bầm dập cả người và ba mẹ em phải xuống nhà chồng đòi con về. Em buồn quá, đi theo ba mẹ vào miền Nam mưu sinh để đứa con thơ lại cho nhà chồng. Rồi chồng em tiếp tục những cuộc tình trăng gió làm có bao nhiêu tiền thì nuôi bồ hết. Con cái để mặc cho mẹ chăm sao thì chăm.
Một ngày em nhận cuộc điện thoại của chồng: “Mày về chăm con. Con bị bệnh nặng sắp chết rồi”. Thế là em ba chân bốn cẳng lên bến xe đi thẳng về quê gặp con, chăm con và tha thứ cho chồng, tiếp tục sống với người chồng vũ phu. Hàng xóm lại thương xót em, tội con nhỏ hiền khô mà bị chồng đánh hoài. Em không nói, chỉ câm lặng và khóc.
Phận gái 12 bến nước, trong nhờ - đục chịu như một sự mặc định cho số phận của biết bao phụ nữ. Và còn biết bao người đàn bà phải cam chịu như thế cho đến cuối cuộc hôn nhân.
Nguyệt Anh