Sự kiện chính trị kinh tế nổi bật tuần qua
Tuần qua, từ 1621/4, có một số sự kiện nổi bật thu hút sự chú ý của bạn đọc cả nước là việc Thủ tướng tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong Nhật Bản, Hội nghị Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam Venezuela kết thúc tốt đẹp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 4 tại Tokyo
Tại Hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với hợp tác Mekong – Nhật Bản cũng như vai trò của cơ chế này đối với sự thịnh vượng, ổn định và phát triển bền vững của khu vực Mekong nói riêng và Đông Á nói chung.
Mục tiêu của Hội nghị nhằm đẩy mạnh sự hợp tác giữa các nước Tiểu vùng Mekong trong giai đoạn sắp tới, ưu tiên cho các hoạt động cụ thể hỗ trợ các nước ứng phó với lũ lụt, thiên tai, xâm nhập mặn, bảm đảm an ninh lương thực và quan trọng hơn cả là tìm ra giải pháp lâu dài cho việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Thủ tướng cũng đưa ra một sáng kiến được Hội nghị đặc biệt hoan nghênh và ủng hộ đó là sáng kiến phát triển hệ thống vận tải đa phương thức nhằm tăng cường kết nối giữa các Hành lang kinh tế trong khu vực Tiểu vùng Mekong.
Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với gần 1.600 dự án và số vốn đầu tư đăng ký hơn 26 tỷ USD. Hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm có uy tín, có sức cạnh tranh và hàm lượng kỹ thuật cao. Trong dịp này, Thủ tướng đã có những cuộc gặp mặt với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và bày tỏ quan điểm mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ và logistic, năng lượng, khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển xanh và bảo vệ môi trường… Đồng thời, thúc đẩy hoạt động kinh tế đối ngoại giữa hai nước; vận động, thu hút nguồn vốn ODA, FDI chất lượng cao từ Nhật Bản, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác, đặc biệt là hình thức Hợp tác Công – Tư (PPP) nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Việt Nam – Venezuela ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác
Kỳ họp thứ 2 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Venezuela tại Thủ đô Caracas ngày 20/4 đã khép lại với những kết quả tốt đẹp, thêm nhiều dự án, chương trình được kết nối, mở rộng. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần này. Biên bản kỳ họp khẳng định trong thời gian vừa qua, quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước tiếp tục được củng cố và tăng cường một cách toàn diện. Trong thời gian tới, Chính phủ, các cấp, ngành, đối tác hai nước tiếp tục tập trung, nỗ lực để thúc đẩy, thực hiện thắng lợi toàn diện ở các lĩnh vực đã hợp tác và đang còn nhiều tiềm năng, lợi thế bổ trợ cho nhau. Biên bản ghi nhớ cũng đề cập cụ thể tới tiến trình, các bước hợp tác trong từng lĩnh vực như thương mại, dầu khí, điện năng, nông nghiệp, hạ tầng cơ sở, đóng tàu, thông tin truyền thông, văn hóa, giáo dục,… Đây là khung pháp lý cho các đối tác thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa từng chương trình, dự án trên thực tế.
Dưới sự chứng kiến của các thành viên Ủy ban liên Chính phủ, một loạt các hợp đồng, thỏa thuận, bản ghi nhớ giữa các cơ quan, đối tác, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Venezuela đã được ký kết. Đó là các hợp đồng, thỏa thuận về việc Việt Nam cung cấp trạm năng lượng mặt trời, sản phẩm bình đun nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, chương trình chiếu sáng công cộng; về hỗ trợ kỹ thuật, quản lý, cung ứng vật tư cho việc khai thác dầu khí của Liên doanh PetroMacareo tại Dự án Junin 2, các biện pháp đảm bảo kế hoạch sản lượng 200.000 thùng/ngày của dự án; về thỏa thuận mở rộng chương trình trao đổi văn hóa giai đoạn 2012-2015 trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, xuất bản,…
Tọa đàm trực tuyến về phát triển nhanh và bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Chủ nhật, 22/4, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ và VTV Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến về phát triển nhanh và bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010” kinh tế các tỉnh, thành trong vùng đã có bước phát triển nhanh, hệ thống chính trị, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong vùng được củng cố và tăng cường, nhất là trên địa bàn chiến lược, biên giới, vùng biển, đảo, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, các tỉnh, thành trong vùng vẫn bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém cần sớm khắc phục để phát triển nhanh, bền vững hơn nữa. Cuộc tọa đàm nhằm cung cấp thêm thông tin về những thành tựu của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị; đồng thời giải đáp, tiếp thu những đề xuất, đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp vào phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 – 2020 (Thông tin chi tiết về cuộc tọa đàm sẽ được tiếp tục cập nhật).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế
Sáng 19/4, tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại nghị quyết của Quốc hội số 11/2011/QH13, Quốc hội khóa 13 đã giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, sẽ khai mạc vào tháng 5 tới đây.
Theo Đề án, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế bao gồm 6 bộ phận hợp thành: tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh; tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế theo hướng cơ cấu lại các ngành và dịch vụ phù hợp với các vùng, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Đề án kiến nghị 7 nhóm ngành được ưu tiên phát triển để tăng cường, củng cố và phát triển năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong các năm tiếp theo bao gồm: luyện kim, hóa dầu; đóng tàu; điện tử; công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo; dịch vụ logistics (vận tải hàng hóa, cảng biển, dịch vụ hải quan, kho bãi và bảo quản hàng hóa, dịch vụ phân phối,…. ); dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vận tải hành khách, dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ văn hóa, dịch vụ giải trí, mua sắm, làng nghề…). Đề án đã đề xuất 13 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế nhằm đổi mới phương thức và nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước.
Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý
Tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/4, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội quý I/2012 cho thấy, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng kinh tế 3 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 4%, mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chưa đặt ra yêu cầu điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo, tình hình kinh tế quý I năm 2012 đã có bước chuyển biến, các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng chậm lại và mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; lãi suất tín dụng giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện; tỷ giá ổn định; thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, trong đó giải ngân vốn FDI, ODA đạt khá. Sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn vẫn có chuyển biến và duy trì tăng trưởng; kim ngạch xuất khẩu tăng 25% so cùng kỳ; xuất siêu bằng 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu….
Tuy nhiên, tình hình vẫn đang nổi lên những khó khăn, thách thức: Tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 4%,thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây (quý I/2010 tăng 5,84%, quý I/2011 tăng 5,57%), thấp hơn dự kiến của Chính phủ là 5%-6% và khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% của cả năm 2012. Lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế; sản xuất công nghiệp tăng chậm, lượng tiêu thụ giảm, tồn kho lớn….
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, đề nghị tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra cho năm 2012, nhưng cần điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho tăng cao; quan tâm nhiều hơn đến phát triển thị trường trong nước; ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động, có thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%; một mặt, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, mặt khác, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Sớm chỉ đạo tổng hợp tình hình vay nợ và nợ thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và biện pháp xử lý đối với các dự án nợ khối lượng, dự án tạm dừng, giãn tiến độ, không sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 năm 2012.
Giá thực phẩm vẫn ổn định trước thông tin tăng lương
Trước thông tin lương tối thiểu sẽ tăng thêm 26% kể từ ngày 1/5, nhiều người lo ngại sẽ kéo theo tình trạng tăng giá đồng loạt của nhiều mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, theo khảo sát, giá lương thực, thực phẩm tại các chợ trung tâm tại Hà Nội vẫn ở mức ổn định. Tại một số chợ lớn tại Hà Nội, các loại rau, củ, quả khá đa dạng và dồi dào. Rau muống có giá từ 3.000-5.000 đồng/mớ, rau cải có giá từ 5.000 – 7.000 đồng/mớ, su hào và bắp cải lại có chiều hướng giảm giá bán. Các loại thực phẩm như thịt bò, thủy hải sản vẫn giữ giá.Trước thông tin về việc lạm dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi khiến cho giá thịt lợn giảm từ 15-20%, giá thịt lợn tùy từng loại giảm từ 2.000-3.000 đồng/kg. Trong tháng 4, giá lúa gạo tại miền Bắc duy trì ở mức 11.500 – 13.100 đồng/kg gạo tẻ thường. Theo báo cáo của ngành thương mại, nguyên nhân do tác động từ chương trình thu mua tạm trữ và những dấu hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu. Mặc dù vậy, giá lúa gạo có thể sẽ tăng nhẹ do nhu cầu xuất khẩu tăng khi Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Trung Quốc và Philippines.
Mặc dù giá lương thực, thực phẩm không có nhiều biến động, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại về một đợt tăng giá sẽ xảy ra sau ngày 01/05, khi mức lương tối thiểu được áp dụng theo mức mới.
Giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít
Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước từ 20 giờ ngày 20/4.
Bộ Tài chính cho biết, kể từ sau ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước gần đây nhất (7/3/2012), giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng và dao động ở mức cao, tiếp tục tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành đã tác động làm cho việc kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, các giải pháp về tài chính như:thuế nhập khẩu đã lùi về mức 0% với tất cả các chủng loại xăng dầu trong một thời gian dài để bình ổn giá, Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết. Do đó, việc điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giảm thiểu tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước hiện nay với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia…) khoảng từ 3.662 đồng/lít đến 7.878 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước.
Việc tiếp tục điều chỉnh giá xăng, dầu là nhằm làm cho giá xăng dầu phản ánh được sự biến động của giá thị trường thế giới; đồng thời phản ánh đúng giá hàng hoá, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu theo các nguyên tắc tính toán đã được quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Học và làm theo Bác gắn với thực hiện đạo đức người làm báo
Trong hai ngày 20 và 21/4, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các cấp hội nhà báo củng cố và đẩy mạnh công tác hội, phong trào thi đua khen thưởng, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong công tác hội và hoạt động của người làm báo để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Hội Nhà báo Việt Nam đề ra 8 nhiệm vụ trong tâm trong năm 2012, trong đó có việc tăng cường rèn luyện phẩm chất chính trị, chuyên môn, học tập và làm theo gương Bác gắn với thực hiện 9 điều Quy định đạo đức người làm báo. Trong hoạt động nghiệp vụ, một bộ phận nhỏ báo chí, nhà báo còn vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp, có lúc, có nơi còn đưa tin sai sự thật, chưa tuân thủ chặt chẽ kỷ luật thông tin. Chất lượng tác phẩm báo chí chưa thực sự cao, ít tác phẩm thật xuất sắc làm lay động trái tim, khối óc công chúng. Một số tờ báo nặng về thông tin mặt trái, tiêu cực trong khi còn rất nhiều những điểm tốt, những tấm gương sáng trong xã hội chưa được đông đảo báo chí tập trung phản ánh.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo chí cần nâng cao giải pháp, tuyên truyền hữu hiệu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trước mắt là Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đồng chí cũng nhấn mạnh, thời gian tới, báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, đến với đông đảo quần chúng nhân dân, qua đó cùng toàn Đảng, toàn dân đồng tâm hợp lực thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Báo chí cần kịp thời biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, phong trào mới; đồng thời tích cực đấu tranh chống tiêu cực, quan điểm, luận điệu sai trái của thế lực thù địch, bảo vệ toàn vẹn độc lập chủ quyền. Bên cạnh đó, báo chí cần phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc, song hành với thông tin đối ngoại để nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Khuyến khích phát triển thị trường nông sản sạch
Bộ NNPTNT cho rằng trong giai đoạn đầu áp dụng quy chuẩn GAP đối với sản xuất nông sản đã cho những kết quả rất đáng khích lệ, đồng thời người nông dân cũng như doanh nghiệp đã từng tham gia rất hồ hởi nhiệt tình. Thế nhưng, hiện nay, có một thực tế là hiện nay các hộ nông dân cũng như doanh nghiệp tham gia GAP lại đang có tâm lý dao động muốn trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống, bởi một lý do khá đơn giản: sản phẩm GAP chưa được thị trường thừa nhận nghĩa là sản phẩm an toàn cũng như không an toàn đang bị đánh đồng theo kiểu “cá mè một lứa”.
Qua khảo sát, khi tham gia chương trình VietGAP, người trồng trọt phải tuân thủ hàng chục yêu cầu khắt khe trong quy trình nuôi trồng thế nhưng lại không được lợi gì khi mà sản phẩm bán ra chẳng khác gì các sản phẩm được sản xuất theo kiểu thông thường. Ngoài ra, việc quản lý trồng, chăm sóc và chất lượng rau an toàn có nơi bị buông lỏng, không kiểm soát được khiến người tiêu dùng không tin tưởng vào chất lượng. Chính vì chưa có một quy trình thống nhất và cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo GAP nên đã không thu hút được các doanh nghiệp và người nông dân tham gia hưởng ứng, ít ra là trong thời điểm hiện nay.
Để sức khỏe mỗi người dân được đảm bảo thì hơn ai hết, chính mỗi người tiêu dùng cần có những kiến thức, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và chất lượng của các sản phẩm mình cần mua để có thông tin khi đi mua hàng chọn được những sản phẩm, địa chỉ uy tín, chất lượng. Khi những hành động đó được làm một cách đồng loạt thì những vấn đề như tiêu thụ sản phẩm VietGAP sẽ không còn gặp trở ngại và tìm được chỗ đứng riêng cho mình trên thị trường. Cùng với đó, cần những hành động mạnh mẽ hơn từ phía người tiêu dùng khi gặp phải những sản phẩm nông sản kém chất lượng. Cụ thể, người tiêu dùng có thể đến những văn phòng khiếu nại của Hội bảo vệ người tiêu dùng để được tư vấn và bảo vệ quyền lợi.
Những hành động kiên quyết của người tiêu dùng không những giúp những cơ quan quản lý chức năng có chứng cớ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, công khai và xử phạt nghiêm những đối tượng, cơ sở sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng.
NH (Tổng hợp)