PVcomBank 2 năm sau hợp nhất:
Hoàn thiện mô hình, tăng trưởng ổn định
Sau 2 năm hoạt động (từ tháng 10-2013), Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) luôn thể hiện sự chủ động trong việc tổ chức, sản xuất kinh doanh bất chấp thị trường vĩ mô đang trải qua những bước thăng trầm…
Mô hình hiện đại, năng động
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, sau sáp nhập, vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp là sự đồng nhất giữa các đơn vị cũ. Mỗi doanh nghiệp có một cung cách riêng, bản sắc riêng và có chiến lược phát triển kinh doanh không thể giống nhau.
Để chuẩn bị cho quá trình này, PVFC trước đây và PVcomBank hiện tại đã tin ở Tập đoàn tài chính Boston Consulting Group (Hoa Kỳ). Sự có mặt của BCG chính là tiêu chí để ban lãnh đạo PVcomBank đảm bảo sự công khai, minh bạch trong mọi hoạt động dù là nhỏ nhất, từ trước đến sau khi hợp nhất. Tính đến thời điểm tháng 10-2015, cũng là tròn 2 năm kể từ ngày PVcomBank hợp nhất, chuyển đổi sang mô hình ngân hàng thương mại (1/10/2013 - 1/10/2015) và thực hiện chiến lược kinh doanh, phát triển dài hạn Ngân hàng trên cơ sở tư vấn của BCG. Mục tiêu mà ban lãnh đạo PVcomBank cũng khá cụ thể, đó là nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành 1 trong 7 ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam vào năm 2020.
Hiện PVcomBank đã nhận chuyển giao kết quả tư vấn chiến lược từ BCG, đã nhanh chóng triển khai và hoàn thành 35 sáng kiến chiến lược, đang triển khai 38 sáng kiến chiến lược và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2015. Những kết quả đạt được từ các sáng kiến chiến lược và dự án chuyển đổi quan trọng bước đầu đem lại hiệu quả cho PVcomBank nói chung và hoạt động của từng khối/đơn vị nói riêng. Đây là tiền đề quan trọng để tạo dựng nền tảng vững chắc đưa ngân hàng bước vào giai đoạn 2 - tăng dần tốc độ phát triển để đạt được các mục tiêu chiến lược.
Để hoàn thành mục tiêu này, trong 2 năm qua PVcomBank đã hoàn tất việc xây dựng và hoàn thiện mô hình hoạt động theo quy chuẩn của Ngân hàng hiện đại từ Hội sở đến các chi nhánh trên cơ sở tư vấn của BCG. Đối với mô hình tổ chức hiện tại của PVcomBank đã sắp xếp lại gồm 13 khối và 1 trung tâm thẻ, hệ thống chi nhánh gồm 3 loại hình (siêu chi nhánh, chi nhánh đa năng và chi nhánh chuẩn) quản lý vận hành theo ngành dọc và tập trung hoá hoạt động back-office (BO) tại Hội sở để tập trung nguồn lực phát triển kinh doanh tại các chi nhánh. Các khối được phân thành khối kinh doanh và khối hỗ trợ. Song song với quản lý theo ngành dọc tại từng khối, các khối đã bước đầu có thể tương tác theo chiều ngang để đảm bảo các quy trình hoạt động được vận hành thuận lợi hơn.
Hướng tới ngân hàng “trọn đời vì bạn”
Hai năm qua, PVcomBank đã triển khai chương trình ưu tiên A1 tới khách hàng trong 8 doanh nghiệp trong Tập đoàn PVN và chương trình A2 tới khách hàng tại hơn 40 doanh nghiệp khác trong ngành Dầu khí. Đồng thời, khảo sát và nghiên cứu để hiểu rõ nhu cầu và đặc thù của các doanh nghiệp trong chuỗi khách hàng dầu khí, xây dựng nền tảng để tiếp cận và phục vụ các doanh nghiệp này thông qua gói sản phẩm theo chuỗi. PVcomBank cũng đã hoàn thành xây dựng các sản phẩm cơ bản cho khối khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tương ứng với nền tảng công nghệ hiện tại, đã chuẩn bị và lên kế hoạch để bổ sung tiếp các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ.
Trong năm 2015 đã tổ chức đại hội Đảng bộ PVcomBank khóa IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 thành công, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ PVcomBank, đồng thời đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp để phát triển toàn diện các lĩnh vực của ngân hàng. Những quyết định của Đại hội thể hiện ý chí quyết tâm, khát vọng của cán bộ, đảng viên và người lao động đối với sự phát triển bền vững của PVcomBank trong giai đoạn tới.
PVcomBank luôn chủ động tích cực trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị thành viên, trong đó PVcomBank đã tham gia thu xếp vốn cho rất nhiều dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị thành viên trong ngành: tiêu biểu như các dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Vũng Áng, Nhà máy Đạm Cà Mau… với tổng giá trị cam kết là 2,7 tỉ USD. Bên cạnh đó, PVcomBank còn cung cấp các dịch vụ bảo lãnh cho các đơn vị trong ngành như: bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh phát hành trái phiếu, bảo lãnh vay vốn...
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm dịch vụ, PVcomBank đã hợp nhất hạ tầng CNTT toàn hàng, quy hoạch và chuẩn hóa về cơ bản hệ thống hạ tầng CNTT; Đưa mô hình cung cấp dịch vụ CNTT một cửa với sự hỗ trợ của hệ thống Services Desk cũng như hệ thống các quy trình tiếp nhận xử lý yêu cầu theo tiêu chuẩn ITIL; Chuẩn hóa lại các hệ thống an toàn an ninh thông tin theo tiêu chuẩn ISO 27001; Ra mắt hệ thống Website mới, chức năng Mobile banking; Gấp rút hoàn thành các dự án hiện đại hóa hệ thống ngân hàng lõi (Corebanking T24), hệ thống thẻ tín dụng và hệ thống ngân hàng điện tử…
Trong công tác quản trị rủi ro, với mục tiêu “Hướng tới tuân thủ theo các tiêu chuẩn của Basel II ở mức độ cơ bản vào năm 2017”, PVcomBank đã bước đầu định hình được khẩu vị rủi ro thông qua thiết lập được các hạn mức rủi ro, hoàn thiện hệ thống quy định cũng như hệ thống theo dõi thực hiện tuân thủ các yêu cầu của các cơ quan quản lý.
Về công tác truyền thông thương hiệu, PVcomBank đã hoàn thành việc nghiên cứu tổng quan về ngân hàng và thương hiệu PVcomBank, lựa chọn được chiến lược định vị thương hiệu “Ngân hàng trọn đời của bạn” với cam kết thương hiệu “luôn đồng hành trọn đời với khách hàng để đem lại những sản phẩm dịch vụ tài chính cá nhân và doanh nghiệp phù hợp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng vốn thường xuyên thay đổi theo thời gian của mọi thành viên trong gia đình và trong doanh nghiệp hiện đại”.
Để đạt được những kết quả trên, PVcomBank đã tập trung triển khai chiến lược phát triển của Ngân hàng theo đúng kế hoạch đồng thời theo sát định hướng chiến lược, phát triển ổn định, bền vững. Thời gian tới, PVcomBank sẽ bước vào giai đoạn 2 - Giai đoạn tăng cường năng lực để phục vụ thị trường rộng hơn. Ở giai đoạn này, PVcomBank cần phải cải thiện chính sách sản phẩm, mở rộng nhóm kinh doanh thương mại để phục vụ các công ty ngoài PVN. Đó là tập trung mở rộng mạng lưới tới các khu vực địa lý ưu tiên, triển khai mô hình đối tác để mở rộng phạm vi địa lý/phân khúc khách hàng và mở rộng năng lực rủi ro để hỗ trợ cho các sản phẩm nguồn vốn phức tạp hơn.
P.V