Báo Công Thương ra bộ mới
Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Công Thương đã chính thức tăng kỳ xuất bản từ ngày 1/7/2012, theo măng sét và định dạng mới. Theo đó, báo sẽ phát hành thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu hàng tuần.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 30/6 tại Hà Nội, để công bố về sự những thay đổi này, nhà báo Nguyễn Hữu Quý – Phó tổng biên tập phụ trách Báo Công Thương cho biết: Định dạng mới được trình bày hiện đại, nội dung phong phú, hấp dẫn với nhiều chuyên mục mới, như: Nghe và Thấy, Tiêu dùng thông minh, Địa chỉ đen, Học trong một phút, Ống kính góc rộng, Thước đo độ… Bên cạnh là những chuyên mục đã được định hình trước đó, như: Vấn đề hôm nay, An ninh năng lượng, Thị trường – Pháp luật, Doanh nghiệp – doanh nhân, Văn hóa – Xã hội, Quốc tế – Hội nhập, Khoa học – Công nghệ, Môi trường – Khuyến công…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong thư gửi chúc mừng lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên, phóng viên, người lao động và bạn đọc của báo đã đánh giá: “Sự kiện tăng kỳ xuất bản có thể nói là một bước tiến của Báo Công Thương trong chặng đường phát triển”.
Sau 5 năm, kể từ khi được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa Báo Công nghiệp và Báo Thương mại, thực hiện chức năng là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, Báo Công Thương đã có nhiều nỗ lực bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích trong việc thông tin, truyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là hoạt động công nghiệp và thương mại, hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh, qua 5 năm hoạt động, Báo Công Thương là tờ báo kinh tế đi sâu vào các vấn đề chuyên ngành, nhưng không sa vào “thương mại hóa” báo chí. Thứ trưởng khẳng định, việc thay đổi măng sét – định dạng mới và tăng kỳ, được lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá là nỗ lực rất lớn của báo. Nỗ lực này rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành, Ban Tuyên giáo Trung ương, đặc biệt là của doanh nghiệp trong và ngoài ngành công thương. Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải mong muốn Báo Công Thương nói riêng, cũng như các báo, tạp chí của ngành công thương nói chung và các doanh nghiệp trong ngành hỗ trợ lẫn nhau. Báo chí hỗ trợ doanh nghiệp thông tin, doanh nghiệp hỗ trợ báo chí về cơ sở vật chất, nguồn lực kinh tế.
Về phía cơ quan chỉ đạo quản lý báo chí, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương – Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc Báo Công Thương tìm hướng đi mới bằng cách tăng kỳ, thay đổi định dạng là một bước đi mới trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Ông Hùng đề nghị, thời gian tới Báo Công Thương phải là cơ quan định hướng về thông tin ngành công thương, giúp cơ quan chỉ đạo quản lý báo chí kết nối với lãnh đạo Bộ, các cơ quan báo chí khác, để các báo bạn có được những thông tin chính thống về các hoạt động của ngành công thương kịp thời và chính xác.
Phó tổng biên tập Phụ trách Nguyễn Hữu Quý cam kết, trong chặng đường tới đây, bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, Báo Công Thương sẽ đồng hành sát cánh hơn nữa với doanh nghiệp, doanh nhân để trở thành diễn đàn của giới công thương Việt Nam.
Xuân Phú