Báo chí nước ngoài lên tiếng sau buổi họp báo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Chỉ vài giờ sau khi kết thúc buổi họp báo chiều ngày (27/6) do Tổng giám đốc Petrovietnam, ông Đỗ Văn Hậu chủ trì, báo chí quốc tế đã tràn ngập thông tin về việc CNOOC mời thầu một cách vô lý trên 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền và tài phán của Việt Nam.
Các hãng thông tấn lớn phương Tây AP, AFP, BBC… trong khu vực như Yonhap, Manila Times hay những hãng tin mạnh về kinh tế và dầu mỏ như Bloomberg, Upstream, Dow Jones, Fox… đều đưa tin khá trung thực. Cảm giác chung là sự phản đối của Petrovietnam được đánh giá là mạnh mẽ nhưng cũng hết sức văn hóa, trên đúng tinh thần của thông lệ dầu khí quốc tế.
Hãng thông tấn của Vương quốc Anh BBC chạy tít phụ: “Việc làm sai trái!”. Có lẽ BBC là hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về vụ việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam: “Ông Hậu (TGĐ Đỗ Văn Hậu – PV) khẳng định 9 lô dầu khí thuộc bể Phú Khánh và một phần Nam Côn Sơn hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp… việc làm của CNOOC là sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển và đặc biệt không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế…”.
Bài báo có đoạn: “PetroVietnam cũng đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu 9 lô dầu khí mà Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc gọi thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. CEO Petrovietnam tiết lộ tại chính khu vực mà CNOOC đang mời thầu, Petrovietnam đã có hợp tác với ONGC của Ấn Độ, Gazprom của Nga, ExxonMobil của Mỹ…”.
Trong khi đó, AFP lại khẳng định, việc CEO Petrovietnam kêu gọi các tập đoàn, các hãng và Công ty Dầu khí quốc tế không nên tham gia đấu thầu 9 lô dầu khí mà CNOOC đưa ra ngày 23/6 vừa qua là hoàn toàn có lý.
Về phần mình, FoxBussiness – kênh thông tin kinh tế tài chính của Hãng tin Fox đưa tin chi tiết về phần diện tích hơn 160.000km2 (64.000 dặm vuông), được phân chia khá khoa học mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẳng định đã có trong quá trình phát triển từ khá lâu với các đối tác nước ngoài của mình. “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ gửi một lá thư chính thức phản đối và yêu cầu hủy bỏ hồ sơ dự thầu Trung Quốc”, TGĐ Đỗ Văn Hậu nói thêm họ sẽ “phản đối cho đến khi kết thúc” bất kỳ công ty nào đã ký hợp đồng với CNOOC trong khu vực.
Trao đổi nhanh với báo chí chủ nhà, nhiều phóng viên của các hãng thông tấn lớn có mặt trong buổi họp báo quốc tế do Petrovietnam tổ chức tại Trụ sở 18 Láng Hạ, Hà Nội chiều 26/7 cùng bày tỏ sự bất bình đối với hành động mời thầu của CNOOC. “E rằng động thái trên của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc chỉ làm căng thẳng thêm vấn đề biển Đông vốn đã quá nóng”, phóng viên của một hãng thông tấn Nhật Bản giấu tên cho biết. “Tuy nhiên, tôi tin rằng vì lợi ích kinh tế và niềm tin tuyệt đối nơi Petrovietnam cũng như Chính phủ Việt Nam, các Tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực cũng như thế giới vẫn sẽ coi đây là điểm đến trong tương lai!”.
Lê Hữu (tổng hợp)