Nguyên nhân nào dẫn đến thảm kịch giẫm đạp tại Thánh địa Mecca?
Nguyên nhân nào đã biến chuyến hành hương Hajji của các tín đồ Hồi giáo về Thánh địa Mecca (Ả-rập Xê-út) trở thành thảm kịch, khi xảy ra xô đẩy chen lấn, giẫm đạp lên nhau làm chết hơn 700 người và gần 900 người khác bị thương?
Hàng trăm người đã thiệt mạng trong thảm kịch giẫm đạp gần Thánh địa Mecca? |
Vụ giẫm đạp xảy ra trong khi các tín đồ Hồi giáo đang thực hiện nghi lễ được gọi là “ném đá ma quỷ” ở một thành phố ở Mina, cách Thánh địa Mecca – thành phố linh thiêng nhất của đạo Hồi 2 dặm.
Hơn 220 xe cứu thương, 4.000 nhân viên cứu hộ đã có mặt và trực thăng cứu hộ cũng được huy động, nhưng với số lượng người khổng lồ như vậy việc di chuyển nạn nhân rất khó khăn, nan giải.
Thảm họa ngày 24/9 xảy ra chỉ 13 ngày sau khi sự cố sụp sụp cần cẩu tại Grand Mosque ở Mecca đã giết chết hơn 100 người và làm bị thương hàng trăm người khác.
Hajj là một cuộc hành hương thường niên tới Mecca. Tất cả người Hồi giáo phải tới đây ít nhất một lần trong đời. Mặc dù hầu như năm nào cũng có không ít người thiệt mạng trong cuộc hành hương này nhưng năm nay, lễ hội này đã trở thành thảm họa đẫm máu nhất tại Mina kể từ năm 1990, khi có ít nhất 1.426 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại một đường hầm cho người đi bộ.
Một quan chức Ả-rập Xê-út cho hay, dòng người hỗn loạn giẫm đạp lên nhau khi đang thực hiện nghi thức ném đá vào 3 bức tường đại diện cho quỷ Satan, lúc ấy, hai lượng lớn người di chuyển ngược với nhau đã gây ra thảm họa.
Trên tờ Washington Post, chuyên gia phân tích rủi ro G.Keith Still cũng có cùng quan điểm đến khi cho rằng, thảm họa giẫm đạp xảy ra do người hành hương di chuyển theo hai hướng, tạo nên sự dồn ép. Nếu họ hoảng loạn thì tình huống còn nguy hiểm hơn nữa.
Những nghiên cứu trước đây cũng đã khẳng định, nhiều khi, trong đám đông xô lấn chen đẩy, những người chết chưa chắc đã là chết vì bị giẫm đạp, mà còn chết do hoảng loạn và thiếu không khí để thở.
Trong khi đó, người đứng đầu tổ chức Hajj của Iran, Said Ohadi, cáo buộc nhà chức trách Ả-rập Xê-út đã đóng cửa 2 con đường gần nơi tai nạn vì những lý do không rõ ràng và chỉ còn 3 đường dẫn vào khu vực tổ chức lễ ném đá.
Phát biểu trên truyền hình, ông Ohadi nói: “Vụ việc này cho thấy trình độ quản lý yếu kém và thái độ thiếu quan tâm nghiêm túc tới an toàn của người hành hương. Không có một lý giải nào khác. Các quan chức Ả-rập Xê-út phải chịu trách nhiệm”.
Bộ trưởng Y tế Ả-rập Xê-út, ông Khaled al-Falih thì đổ lỗi cho những người hành hương đã không tuân theo chỉ dẫn của nhà chức trách. Theo ông này, đây là “lý do chính dẫn đến kiểu sự cố này”.
Từ tối qua, Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Nayef đã ra lệnh điều tra nguyên nhân tại sao quy trình và các điều lệ lại không được tuân theo vào thời điểm xảy ra giẫm đạp.
Con số chính thức của Ả-rập Xê-út đưa ra hôm 24/9 cho biết, có 1.952.817 khách tham dự cuộc hành hương Hajj năm nay, trong đó có khoảng 1,4 triệu người nước ngoài.
Hiện nhà chức trách nước này cũng đã xác nhận có hơn 717 người thiệt mạng và 863 người khác bị thương trong vụ giẫm đạp gần Thánh địa Mecca. Tuy nhiên, con số này vẫn không ngừng tăng lên.
Nhiều sứ quán nước ngoài đang xác minh và hỗ trợ công dân của họ trong tai nạn thảm khốc này. Tin mới nhất cho biết có 70 người Iran thiệt mạng.
Vì sao người Hồi giáo phải hành hương về Thánh địa Mecca? Hành hương về Thánh địa Mecca một lần trong đời là một trong năm nghĩa vụ của người theo đạo Hồi. Vụ giẫm đạp khiến hơn 1.000 người thương vong ở Mecca hôm 24/9 cũng không khiến người Hồi giáo từ bỏ nghi lễ này. |
Linh Phương