Trung Quốc: Tăng trưởng kinh tế nhờ tin tặc và gián điệp?
Trong hơn 2 năm, nhà báo Joshua Philipp của tờ The Epoch Times đã cất công điều tra về một chương trình bí mật được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, nhằm đánh cắp các bí mật của phương Tây để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và tăng cường sức mạnh quân sự của quốc gia này.
Tin tặc Trung Quốc tấn công cơ quan chính phủ Mỹ? |
Cuộc chiến vô hình
Theo điều tra của Joshua, hoạt động ăn cắp này đã được tiến hành trong mấy chục năm qua và chỉ riêng Hoa Kỳ, đã bị đánh cắp các thứ có giá trị tương đương hàng nghìn tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, phải đến mấy năm gần đây, Mỹ mới bắt đầu đáp trả. Tháng 5/2014, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra những thông báo quan trọng, buộc tội 5 tin tặc thuộc đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc vì đã tham gia đánh cắp các bí mật kinh tế.
Trong khi đó, tham gia vào hoạt động ăn cắp này không chỉ có các tin tặc quân đội, mà còn có cả các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và học viện Trung Quốc. Các tổ chức rộng khắp Trung Quốc hoạt động như các “Trung tâm chuyển giao”, có nhiệm vụ xử lý các thông tin bị đánh cắp thành các thiết kế hữu dụng. Nhiều chương trình của chính phủ cũng tạo điều kiện cho hành vi trộm cắp. Và toàn bộ hệ thống này vận hành thông qua một đường dây bẩn thỉu được kết nối giữa các quan chức chính phủ, sĩ quan quân đội, ban quản trị của các doanh nghiệp và các học giả trên khắp Trung Quốc. Phạm vi thực sự của các cuộc tấn công mạng và các lỗ hổng mà chương trình này gây ra còn vượt xa những gì được truyền thông quốc tế nói tới liên tục trong mấy năm trở lại đây.
5 tin tặc thuộc đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy nã |
Theo ông Casey Fleming, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của BlackOps Partners Corporation, công ty chuyên về phản gián và bảo vệ bí mật thương mại cho 500 công ty lớn nhất Mỹ trên danh sách của tạp chí Fortune, cho biết số vụ rò rỉ dữ liệu được công bố trên báo chí chỉ là một phần nhỏ so với con số thực tế.
Nhiều vụ rò rỉ dữ liệu được báo cáo trong năm 2014 là từ các doanh nghiệp bán lẻ - những đơn vị mà thông tin liên quan đến danh tính của khách hàng một khi bị xâm nhập thì buộc phải được báo cáo. Trong khi đó, hàng trăm công ty khác đã không báo cáo các vụ rò rỉ dữ liệu chỉ vì e ngại các bài viết tiêu cực của giới truyền thông, hay tệ hơn nữa là hầu hết họ chưa bao giờ phát hiện ra các lỗ hổng để mà báo cáo.
Chỉ riêng năm ngoái, công ty của ông Fleming đã quan sát và thấy rằng, “mức độ công kích, cường độ và tần số” của hoạt động gián điệp nội bộ và các cuộc tấn công mạng xâm phạm vào các doanh nghiệp Mỹ đã tăng gấp 10 lần và dự báo sẽ còn ác liệt hơn nữa. Các ước tính mới nhất cho thấy, các công ty và nền kinh tế Mỹ mất khoảng 5 nghìn tỉ USD mỗi năm, tức hơn 30% GDP quốc gia khi tính đến toàn bộ giá trị của các sáng tạo đã bị đánh cắp. Fleming cũng cảnh báo: “Không bao lâu nữa thì mỗi công dân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi quy mô của cuộc tấn công gián điệp kinh tế này, với các hình thức như bị mất việc, giá cả đắt hơn và chất lượng cuộc sống giảm sút”.
Một lịch sử sao chép
Thường thì các vụ rò rỉ dữ liệu luôn thu hút sự chú ý của dư luận nhưng lại có rất ít người nhận thức được những kẻ ăn cắp sẽ làm gì với thông tin “chôm chỉa” được. Để hiểu được Bắc Kinh sẽ xử lý thông tin ăn cắp được như thế nào thì cần phải nhắc đến một chút về lịch sử, bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh và mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô.
Một nguồn tin nắm rất rõ kỹ nghệ đảo ngược (reverse engineering: quá trình tìm ra các nguyên lý kỹ thuật của một phần mềm ứng dụng hay thiết bị cơ khí qua việc phân tích cấu trúc, chức năng và hoạt động của nó để xây dựng một thiết bị hoặc phần mềm mới hoạt động giống hệt nhưng không sao chép bất cứ thứ gì từ đối tượng nguyên bản) từ các thông tin công nghệ ăn cắp được của Trung Quốc đã tiết lộ rằng, Bắc Kinh đã kế thừa thực tiễn kinh nghiệm của Liên Xô, nhưng họ đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với năng lực công nghệ yếu kém lúc bấy giờ của mình.
Chẳng hạn như một điệp viên Liên Xô khi đánh cắp được các mẫu thiết kế chiếc camera do thám của Mỹ, thì các mẫu thiết kế đó sẽ được chuyển giao cho một cơ sở nghiên cứu và ở đó, các kỹ sư Xôviết sẽ cố gắng tái tạo một công nghệ giống y như vậy.
Nhưng người Trung Quốc lại có cách tiếp cận khác. Bắc Kinh lúc đó không hề ảo tưởng về sự chênh lệch công nghệ giữa Trung Quốc với các nước khác. Do đó, trong khi Liên Xô bắt đầu công nghệ sao chép từ đỉnh thì người Trung Quốc lại đi từ đáy.
Nếu một điệp viên Trung Quốc có trong tay chiếc camera do thám như đã nói ở trên, anh ta cũng sẽ chuyển nó đến một cơ sở nghiên cứu. Nhưng thay vì cố tạo ra một chiếc camera giống hệt như thế, các kỹ sư Trung Quốc sẽ tìm ra những thế hệ công nghệ cũ hơn và học cách tạo ra những thứ cũ đó trước.
Họ sẽ cử điệp viên đi thu thập thông tin công khai có được về những vật mẫu đầu tiên của công nghệ mục tiêu, mua những thế hệ công nghệ kế tiếp có trong các cửa hàng và gửi sinh viên đi học, làm việc ở nước ngoài trong ngành công nghiệp mục tiêu.
Quá trình này sẽ giúp họ có được nền tảng kiến thức và cuối cùng, một khi họ đã sẵn sàng thực hiện thao tác kỹ nghệ đảo ngược cho các thiết bị thế hệ hiện đại, họ có thể dễ dàng thấy được phần nào đã được nâng cấp, phần nào vẫn sử dụng công nghệ của thế hệ trước đó.
Cũng theo nguồn tin trên, cách tiếp cận của Trung Quốc nhanh hơn và ít tốn kém hơn rất nhiều so với Liên Xô.
“Chuyển giao” hay “ăn cắp” công nghệ?
Hệ thống xử lý và đảo ngược kỹ nghệ từ các thiết kế đánh cắp được của Trung Quốc hiện tại đã phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh. Nó đã phát triển từ một hoạt động quân sự chặt chẽ thành một hệ thống xuyên suốt cả một chế độ.
Sau khi ai đó đánh cắp được những bí mật thương mại cho Trung Quốc, thông tin này sẽ ít được sử dụng cho đến khi nó được xử lý và áp dụng kỹ nghệ đảo ngược. Đây là một phần công việc được xử lý bởi một mạng lưới rộng lớn gọi là “các trung tâm chuyển giao”.
William C. Hannas, James Mulvenon, và Anna B. Puglisi - các tác giả cuốn sách “China’s Industrial Espionage” (“Tình báo công nghiệp của Trung Quốc”), xuất bản năm 2013 đã mô tả về “hệ thống tinh vi và toàn diện chuyên nhăm nhe những công nghệ của nước ngoài, mua lại chúng bằng mọi cách có thể tưởng tượng được và biến chúng thành vũ khí và hàng hóa cạnh tranh” của Trung Quốc như sau: “Chẳng có nơi nào trên thế giới có thứ gì giống như thế… Hệ thống này rất lớn, tương xứng với cả một quốc gia 1,3 tỉ người và vận hành ở một quy mô áp đảo hoạt động kinh doanh khoa học và công nghệ của chính Trung Quốc”.
Cũng theo cuốn sách “Tình báo công nghiệp của Trung Quốc”, các cơ quan thực hiện kỹ nghệ đảo ngược của Trung Quốc có tên gọi chính thức là “Trung tâm Chuyển giao công nghệ Quốc gia”, hay “Tổ chức Chứng minh Quốc gia”. Những đơn vị này bắt đầu hoạt động tại Trung Quốc từ tháng 9-2001 và “được đưa vào chính sách” từ tháng 12/2007, thông qua “Kế hoạch Thi hành xúc tiến chuyển giao công nghệ Quốc gia”. Các trung tâm chuyển giao đảm nhiệm nhiều vai trò, trong đó có xử lý công nghệ đánh cắp được, phát triển các dự án nghiên cứu hợp tác giữa các nhà khoa học Trung Quốc và nước ngoài và vận hành các chương trình có mục tiêu thu hút các Hoa kiều đã từng học ở nước ngoài.
Ước tính, có 202 trung tâm “chứng minh” như vậy hiện đang hoạt động tại Trung Quốc, theo cuốn sách. Tuy nhiên, quy mô thực tế có thể còn lớn hơn bởi vì 202 trung tâm này mới chỉ là “những mô hình thi đua cho các cơ sở chuyển giao khác”. Có thể kể tên một vài trung tâm chuyển giao như: Ủy ban Nhà nước về Chuyên gia ngoại quốc thuộc Quốc vụ viện, Văn phòng Khoa học - Công nghệ - thuộc Văn phòng Người Hoa ở nước ngoài và Trung tâm Chuyển giao công nghệ Quốc gia - thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Đông Hoa.
Các tổ chức này cũng không cố giấu hoạt động của mình. Các tác giả dẫn chứng một nghiên cứu của các trung tâm chuyển giao, trong đó nêu rằng, họ có chức năng thực hiện “chuyển đổi công nghệ tiên tiến của nước ngoài thành sản phẩm sáng tạo của quốc nội” và thậm chí còn khuyến cáo “đưa chuyển giao công nghệ trở thành tính năng cốt lõi về đổi mới công nghệ của chúng ta”. Điều lệ của họ còn nói rõ ràng: “công nghệ trong nước và nước ngoài’ là những mục tiêu cho “thương mại hóa”.
Cuốn sách cho biết, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ hệ thống này - một hệ thống “đầu tư tối thiểu vào khoa học cơ bản, thông qua một bộ máy chuyển giao công nghệ, rút ruột những thành tựu độc quyền của nước ngoài, trong khi thế giới thờ ơ và không làm gì cả”. Trung Quốc đã không thể trải qua sự chuyển mình về kinh tế mà thế giới hiện nay đang chứng kiến, “cũng không thể duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, nếu không đột nhập vô hạn chế và ti tiện vào công nghệ của các nước khác”.
Những phát hiện của các tác giả “Tình báo công nghiệp của Trung Quốc” phù hợp với một báo cáo năm 2010 của Cơ quan Giảm thiểu đe dọa quốc phòng của Mỹ, trong đó cho biết, hiện đại hóa quân đội Trung Quốc “phụ thuộc nhiều vào những đầu tư cơ sở hạ tầng khoa học kỹ thuật, cải cách của ngành công nghiệp quốc phòng và mua sắm các loại vũ khí tối tân của nước ngoài”.
Báo cáo còn cho biết, sự ăn cắp công nghệ của Trung Quốc là độc nhất vô nhị ở điểm là hệ thống này giao quyền tự chủ “cho các học viện nghiên cứu, các tập đoàn, doanh nghiệp đưa ra các đề án thu thập theo các nhu cầu cụ thể của từng đơn vị”.
Linh Phương