Vì sao liên tiếp xuất hiện thí sinh 'kêu cứu' vì lý lịch?
Sau khi Bộ Công an có công điện gửi công an các tỉnh/thành phố yêu cầu báo cáo chi tiết những trường hợp đã có giấy báo trúng tuyển khối trường công an mà chưa nhập học… thì xuất hiện ngày càng nhiều những thí sinh 'kêu cứu' vì lý lịch.
Theo phản ánh từ báo chí những ngày qua, có thêm trường hợp của em Vũ Văn Nguyên (Yên Thế - Bắc Giang) cũng "kêu cứu" về vấn đề lý lịch.
Trong kì thi THPT quốc gia vừa qua, Nguyên đạt 22,0 điểm (Địa 8,0 điểm; Sử 7,5 điểm và Ngữ văn 6,5 điểm) lại thuộc diện khu vực ưu tiên 1 nên tổng điểm xét tuyển khối C là 25,5 điểm.
Với mức điểm này, em trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát Nhân dân ngành Nghiệp vụ cảnh sát và đã nhận được giấy báo nhập học.
Thế nhưng chưa kịp nhập học thì em nhận được thông báo của công an huyện Yên Thế rằng hồ sơ lý lịch không đạt.
Hai em Nguyễn Đức Ngà và Bùi Kiều Nhi đã phải "cầu cứu" Bộ Công An sau khi trúng tuyển mà không được nhập trường vì...lý lịch |
Thông tin từ gia đình cung cấp, sau khi công an huyện Yên Thế báo tin em Nguyên trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát Nhân dân thì bắt đầu tiến hành thẩm tra lý lịch.
Lúc này Nguyên mới biết cách đây hơn 2 năm, bố em có tham gia đánh bài và bị công an huyện Yên Thế bắt quả tang, sau đó thì bị xử phạt hành chính. Vì án tích này của phụ huynh mà em Nguyên không đủ điều kiện được nhập học.
Một trường hợp khác là em Lường Thị Mỹ Anh (Quyết Thắng,TP Sơn La) cũng đăng ký vào Học viện Cảnh sát nhân dân và được 28,5 điểm. Đủ điều kiện đỗ Học viện Cảnh sát Nhân dân nhưng lại bị vướng trong phần sơ yếu lý lịch của ông nội em nên đến giờ Mỹ Anh vẫn chưa được nhập học.
Một thí sinh ở tỉnh Hải Dương cũng chia sẻ về việc đủ điểm trúng tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân nhưng chưa được nhập học với lý do ghi thiếu phần lý lịch của ông nội…
Tình huống đã trúng tuyển mà không được nhập học này chưa từng có tiền lệ trong các kỳ tuyển sinh những năm trước đây. Thực tế thì lý do là bởi đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục & Đào tạo thực hiện quy chế mới trong tuyển sinh.
Nếu như trước đây, thí sinh đăng ký dự thi vào các trường thuộc ngành Công an, Quân đội sơ tuyển trước khi dự thi, tuân theo quy định của Thông tư 53. Thì nay các em đăng ký trước rồi mới trúng tuyển rồi, việc xác minh lý lịch mới được triển khai nên xảy ra thực trạng này.
Vậy là thêm một “bài học” cần rút ra trong quá trình tuyển sinh vào các trường ĐH,CĐ vừa qua?
Trao đổi với PetroTimes, TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: Việc này cũng không hẳn do lỗi của Bộ giáo dục & Đào tạo.
TS. Lê Viết Khuyến phân tích: Một phần ở thí sinh, gia đình thí sinh và cơ quan có thẩm quyền ở các địa phương.
TS. Lê Viết Khuyến. |
Thực ra, các quy định cũng đã có sẵn nhưng thí sinh chưa ý thức được tầm quan trọng của việc kê khai đầy đủ, trung thực lý lịch. Còn cơ quan chức năng địa phương cũng chưa nắm bắt được rõ những quy định này.
"Theo tôi từ hiện tượng của năm nay, cần sớm khắc phục cho những kỳ tuyển sinh sau. Đầu tiên là các thí sinh, các em nếu đã có nguyện vọng vào các trường đặc thù như quân đội, công an… thì nên chủ động tìm hiểu, đề đạt với công an địa phương để hộ xác nhận lý lịch cho trước. Việc này cần thiết cho nhiều việc, chứ không chỉ để phục vụ cho việc các em bước vào trường ĐH."
Còn lãnh đạo địa phương, sau những sự việc như trên cho thấy một phần họ thiếu trách nhiệm trong việc rà soát lý lịch và hướng dẫn công dân địa phương hoàn thành các thủ tục cần thiết. Trong việc này, cơ quan chức năng địa phương cũng phải nhận rõ trách nhiệm của mình. Phải hướng dẫn, tư vấn, cung cấp thông tin cho thí sinh đăng ký nộp hồ sơ vào khối trường công an, quân đội.
Bên cạnh đó, các năm sau những trường đặc thù như ngành Công an, Quân sự nên xây dựng quy chế tuyển sinh riêng, quy định cụ thể về quy trình và dành thời gian sơ tuyển, thẩm định hồ sơ lý lịch cho các thí sinh có nguyện vọng vào học, để tránh tình trạng trúng tuyển rồi mà không nhận thí sinh như vừa qua.
Huyền Anh