Thông tin chính thức vụ sập nhà cổ ở Hà Nội
(PetroTimes) - Quận ủy Hoàn Kiếm vừa có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng về vụ tai nạn tại số nhà 107 phố Trần Hưng Đạo chiều 22/9. Cho đến thời điểm này, đây được cho là thông tin chính thức vụ sập nhà cổ.
[Ảnh-VIDEO] Sập nhà cổ ở Hà Nội, nhiều người bị vùi lấp |
Hiện trường vụ việc |
Theo Đại tá Nguyễn Văn Quyền - Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội, vụ sập căn nhà cổ trên phố Trần Hưng Đạo khiến 2 người tử vong và 6 người bị thương.
Hai nạn nhân tử vong trong vụ sập nhà được xác định là chị Lê Thị Hường (46 tuổi, ở xã Liên Phương, Thường Tín, Hà Nội) và chị Trần Thị Nga (36 tuổi, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Các nạn nhân bị thương là bà Nguyễn Thị Tiêu (64 tuổi, ở khu tập thể 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm); Tạo Thị Hiện (50 tuổi, xã Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội); Vũ Thị Thúy Hằng (37 tuổi, ở Khu tập thể 107 Trần Hưng Đạo); Nguyễn Văn Nức (44 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội); Trần Thị Nga (60 tuổi, ở khu tập thể 107 Trần Hưng Đạo); Nguyễn Thị Huyền (27 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội).
Đại tá Nguyễn Văn Quyền cho biết, ngôi nhà xảy ra sự cố được xây dựng từ năm 1905, đã qua sửa chữa, tu tạo vào những năm 1990. Ngôi nhà có diện tích mặt bằng 1.164 m2, gồm 3 khối, khối thứ 2 có diện tích khoảng 300 m2 đổ sập sang hai bên lối đi của tòa nhà.
Một nạn nhân được cấp cứu tại bệnh viện. |
“Kết quả điều tra ban đầu vụ sập nhà là do tòa nhà sử dụng nhiều năm (110 năm) đã xuống cấp và thời tiết liên tục mưa trong những ngày qua dẫn đến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần” - Đại tá Quyền cho hay.
Cũng theo vị Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, hiện vụ việc đã được Giám đốc Công an Hà Nội Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc điều tra làm rõ.
Cũng trong chiều 22/9, Quận ủy Hoàn Kiếm cũng có báo cáo về vụ sập ngôi nhà cổ số 107, phố Trần Hưng Đạo.
Theo đó, khối bị sập được xây kiểu hình mái vòm, diện tích khoảng 300m2. Hai bên hội trường có hành lang lửng bố trí nơi làm việc cho cán bộ, nhân viên. Giáp hai bên của ngôi nhà là lối đi liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán.
Thời gian sập nhà diễn ra vào buổi trưa, trước khi sập đổ có rung lắc nên Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 đã kịp thời sơ tán toàn bộ cán bộ công nhân viên.
Sau khi nhận tin sập nhà, Quận ủy Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tập trung ứng cứu, tìm kiếm người gặp nạn. Quận ủy Hoàn Kiếm cũng tổ chức thăm hỏi động viên các nạn nhân gặp nạn. Đồng thời hỗ trợ các nạn nhân bị thương mỗi người 1.5 triệu đồng, người chết là 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó cũng tổ chức sơ tán các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi ở tạm thời.
Thứ trưởng Bộ Xây Dựng nói về nguyên nhân sập nhà cổ ở Hà Nội |
Thiên Minh - Xuân Hinh