Cần hiểu thế nào về 'xóa án tích'?
Trường hợp của hai em Bùi Kiều Nhi ở Quảng Bình và Nguyễn Đức Ngà ở Nghệ An không được nhận vào học trường thuộc ngành công an vì phụ huynh của các em từng có án tích. Nhiều ý kiến cho rằng nếu phụ huynh của các em đã làm thủ tục “xóa án tích” thì sẽ không gặp phải những sự cố đáng tiếc như vừa qua…
Vậy việc “xóa án tích” được hiểu như thế nào? PetroTimes có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Xuân Cường – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về vấn đề này:
Qua thông tin trên báo chí phản ánh thì được biết cả hai trường hợp nêu trên đều có bố đã từng can án. Trong đó, bố của em Bùi Kiều Nhi từng bị kết án về tội “chống người thi hành công vụ” vào năm 1992. Còn bố của em Nguyễn Đưc Ngà bị kết án về tội “Cố ý gây thương tích”.
Thời gian bị kết án cũng đã hơn 20 năm và bố của hai em này cũng đã chấp hành xong hình phạt. Sau khi chấp hành xong bản án, bố của hai em này thuộc trường hợp được đương nhiên xóa án tích.
Việc xóa án tích được theo quy định tại Điều 64 Bộ luật hình sự như sau: “Những người sau đây đương nhiên được xoá án tích: 1. Người được miễn hình phạt. 2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây: a) Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; b) Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm; c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm; d) Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm”.
Chấp hành xong bản án được định nghĩa tại khoản 3 Điều 67 Bộ luật hình sự như sau: “Việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án”.
Với các dữ liệu mà báo chí cung cấp thì chưa thể khẳng định được phụ huynh của cả hai em này đã chấp hành xong bản án hay chưa mà chỉ có thể khẳng định cả hai trường hợp trên đã chấp hành xong hình phạt chính của bản án.
Trong trường hợp, nếu phụ huynh của hai em đã chấp hành xong toàn bộ bản án và thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích thì cả hai vẫn cần phải thực hiện thủ tục xóa án tích tại Tòa án đã xét xử sơ thẩm.
Pháp luật quy định về thủ tục này với mục đích để nhằm xác minh lại một lần nữa điều kiện được xóa án tích của những người đã can án, cụ thể hóa việc đã xóa án tích của người từng can án bằng một văn bản, đồng thời có thông tin chính xácbổ sung vào hệ thống dữ liệu thông tin của các cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Luật sư Đặng Xuân Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội. |
Tuy nhiên, rất đáng tiếc cả hai trường hợp này lại chưa làm thủ tục xóa án tích theo quy định của pháp luật khiến cho các con mình khi dự thi vào các trường thuộc ngành công an gặp một số vướng mắc.
Theo Luật sư Đặng Xuân Cường thì: Mỗi ngành nghề có một đặc thù riêng nên cần có những quy định riêng (miễn không trái được trái với quy định của pháp luật). Do ngành công an là một ngành có đặc thù riêng, do vậy khi các em dự thi vào ngành này thì bản thân các em và gia đình cần phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng.
Để xảy ra những sự việc đối với em Bùi Kiều Nhi và em Nguyễn Đức Ngà thì vấn đề ở đây không phải là do quy định của ngành công an khắt khe mà vấn đề nằm ở chỗ các em và gia đình đã không có sự hiểu biết về vấn đề xóa án tích, cũng như không có sự tìm hiểu kỹ về điều kiện dự thi cũng như điều kiện vào học trong ngành công an.
Vì vậy tôi cho rằng ý kiến nói rằng nếu phụ huynh của các em đã làm thủ tục “xóa án tích” thì sẽ không gây phiền phức trong quá trình nhập học của con em mình như đã thấy là đúng.
Thực tế việc “xóa án tích” hiện tại vẫn chưa được nhiều người quan tâm. Đa phần đều hiểu đơn giản cho rằng thi hành án là xong chứ không quan tâm đến việc xóa án tích.
Trước thực trạng này Luật sư Đặng Xuân Cường cho rằng: Đúng là có nhiều người đã từng can án, mặc dù đã chấp hành xong bản án nhưng lại không làm thủ tục xóa án tích tại cơ quan có thẩm quyền.
Theo Luật sư Đặng Xuân Cường thì: Điều này xuất phát từ cả vấn đề nhận thức chưa đúng lẫn sự hiểu biết pháp luật hạn chế. Mặc dù pháp luật không có quy định buộc người đã chấp hành xong bản án hình sự phải tới cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa án tích.
Tuy nhiên việc làm thủ tục xóa án tích sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người đã chấp hành xong bản án.
Lợi ích có thể thấy rõ nhất đó là trong trường hợp xấu, khi một người đã chấp hành xong bản án, và không may họ phạm một tội mới, nếu trước đó họ đã làm thủ tục xóa án tích thì họ không bị coi là tái phạm. Khi đó họ sẽ chỉ bị coi như lần đầu phạm tội (đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người can án).
Hai em Nguyễn Đức Ngà và Bùi Kiều Nhi đều đã được Bộ Công an "đặc cách" vào học tại trường khối Công an |
Ngoài ra thì đối với những ngành có quy định về tiêu chuẩn chính trị của gia đình thì người thân trong gia định của người từng can án đã làm thủ tục xóa án tích thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều này.
Trong hoạt động xét xử, thông tin chính xác về việc một người đã được xóa án tích hay chưa sẽ giúp cho việc áp dụng hình phạt, mức hình phạt của HĐXX được khách quan, chính xác.
Đối với các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý thông tin, cung cấp thông tin của công dân sẽ có được các thông tin chính xác trong kho dữ liệu để tránh làm ảnh hưởng tới quyền lợi của những người này.
Theo đó, người từng có án tích có thể thực hiện quy trình xóa án tích như sau:
Về thủ tục xóa án tích:
Để được xóa án tích thì người đã chấp hành xong bản án phải làm một bộ hồ sơ gửi tới cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận xóa án tích hoặc ra quyết định xóa án tích.
Hồ sơ xóa án tích gồm:
Khi người bị kết án đương nhiên xóa án tích, nếu cần cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì làm đơn (theo mẫu), kèm các tài liệu như giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thụ hình án cấp; giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt; giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an quận, huyện nơi người bị kết án thường trú cấp (theo mẫu quy định của ngành Công an), bản sao hộ khẩu; bản sao chứng minh nhân dân.
Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt, ngoài các lọai tài liệu như trên, phải có văn bản đề nghị của chính quyền, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án thường trú, công tác.
Thẩm quyền xét đơn xin xóa án tích:
- Tòa án đã xét xử sơ thẩm là Tòa án có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận xóa án tích, hoặc ra Quyết định xóa án tích.
- Người xin xóa án tích nộp hồ sơ xin xóa án tích tại Tòa án đã xét xử sơ thẩm (có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường Bưu điện).
- Người xin xóa án tích không phải nộp bất cứ khoản tiền lệ phí Tòa án nào (trừ trường hợp xin sao quyết định xóa án tích hoặc giấy chứng nhận xóa án tích).
Huyền Anh