Nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt (tiếp theo và hết)
Bạn đọc: Sau bài “Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE” của ông An Chi trên Báo Năng lượng Mới số 454, rồi số 455, ông Nguyễn Đại Cồ Việt đã phản hồi với 4 điểm xác nhận và 2 điểm về ý kiến riêng. Xin ông An Chi cho nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt? Xin cảm ơn. Bảy Quán Cóc (Bà Chiểu, TP HCM)
Nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt
Bạn đọc: Sau bài “Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE” của ông An Chi trên Báo Năng lượng Mới số 454, rồi số 455, ông Nguyễn Đại Cồ Việt đã phản hồi với 4 điểm xác nhận và 2 điểm về ý kiến riêng. Xin ông An Chi cho nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt? Xin cảm ơn. Bảy Quán Cóc (Bà Chiểu, TP HCM) |
Điểm thứ ba mà ông Nguyễn Đại Cồ Việt xác nhận là: “Từ điển VBL gọi Trung Quốc là “Ngô” hoặc “Đại Minh”. Từ điển có mục từ: Ngô, nước Ngô, trong mục này có ghi “thàng ngô” (= thằng Ngô). Mục từ Minh, Sáng, có ghi “Đại minh” và phần giải thích bằng chữ latin được dịch sang tiếng Việt là: “đó là tên mà người Trung Hoa dùng để đề cao chính họ và vương quốc của họ”.
Về điểm này thì trên Năng lượng Mới số 454, chúng tôi đã viết: “Tại mục “tàu, mực tàu” ở cột 728, sở dĩ VBL “không nói đến Tàu (nước Tàu)” thì đơn giản chỉ là vì nó thiên về công dụng của thứ mực đó (dùng để kẻ đường thẳng trên gỗ). Còn Béhaine/Taberd thì thiên về xuất xứ nên mới dịch thành “atramentum sinicum”, nghĩa là “mực (của nước) Tàu” […] Chỉ cần thông minh một chút, người ta đã phải hỏi: Nếu “tàu” trong “mực tàu” của VBL không chỉ “nước Tàu” thì nó chỉ “cái gì” vì cũng chính nó tại danh ngữ đó trong Béhaine/Taberd thì lại chỉ nước Tàu? Ông Thông cứ đưa hai định nghĩa đó ra mà đố học trò tiểu học thì họ sẽ đủ thông minh để trả lời rằng “tàu” của VBL và “tàu” của Béhaine/Taberd thực tế chỉ là một. Mà “tàu” trong “mực tàu” của Béhaine/Taberd đã là “nước Tàu” thì “tàu” trong “mực tàu” của VBL đương nhiên cũng chỉ có thể là “nước Tàu” mà thôi”.
Có lẽ ông Nguyễn Đại Cồ Việt cũng nên thử nghiệm điều mà chúng tôi đã đề nghị với ông Nguyễn Cung Thông chăng? Bây giờ xin nói đến hai ý kiến riêng của ông Việt. Trước nhất, xin nói về ý kiến thứ hai. Ông viết: “Về chuyện “mực tàu”, tra từ “mực” sẽ thấy: thoi mực: cục mưc miếng mực, thỏi mực, thông dụng nơi người Trung Hoa (bản dịch). Ở Việt Nam hồi đó không có thứ mực nào có xuất xứ khác, nên tôi cho rằng khi gắn thêm định ngữ “tàu” cho mực, thì không phải nhằm phân biệt xuất xứ thứ mực ấy với thứ mực có xuất xứ khác. Rất có thể để phân biệt công dụng của thứ mực ấy: dùng để viết chữ, hay dùng để kẻ lên gỗ. Nếu dùng để phân biệt xuất xứ, sẽ dùng “mực Ngô”. Đây là giả định”.
Vì vẫn kiên trì phủ nhận khái niệm “Trung Hoa” trong chữ “tàu” của “mực tàu” trước thời Béhaine và Taberd nên ông Việt giả định rằng chữ “tàu” ở đây là định ngữ cho “mực” để phân biệt công dụng của thứ mực ấy: dùng để viết chữ, hay dùng để kẻ lên gỗ. Sự suy luận này hoàn toàn vô căn cứ nên cả hai ông Nguyễn sẽ không bao giờ chỉ ra được nó có nghĩa cụ thể là gì trong điều kiện đó, ngoài cái nghĩa “Trung Hoa”. Huống chi ông Việt cũng đã hoàn toàn sai khi giả định rằng ở Việt Nam hồi đó không có thứ mực nào có xuất xứ khác. Rất sai. Xin mời ông đọc mấy đoạn trích dẫn về mực dùng để làm tranh Đông Hồ (những chỗ in đậm là do AC nhấn mạnh): “Tranh điệp có hơn 100 loại. Một bức tranh có bao nhiêu màu thì phải in bấy nhiêu lần. Khô màu này mới in tiếp màu khác. Tranh bộ 16 loại. In hai lần. Lần một in mực than lá tre. Đợi khô vẽ thêm thủy mặc bằng mực tàu” (“Chơi tranh và sống bằng tranh”, dapcauglass.com.vn).
Rõ ràng là cùng một màu đen nhưng mực than lá tre lại khác với mực tàu và dĩ nhiên là còn những thứ mực khác cho những màu khác nữa. Xin mời ông Việt đọc tiếp: “Phải có một số thợ thủ công chuyên nghiệp làm mực vẽ và giấy từ nguyên liệu thiên nhiên quanh vùng cũng như việc làm khuôn và in tranh” (“Lịch sử tranh Đông Hồ”, donghotranh.com).
Mực vẽ ở đây hiển nhiên là mực sản xuất tại chỗ chứ không phải nhập từ bên Tàu cho nên chữ “tàu” trong mực tàu cũng hiển nhiên là dùng để chỉ xuất xứ. Ta lại đọc tiếp: “Bản khắc gỗ phải làm bằng gỗ cây thị thì mới cho ra những bản tranh sắc nét và màu mực mới tươi thắm được” (“Dung dị làng tranh Đông Hồ”, baotangnhanhoc.org).
Dĩ nhiên là màu mực ở đây cũng không chỉ có màu đen của mực tàu mà thôi. Cứ như trên thì hiển nhiên là chữ “Tàu” trong “mực tàu” được dùng để chỉ thứ mực vốn có xuất xứ từ bên Tàu để phân biệt với các thứ mực “tự chế” ở trong nước. Nghĩa là từ lâu, các gia đình có nghề làm tranh và những người thợ thủ công ở Đông Hồ đã biết đến mực Tàu là một thứ mực xuất xứ từ Trung Hoa chứ đâu có cần đến từ điển của Pigneaux de Béhaine (1772-73) hoặc của Taberd (1838) mới có mực Tàu mà xài. Ông Việt lại còn giả định rằng vào thời đó (thời của Từ điển Việt Bồ La), nếu ta đã có thứ mực xuất xứ từ Trung Hoa thì nó sẽ được gọi là “mực Ngô”. Chúng tôi xin thưa rằng, khi dân ta bắt đầu gọi “Tàu” là “Ngô” (sau năm 1427) thì mực Tàu đã tồn tại từ lẩu từ lâu nên cái tên “mực Ngô” sẽ vĩnh viễn nằm trong thế giả định của ông Việt chứ không bao giờ có thể trở thành hiện thực được. Cái thứ “mực Ngô” đó, dân Đông Hồ đã xài tự bao giờ với cái tên mực tàu rồi, để phân biệt với mực than lá tre sản xuất tại chỗ. Ta nên nhớ rằng tranh Đông Hồ đã có từ thế kỷ XVI.
Còn về ý kiến thứ nhất của mình thì ông Việt viết: “Chưa có chứng cứ về mặt ngôn ngữ xác nhận rằng, vào thế kỷ XVII, hoặc sớm hơn, người Việt gọi người Trung Quốc là “Tàu” - với nghĩa kính trọng hoặc khinh rẻ. Từ được sử dụng thường xuyên ở thời điểm này là: Ngô, người Ngô, nước Ngô, thằng Ngô. Các giống cây du nhập vào Việt Nam qua ngả TQ vào thời điểm này cũng được gắn với danh từ “ngô”, ví dụ cây ngô (= cây bắp), bí ngô.
“Vì thế, trước khi có chứng cứ xác thực, có thể giả định, cách gọi Tàu hoặc Khách để chỉ người TQ là những cách gọi xuất hiện muộn hơn thời điểm TK XVII”.
Phải nói rằng ý kiến trên đây của ông Nguyễn Đại Cồ Việt không khách quan chút nào khi ông vẫn mặc nhiên cho rằng chỉ có chữ “tàu” trong “mực tàu” ở từ điển của Béhaine (1772-73), rồi từ điển của Taberd (1838) mới chỉ “(nước/người) Trung Hoa” chứ chữ ‘tàu” trong “mực tàu” ở Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa và ở Từ điển Việt Bồ La (1651) thì không. Đây là một loại ý kiến cực kỳ kỳ lạ. Vậy xin hỏi ông Nguyễn Cung Thông và ông Nguyễn Đại Cồ Việt chứ cái chữ “tàu” đó trong hai công trình trên có nghĩa là gì. Là gì, thưa hai ông? Còn với chúng tôi thì nó vẫn cứ có nghĩa là “Trung Hoa”, như đã gút lại trên Năng lượng Mới số 454 và số 456:
“Nếu quả thật người Minh Hương được gọi bằng tên của cái phương tiện mà họ đã dùng để đến đất Nam Bộ hồi gần cuối thế kỷ XVII thì họ sẽ phải được gọi là người “Ghe” chứ đâu có phải là người “Tàu”.
Lần này, xin mượn ý kiến của bạn Phạm Toàn trên Facebook để gút thêm một lần nữa: “Quê nội tôi ở Phú Quốc, cha tôi làm thầy giáo, được bổ nhiệm dạy ở Châu Đốc. Ông bà nội tôi từ Phú Quốc vào Châu Đốc thăm con bằng ghe buồm. Năm tôi khoảng 5-6 tuổi (1956), bà tôi vào Châu Đốc lần đầu tiên bằng ghe máy. Bà nói: - Bận này bà đi ghe máy nhanh lắm con, chưa hết một ngày một đêm là vô tới Hà Tiên...
“Khi có máy móc thay cho cánh buồm thì người ta vẫn gọi là ghe máy chứ không gọi là tàu. Tây đến, xuất hiện từ “tàu Tây” để chỉ ghe đóng bằng sắt của Tây. Ngày nay vùng Phú Quốc vẫn gọi là ghe đánh cá dù so với xưa thì ghe bây giờ rất to. Riêng ghe đánh cá của Thái Lan bằng sắt thì gọi là tàu đánh cá Thái Lan.
“Trở lại, người Minh Hương hồi xa xưa ấy chắc chắn đến nước ta bằng ghe buồm (gỗ) chứ làm gì có tàu sắt chạy phành phạch mà lướt sóng Biển Đông để bị gọi là “người Tàu”.
Với những lời của bạn Phạm Toàn, chúng tôi xin kết thúc bài nhận xét của mình về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt.