Xuất hiện ca sốt xuất huyết gây biến chứng não
Theo thông tin từ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã xuất hiện bệnh nhân bị sốt xuất huyết (SXH) gây biến chứng viêm não, màng não nặng đầu tiên.
Cục trưởng Y tế Dự phòng: Hóa chất diệt muỗi không ảnh hưởng sức khỏe | |
Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết tăng nhanh | |
Bộ Y tế: Không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà |
Đây là bệnh nhân nam, 23 tuổi trú tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, đang được điều trị tại BV Bạch Mai.
Theo người nhà bệnh nhân kể lại, sau khi sốt, đau đầu đến ngày 2-9, bệnh nhân được gia đình đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu và được bác sĩ chẩn đoán ban đầu là sốt xuất huyết nhưng cho điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, sau khi về nhà bệnh nhân vẫn tiếp tục sốt và đau đầu nên ngày hôm sau, gia đình lại đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Đống Đa khám, chữa bệnh. Điều trị tại đây 2 ngày, bệnh nhân giảm sốt nhưng vẫn mệt đến mức không ăn uống được.
Diệt bọ gậy để phòng dịch sốt xuất huyết |
Chính vì vậy, ngày 5/9, gia đình xin cho bệnh nhân ra viện và đưa đến Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai cấp cứu. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân lên cơn co giật, mất ý thức nên được bác sĩ chỉ định chọc dịch não tủy.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm não - màng não do SXH thể Dengue gây ra. “Đây là trường hợp đầu tiên bị biến chứng như vậy”, các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân khẳng định. TS.Đỗ Duy Cường, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, còn nói rõ: “Số ca bệnh mắc SXH ở Hà Nội phải nhập viện gần đây gia tăng, tuy nhiên biến chứng gây viêm não - màng não như bệnh nhân nói trên là trường hợp rất hiếm gặp.
Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng nặng, co giật, rối loạn ý thức và phải thở oxy, nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên chỉ sau 2 ngày được điều trị đúng hướng, bệnh nhân đã hồi tỉnh và qua cơn nguy kịch”.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thủ đô đang diễn ra phức tạp với số ca SXH ngày càng tăng nhanh. Đến nay đã có hơn 1.500 ca mắc - cao hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng lo ngại là 29/30 quận, huyện đều đã có ổ dịch, hiện nay chỉ có duy nhất huyện Phúc Thọ chưa ghi nhận ca bệnh SXH nào.
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, SXH rất dễ nhầm lẫn với bệnh sốt cảm cúm, vì vậy, khi sốt phải đến cơ sở y tế ngay để xét nghiệm xác định rõ sốt do nguyên nhân gì. Thứ hai, khi sốt chỉ nên uống Paracetamol để hạ sốt và bắt buộc phải điều trị tại bệnh viện, không được tự ý điều trị tại nhà dễ dẫn đến biến chứng khôn lường như chảy máu nội tạng, trụy mạch, sốc…
Những triệu chứng của SXH mà theo PGS.TS Trần Đắc Phu cần nắm rõ là: Sốt cao 39-40oC liên tục trong 3-4 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhãn cầu, người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn, có thể nổi hạch. Xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Đối với phụ nữ có thể xuất hiện kinh sớm. Sốc: Mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, đi cầu ra máu.
Khi sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường thấy từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, có lúc trẻ đang sốt cao có thể chuyển sang hết sốt, nhiều khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết.
Để phòng chống dịch SXH, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định giải pháp duy nhất hữu hiệu là phải diệt bọ gậy, không cho sinh sản thành muỗi vằn, loại côn trùng truyền bệnh suy nhất. Cùng với đó là vệ sinh môi trường sạch sẽ - không để đọng nước ở bất kỳ vật dụng nào, thả cá vào chum, bể nước… Khi ngủ phải mắc màn, mặc áo dài tay…
Tú Anh