Theo giá xăng, cước vận tải giảm bao nhiêu là hợp lý?
(Petrotimes) - Các chuyên gia cho rằng, cước vận tải giảm chậm và chưa hợp lý với mức giảm giá xăng dầu trong thời gian qua.
Phát biểu tại tọa đàm “giá cước vận tải và quyền lợi người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tại TP HCM ngày 8-9, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam nhận định: xăng dầu là yếu tố đầu vào cơ bản của cước vận tải. Chi phí xăng chiếm khoảng 25 – 35% trong giá thành cước vận tải ô tô. Chi phí dầu diesel chiếm khoảng 35 - 45% trong giá thành vận tải. Tuy nhiên, có thể thấy bất cập diễn ra nhiều năm qua là khi xăng dầu giảm giá thì các doanh nghiệp không giảm giá cước kịp thời, thậm chí viện dẫn nhiều lý do để không giảm giá.
Nếu so với mức giá trước ngày 4-7-2015 thì đến nay xăng đã giảm 16,3%, dầu giảm 17,21%. Đồng thời, các chi phí khác như: khấu hao, tiền lương… hầu như không biến động. Như vậy, giá cước vận tải sẽ giảm được.
Giá cước vận tải được đánh giá giảm chưa hợp lý với mức giảm giá xăng dầu |
Ở Hà Nội nếu cước taxi khoảng 11.000 – 12.000/km thì sẽ giảm được khoảng 448 – 685 đồng/km. TP HCM, nếu giá cước taxi khoảng 14.500 – 15.500 đồng/km thì sẽ giảm được 591 – 884 đồng/km. Với xe vận tải hành khách chạy bằng dầu thì tuyến đường khoảng 150 km với giá vé khoảng 82.500 đồng/vé, có thể giảm được 4.900 – 6.300 đồng/km.
Trên thực tế, giá cước taxi ở Việt Nam hiện đang cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Cụ thể, giá cước taxi trung bình ở Bangkok (Thái Lan) khoảng 3.800 đồng/km; ở Manila (Philippines): 5.700 đồng/km; Jakarta (Indonesia): 6.300 đồng/km và thậm chí ở một trong những thành phố đắt đỏ như Singapore thì giá cước taxi cũng chỉ 8.700 đồng/km. Như vậy, cước taxi của nước ta cao hơn từ 30 – 70% so với các nước trong khu vực. Đây cũng là điều cho thấy ngành vận tải nước ta có khả năng giảm giá cước so với hiện nay.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, để giải quyết những bất cập về giá cước vận tải thời gian qua, cơ quan Nhà nước đã vào cuộc khá quyết liệt. Nhưng qua hiện tượng lặp đi, lặp lại trong câu chuyện giá xăng – giá cước cho thấy người tiêu dùng vẫn là đối tượng bị thiệt hại và chưa được bảo vệ một cách hiệu quả. Không loại trừ khả năng bắt tay làm giá giữa các nhà kinh doanh.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhận định: Doanh nghiệp vận tải không giảm giá kịp thời theo giá xăng dầu là không thực hiện đúng yêu cầu của cơ chế thị trường và quy định của Luật giá. Sự không tuân thủ này chính là hành vi của các doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh không hoàn hảo với sự dẫn dắt của những doanh nghiệp lãnh đạo, chiếm thị phần lớn trên thị trường. Như tại TP HCM, taxi Vinasun chiếm 45%, Mai Linh chiếm 25%, các doanh nghiệp khác chiếm 30% thị phần.
Để khắc phục tình trạng chây ỳ của doanh nghiệp vận tải, các chuyên gia khuyến cáo cần xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu kê khai lại giá theo yêu cầu của các cơ quan, ban ngành. Các cơ quan Trung ương và Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Cục thuế… ở các địa phương cần tăng cường thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá của doanh nghiệp, xử phạt hành chính buộc nộp vào ngân sách số tiền thu lợi do việc lợi dụng cơ chế thị trường để định giá bất hợp lý của doanh nghiệp; Khuyến khích các loại hình dịch vụ mới tham gia thị trường nhằm mang lại một thị trường hoàn hảo và hiệu quả hơn; Công khai những doanh nghiệp có hành vi vi phạm về giá để hỗ trợ người tiêu dùng lựa chọn các doanh nghiệp phục vụ tốt nhất cho lợi ích của mình.
Mai Phương