Cái giá phải trả của ông Đỗ Hùng
Sự kiện Đỗ Hùng (Đỗ Văn Hùng) - nguyên Phó tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh niên điện tử bị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thu hồi thẻ nhà báo và bị cơ quan chủ quản cách chức ngày 4/9 đã gây xôn xao dư luận, nhất là với những người quan tâm đến nhân vật có vẻ rất thích “đốt đền” để nổi danh này trong hai năm gần đây.
Hội Nhà báo Bình Phước lập chứng từ khống để "rút ruột" ngân sách Ngày 30/10, tin từ UBND tỉnh Bình Phước, Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước đã hoàn thành việc “trả lại tiền” do chi sai và lập chứng từ khống để mua tài sản, trang thiết bị tại Hội Nhà báo tỉnh. |
Nhiều người cho rằng, hình thức xử lý đó là xác đáng, là luật pháp đã được thực thi”, gieo gió gặt bão, “bài học cho kẻ ngông cuồng”. Thậm chí có người còn cho rằng, Hùng đã bị “quả báo” khi đụng chạm đến những biểu tượng thiêng liêng của dân tộc như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có nhiều ý kiến đánh giá cao sự xử lý kịp thời, kiên quyết của Bộ TT&TT nhưng cũng có ý kiến thẳng thắn nói: “Đến bây giờ mới xử lý Đỗ Hùng là quá muộn. Đúng ra, Đỗ Hùng phải bị xử lý và thu hồi thẻ nhà báo từ loạt hành vi xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều tướng lĩnh trong dịp lễ tang Đại tướng!”.
Vậy Đỗ Hùng có vi phạm pháp luật không? Việc xử lý của Bộ TT&TT là nặng hay nhẹ?
Trước hết, để làm rõ những vấn đề trên, cần khẳng định, Đỗ Hùng đã có nhiều lần sử dụng blog và mạng xã hội đăng tải những bài viết có nội dung sai trái, gây bức xúc trong cộng đồng suốt 2 năm qua. Xin điểm lại một số vụ việc như sau:
1. Bài “Cờ vàng, cờ đỏ” trên blog anh ta viết: “…đối với vấn đề Biển Đông, Hà Nội cần công khai thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền Sài Gòn thời trước 1975, qua đó thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp của chính quyền Sài Gòn đối với Hoàng Sa và Trường Sa…”. Trong bài viết này, với cách nhìn lộn ngược, Đỗ Hùng đã phủ nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc; tuyên truyền quan điểm sai trái, không đúng với đường lối đối ngoại cũng như chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề Biển Đông; gây hại cho cộng đồng và cho quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
2. Bài “Chán như con gián” đăng trên blog cá nhân, Đỗ Hùng đã cố ý suy diễn, bịa đặt, xuyên tạc chế độ dân chủ XHCN khi viết: “Trong một nghị viện dân chủ thực sự, thật khó mà có một tỉ lệ phiếu 100% thuận, hoặc 100% chống. Trong khi đó, cái tỉ lệ này từng là một điều gì đó rất quen thuộc ở Việt Nam…”.
3. Đỗ Hùng tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngay từ những ngày đầu dù lẽ ra với vai trò là một nhà báo của một cơ quan ngôn luận, hơn ai hết, anh ta phải biết rõ sự thật của những đám “biểu tình” đó là ai, có yêu nước thật không. Chính quyền phải bỏ rất nhiều công sức ra thuyết phục, vận động học sinh, sinh viên về vấn đề này, trong khi đó đại diện cơ quan ngôn luận của giới Thanh niên lại làm ngược lại! Là Phó tổng thư ký báo Thanh niên nhưng Hùng thường xuyên cổ vũ cho những hành vi đội lốt yêu nước đó với nhiều bài viết về thời "xuống đường" như: “Về lòng tin vào con người”, “Về tấm hình lịch sử”.
4. Đỗ Hùng vừa thể hiện sự xuống cấp đạo đức và văn hóa vừa vi phạm pháp luật trong những bài viết trong dịp lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh khác. Không chỉ lộng ngôn, láo lếu xúc phạm vong linh Đại tướng trong lúc hàng chục triệu người Việt Nam thương tiếc, kính trọng Đại tướng thì Đỗ Hùng lại đăng tải trên facebook những bài như: “Cợt nhả chuyện rùa Hồ Gươm nổi lên để tiễn biệt Đại tướng hay để đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường”; tùy tiện suy diễn việc Đại tướng an nghỉ ở Vũng Chùa như “Bộ Chính trị tha cho ông”, “lúc còn sống Đại tướng đã quá khổ sở với thân phận là bảo vật quốc gia”, “anh Phúc ok thì Đại tướng mới được toại nguyện”… Bậy bạ hơn, không chỉ xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong một bài viết đăng ngày 10/10/2013 trên facebook, Hùng nói : “Hãy tiết kiệm nước mắt và cảm xúc bởi chúng ta còn 7 đại tướng nữa: 2 ông Anh, 01 ông Trà, 01 ông Quyết, 01 ông Dũng, 01 ông Thanh, 01 ông Quang…”. Những dòng này không chỉ xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân các tướng lĩnh mà còn xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của người dân đất Việt dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
5. Cuối cùng, đỉnh điểm của sự ngạo mạn là các status Hùng viết trên facebook dịp 2/9/2015 vừa qua mà có lẽ không cần nhắc lại thêm để làm rác tai bạn đọc. Vẫn với sự cợt nhả liên quan đến một câu được nhiều người nhắc đến trong lễ tang Đại tướng “Chào đồng bào tôi đi”, Hùng treo trên facebook của mình kèm bài “Quốc khánh” với sự giễu cợt, đả kích, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cả ý nghĩa thiêng liêng của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9. Dù chỉ để trên facebook một thời gian ngắn và “phi tang” gỡ bỏ, nhưng bài viết của Hùng đã gây dậy sóng trong cộng đồng mạng. Không chỉ các cựu chiến binh mà nhiều bạn trẻ, nhiều thanh niên đã lên tiếng phản đối, gửi tâm thư yêu cầu các cơ quan quản lý của Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT phải xem xét, xử lý hành vi sai trái của Đỗ Hùng.
5 bài viết nêu trên mới chỉ là một phần nhỏ trong những hành vi sai trái, những nội dung xấu mà Hùng phát tán trên Internet. Không khó để hiểu Hùng là ai, nếu bạn gõ google, sẽ thấy ngay hàng loạt bài viết của cộng đồng lên án Hùng suốt hai năm qua với các tiêu đề như: Đỗ Hùng mượn Báo Thanh niên "vực dậy thây ma" , Đỗ Hùng (Báo Thanh niên) mất dạy với Tổ quốc “Cần xem xét tư cách nhà báo của ông Phó tổng thư ký báo Thanh niên” , “Mr Đỗ - ngôi sao rận chủ”…
Đỗ Hùng đã vi phạm cả Luật Báo chí, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam - Hội nhà báo Việt Nam ban hành. Khoản 2, Điều 15, Luật Báo chí về. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo có quy định rõ: “Nhà báo có những nghĩa vụ sau đây:
a) Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân;
b) Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;
c) Thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ báo chí; không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật…”.
Một nhà báo mà không thực hiện nghĩa vụ nhà báo thì chắc chắn không xứng đáng đứng trong hàng ngũ.
Đứng ở góc độ người sử dụng mạng xã hội, Đỗ Hùng đã vi phạm Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ các hành vi bị cấm trong sử dụng Internet và mạng xã hội.
Quá mù ra mưa, Hùng đã trượt dài trên vũng bùn chữ nghĩa đen tối. Lẽ ra, nếu các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ TT&TT và Báo Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xử lý chặt chẽ, nghiêm túc, kịp thời hơn thì Hùng đã phải bị xử lý nghiêm khắc từ trước đó, chứ không phải đến ngày “Quốc khánh” năm nay.
Thuần phong mỹ tục của dân tộc không cho phép giễu cợt phỉ báng người già, người đáng kính trong tang lễ chứ chưa nói đến vị đại tướng khai quốc công thần; cũng không có thuần phong mỹ tục nào cho phép giễu cợt phỉ báng lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc trong ngày quốc khánh… Thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng chưa bao giờ chấp nhận những kẻ lộng ngôn, “đốt đền”, chà đạp lên cả xương máu của cha anh. Cho nên, có thể khẳng định việc cơ quan quản lý xử lý với Hùng như thế là thỏa đáng, thậm chí đã là nhân văn.
Văn Minh