Đối thoại với Thượng tọa Thích Huệ Đăng
Là nhà khoa học đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, thầy Thích Huệ Đăng đã viết rất nhiều cuốn sách Phật pháp, trong đó có truyền dạy những kiến thức cơ bản để con người học hỏi tự hoàn thiện bản thân. Tình cờ, thầy Thích Huệ Đăng đọc được bài báo “Cần ‘tái cấu trúc’ lại con người Việt Nam” trên Báo Năng lượng Mới. Đây cũng là vấn đề mà thầy đã trăn trở, quan tâm từ lâu. Ngay lập tức thầy Thích Huệ Đăng đã đến tòa soạn Báo và có cuộc trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới xung quanh vấn đề này.
PV: Trước hết, xin thay mặt toàn thể cán bộ, phóng viên Báo Năng lượng Mới cảm ơn thầy đã tới thăm. Việc thầy đọc được bài báo “Cần ‘tái cấu trúc’ lại con người” cũng là do Duyên. Vậy theo thầy, nếu bây giờ “tái cấu trúc” con người Việt thì phải gồm những tiêu chí nào?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Có 3 tiêu chí. Đầu tiên là, con người phải có kỹ năng. Thứ hai, phải có sức khỏe và thứ ba là uy tín. Anh thấy đúng không? Nhưng điều đáng nói là làm sao có được ba thứ đấy? Tái cấu trúc một con người nói thì dễ còn làm thì không đơn giản chút nào. Anh đã đặt ra vấn đề nhưng bây giờ làm cách nào để cấu trúc lại đây?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng và Nhà báo Nguyễn Như Phong |
Những điều này, thoạt nghe thì tưởng là mới, nhưng thực ra Đức Thế Tôn dạy từ rất lâu rồi. Phải biết lượng nhập mà xuất, tăng thu giảm chi, tác phong chỉnh tề, nghiêm ngắn, sống thanh khiết. Kinh Thiện Sanh nói: “Trước phải học tập kỹ nghệ. Có kỹ nghệ thì mới được nghề nghiệp. Và được nghề nghiệp thì mới có của cải”. Rồi Kinh Tạp A-Hàm nói: “Trước học nghề kỹ xảo, sau là tích lũy sản vật. Có sản vật đó rồi, phải chia làm 4 phần: Một phần dùng để ăn; hai phần để phát triển nghề nghiệp; phần còn lại giúp đỡ người nghèo khó”.
Về sức khỏe, Đức Thế Tôn khuyến cáo chúng ta là bệnh tật sinh ra do các nguyên nhân: Dùng thức ăn quá hạn; quá nhiều lo lắng, ham muốn; sinh hoạt vô độ và không biết gần gũi Y và Dược…
Những điều Phật dạy thật bình dị, thiết thực và mỗi điều đều là chân lý.
Anh viết bài đó rất hay nhưng tôi thấy anh không có lộ trình, phương hướng…
PV: Nhưng dường như 3 tiêu chí là chưa đủ, ví như các tiêu chuẩn khác như lòng yêu nước… thì sao, thưa thầy?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Tôi hỏi anh, khi anh yêu nước anh có uy tín không? Tôi muốn nói đến cái gốc trước rồi mới đưa ra một lộ trình để cho anh làm. Anh phải là người có uy tín mới được người ta giao trách nhiệm, rồi từ đó anh ứng dụng kỹ năng anh có để làm việc, rồi anh mới thể hiện lòng yêu nước thông qua việc mình làm được. Anh nói yêu nước, vậy làm cách nào chứng minh người đó yêu nước? Tôi nói tôi yêu nước anh tin không? Nếu chỉ nói miệng rằng yêu nước thôi thì làm được gì? Người yêu nước, thì trước hết phải là người làm tốt công việc của mình, để xây dựng đất nước. Mà muốn làm tốt việc mình được giao, thì phải có kỹ năng nghề nghiệp; mà muốn có kỹ năng, thì phải có trí tuệ. Và khi có trí tuệ, có kỹ năng, thì sẽ là người có uy tín.
PV: Nghĩa là nó phải bằng các kết quả công việc cụ thể?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Đúng vậy. Có 3 hạng người: Người nói được mà làm không được; người làm được mà nói không được; và người nói được làm được mới là tạo uy tín chứ. Nãy giờ nói chuyện anh thấy tôi có yêu nước không? Tôi bỏ hết công việc tới đây để mưu cầu cái gì? Tôi mong muốn anh thành công trong việc tuyên truyền hình thành cấu trúc con người Việt Nam mới. Tôi có một lộ trình và ứng dụng riêng để mang ra đưa cho anh không cần điều kiện gì.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng |
PV: Với cương vị là một vị tu hành, đạo cao đức trọng, theo thầy làm thế nào để đưa các tư tưởng tốt đẹp nhất của Phật pháp vào được cuộc sống ngày hôm nay?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Ở Việt Nam mình bao nhiêu phần trăm theo Phật giáo, có phải 60% không, nhưng lại thường theo với hình thức mê tín dị đoan. Nếu còn tình trạng mê tín như thế này, người ta sẽ đi xuống. Là một nhà báo anh có nhiệm vụ đưa điều đó ra công luận. Tôi có một tài liệu về chánh pháp cho người tu hành. Tôi in ra 7 ngàn hộp, mỗi hộp 22 cuốn kinh mang phát cho phía Bắc hết 6 ngàn hộp trong năm nay. Sách tôi viết đều do Nhà xuất bản Tôn giáo duyệt hết. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có cách nào đó để khai mở trí tuệ cho cộng đồng.
Ngay tại trụ sở Trung ương Giáo hội, người ta đốt vàng mã đầy ra. Mấy chùa ở xa thôi không nói đi, mà chùa ngay Trung ương sao để vậy? Vào chùa Quán Sứ xem, thở không nổi? Tại sao anh để dân đốt tiền như vậy? Phật không dạy đốt vàng mã, không bảo người ta phải coi bói, xem ngày tốt xấu… Bây giờ, người ta đã biến Phật thành kẻ đi buôn, kẻ đầu cơ… Là nhà tu hành, tôi rất đau lòng, khi thấy người ta không hiểu gì về Phật giáo và cứ tưởng đốt nhiều vàng mã, cúng lễ thật hậu, chăm chỉ tụng kinh… là đạt được mục đích vật chất.
PV: Vậy theo thầy bây giờ làm thế nào để người dân bớt mê tín?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Trong bộ sách của tôi viết tất cả những kinh điển của Đức Phật. Tất cả là 43 bộ mà bây giờ tôi giảng có 6 tiếng mà ứng dụng luôn được trí tuệ vào cuộc đời này. Cuốn sách này là một hệ thống, đọc sách chúng ta sẽ hiểu rõ về Phật pháp.
Thực tế, hiện nay chúng ta đang bị mắc kẹt, lẫn lộn rất nhiều giữa Phật, Thánh, Thần… giữa Phật giáo, Đạo giáo và Lão giáo. Phật giáo hoàn toàn không có nói đến những tín ngưỡng, Đức Phật chỉ nói sức khỏe và trí tuệ thôi.
Cuộc đời chúng ta sống có 2 mục đích cao cả: Lợi mình và lợi người. Đức Phật có 49 năm mang bát đi xin ăn để làm phương tiện hoằng pháp mang lại lợi ích cho người. Tôi đã nguyện rồi, quá nhiều người Việt Nam hiện đang mê tín và thậm chí mê muội… Nếu làm được gì để người dân bớt mê tín thì thịt nát xương tan tôi cũng chấp nhận.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng trong phòng nuôi cấy mô sâm ngọc linh |
PV: Có một điều rất lạ, rõ ràng Phật pháp là trí tín chứ không phải mê tín nhưng tại sao con người Việt Nam lại lợi dụng giáo lý nhà Phật, biến nơi cửa Phật trở thành nơi buôn thần bán thánh, biến Phật thành người đầu cơ?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Tôi nói về cái tập thể thôi. Từ ngày vua Trần Nhân Tông tới giờ chân lý Phật giáo còn đâu. Giặc Minh đốt hết, đưa Lão giáo, Khổng giáo qua nên đô hộ mình bằng tư tưởng chứ không phải bằng vũ khí. Khi qua Ấn Độ, Nepal, Srilanka tôi nghiên cứu Phật giáo, Ấn Độ còn có 1% thôi mà lại đi về căn bản thôi chứ chưa phải rộng rãi gì. Giờ chỉ có Việt Nam mình thôi, mình mà sửa được thì cả thế giới tôn sùng.
Đức Thế Tôn dạy Phật tử phải trung với nước, hiếu với cha mẹ, thương con cái, tin bạn bè. Làm người phải báo đáp 4 ơn nặng: ơn đất nước, ơn cha mẹ, ơn chúng sinh và cuối cùng là ơn Phật.
Điều này khác biệt với một số tôn giáo là dạy tín đồ chỉ biết ơn và tuân theo Đấng Tối cao.
Đức Thế tôn rất trọng đạo Hiếu. Kinh Thiện Sanh dạy làm người phải phụng thờ cha mẹ: “Một là phụng dưỡng đầy đủ, không để cha mẹ thiếu thốn, hai là làm việc gì phải thưa cha mẹ. Ba là không được phá nghiệp của cha mẹ. Bốn là cha mẹ sai bảo hợp lẽ thì không được cãi…”.
PV: Nhưng có một vấn đề thế này: đạo Phật, giáo lý qua các bộ kinh có thể nói cực kỳ cao siêu, khó hiểu, thưa thầy?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Không cao siêu gì hết. Phật giáo là ứng dụng ngay cuộc sống này. Cái cốt lõi tôi vừa nói đó. Ứng dụng đây có mấy trang giấy thôi. Trí tuệ là Bát Nhã, đức Phật lấy Bát Nhã làm trí tuệ, Ngài ra đi cũng lấy cái Bát Nhã để ra đi. Con người có 8 cái thức nhưng cái thức nào quan trọng nhất để giác ngộ.
Nên nhớ rằng, Đức Phật để lại chân lý chứ không để lại nghi thức.
PV: Đọc các sách của Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, có một cái con thấy rất hay đó là học chết để sống. Người ta cả đời đi học đủ mọi thứ nhưng chẳng ai học chết cả, thưa thầy?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Có chứ. Đại bát niết bàn nói rõ vấn đề cái chết của Đức Phật tôi đã viết rồi. Có sống mà không biết chết là sống vô nghĩa, là chết không có hướng đi. Sống có lộ trình thì chết cũng phải có lộ trình. Đức Phật nói rất nhiều về lộ trình chết, hằng ngày chúng ta phải tập thế nào để chết được tự tại.
Tôi nói với anh 2 câu: Không rời đạo Phật, mà làm cách diệt phàm phu thì chỗ đó yên lặng. Không khởi diệt tận định mà hiện các oai nghi thì chỗ đó mới yên lặng. Anh biết yên lặng là ai không?
Đạo Phật khuyên con người luôn hướng thiện và thực hành nhân ái, mỗi tu sĩ có con đường tu tập riêng để nhập thế. Có người chọn cuộc sống ẩn dật chăm chỉ tụng kinh niệm Phật, còn tôi vừa tu tập vừa kinh doanh, người không hiểu sẽ cho tôi là kẻ “sân si”, đã xuất gia còn ham làm giàu. Tôi là nhà sư, danh tiếng, tiền bạc chỉ là phù du, cả ngày tôi chỉ mặc trên người chiếc áo cà sa, dùng hai bữa cơm chay đạm bạc. Tôi làm việc, kinh doanh để kiếm tiền lo Phật sự, khỏi phải nhận cúng dường của Phật tử, tạo công ăn việc làm cho mọi người và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Tôi đầu tư tiền bạc, công sức với mong muốn duy nhất là bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý cho đất nước. Tôi luôn quan niệm “Lấy tâm làm cha, lấy trí tuệ làm mẹ, lấy cộng đồng làm quyến thuộc”. |
PV: Tĩnh lặng chính là Đức Phật.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Anh biết cái gốc mà không biết cái ngọn. Anh biết cái gốc mà không biết đường vô cái gốc, anh biết cái đảo mà không biết phương tiện vô cái đảo thì sao anh vô?
Lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam có một người dám viết Khai thị luận là tôi mà Giáo hội hoàn toàn ủng hộ.
PV: Vậy có một vấn đề ở Việt Nam hiện nay là rất nhiều người tu nhưng là tu mù?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Tôi nói mấy thằng đui dắt đám mù đi… xuống hố. Anh vừa hỏi tôi nói ngài Đức Phật Thích ca Mâu ni là thái tử con của vua Tịnh Phạn vậy tại sao phải mang bát xin ăn? Đó là duy thức luận. Anh nói duy thức luận hay quá, vậy hay chỗ nào?
Con người ta có 4 cái, tỉnh thức anh chưa tỉnh thức được, tỉnh thức rồi tỉnh giác mới giác ngộ. Anh đang chưa hiểu cái công thức tỉnh thức là như thế nào, rồi tỉnh giác là thế nào, trực giác, giác ngộ là ra sao. Con người hàng ngày mở mắt ra nói chuyện với mọi người phải có 4 cái này. Anh đang nói với tôi ở cỡ nào? Anh đang dùng tỉnh thức hay dùng trực giác?
PV: Thầy học trong bao nhiêu năm? Sang Ấn Độ học từ năm bao nhiêu tuổi?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Đến nay, tôi đã có hơn 50 năm tu hành. Sau nhiều năm tầm sư học đạo ở chùa Long Thiền (Đồng Nai), núi Cấm (Châu Đốc, An Giang), núi La Bá (Đơn Dương, Lâm Đồng)… Năm 1987, tôi lên Đà Lạt, tiếp tục tu tập bằng con đường riêng. Tốt nghiệp khóa Giảng sư Hoằng pháp của Hòa thượng Thiện Hoa năm 1997, hai năm sau, tôi sang Ấn Độ du học và trở thành giảng sư. Đến năm 2001, tôi tiếp tục học tiếp khóa Cao cấp giảng sư.
Tùy duyên mà không bất biến thì cái duy thức luận như vứt đi thôi. Ăn chay mà không hiểu được chân lý Phật giáo giống như bò ăn cỏ vậy. Đọc kinh mà không hiểu thì cũng giống như con két (con vẹt).
Chùa tôi không có cần cúng suốt ngày, không đốt vàng, tiền. Tôi cũng không treo cờ Phật Đản vì ngày nào với tôi cũng là Phật Đản. Phật tại tâm, Đản là ứng dụng, tôi ứng dụng hằng ngày nên không cần Phật Đản.
Tôn giáo có 2 phần, chân lý tôn giáo và nghi thức tôn giáo. Tôi viết được chân lý phật giáo và ứng dụng theo lời Phật dạy. Thay vì hằng ngày mang bát đi xin ăn trong 49 năm, tôi làm doanh nghiệp. Cúng dường 3 đời người tu Phật không bằng cúng dường một người vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng đó. Các anh là hữu sư trí còn người dùng trí tuệ được là vô sư trí.
PV: Theo thầy bây giờ để thoát khỏi Ấn Độ giáo, Trung Hoa giáo thì Phật giáo Việt Nam phải làm gì?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Phật giáo của mình bây giờ đang bị lai căng. 170 tiến sĩ Ấn Độ về toàn là tư tưởng của Ấn Độ giáo. Họ là giáo sư của Ấn Độ giáo có phải của Phật giáo đâu? Tôi đã có ý kiến với Hội Phật giáo nhiều lần rồi. Hội phải lập khóa cao học giảng sư để đào tạo các thầy theo chân lý Phật giáo rồi dạy lại mới được.
PV: Vậy có thể có một tham vọng là xây dựng một nền tảng Phật giáo mang bản sắc Việt Nam không, thưa thầy?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Đúng. Tôi đã viết rồi đấy. Phật giáo có lợi ích gì cho đất nước Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông đánh thắng giặc Mông là nhờ một phần tư tưởng Phật giáo, anh đồng ý không? Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có vận dụng linh hoạt tư tưởng Phật giáo vào tư tưởng của Người.
PV: Vậy, rút gọn lại thì chân lý Phật giáo là gì, thưa thầy?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Phật chỉ cho người ta ứng dụng sức khỏe và trí tuệ vào cuộc sống để hạnh phúc và an lạc. Hạnh phúc có phải niết bàn không? Cuộc sống hằng ngày anh phải có trí tuệ, có sức khỏe mới làm được mọi việc.
Anh nghiên cứu duy thức luận, con người ta có 8 thức phải không? Nhãn, nhĩ, thị, thiệt, thân… Không nói các thức còn lại, tôi nói cái thức thứ sáu là ý thức. Thức thứ sáu mục đích là ứng dụng vào cuộc sống? Nó gọi là vô sư trí, nghĩa là không có thầy dạy tự dưng nó hiện ra. Anh xem ở Việt Nam bây giờ có người nào dạy được cái này không? Tôi ở trong giáo hội gần 40 năm nay rồi, tôi biết nhiều hòa thượng cũng đâu biết cái này. Mục tiêu đặt ra của Pháp hoa là khai thị ngộ nhập Phật tri kiến, Phật là giác, giác là thanh tịnh, tri là tri biết, kiến là thấy. Mình làm sao chỉ cho người ta thấy biết thanh tịnh đó. Nghĩa là ứng dụng cái trí biết bằng thanh tịnh đó, mà thanh tịnh bằng cái gì, chính là cái tâm.
Phật giáo cuối cùng vẫn là “bất khả tri kiến, bất khả luận” (không thể thấy, không thể luận bàn).
PV: Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi cực kỳ hữu ích này.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng (ở chùa Thanh Quang, Đà Lạt) - Ủy viên Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy viên Hội Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Thượng tọa Thích Huệ Đăng (sinh năm 1940) là một tu sĩ Phật giáo nổi tiếng tại Việt Nam. Nhà sư còn được biết đến là một nhà trồng hoa lan nổi tiếng và là một trong những người có công lớn trong việc phát triển nhân bản vô tính giống sâm Ngọc Linh tại Đà Lạt. Năm 1987, Sư lên Đà Lạt lập một tịnh thất nhỏ để tu tập. Với quan niệm người tu sĩ phải tự làm để mà nuôi sống bản thân, Sư đã thể hiện sự quan tâm đối với nghề trồng địa lan khi mà những người trồng lan ở xứ sở này hầu hết đã bỏ nghề vì thị trường xuất khẩu hoa sang Liên Xô và các nước Đông Âu không còn nữa. Nhà sư bắt đầu tìm tòi học hỏi về cách trồng hoa và bắt đầu bán hoa lan để lấy tiền làm Phật sự kể từ năm 1990. Năm 1994, khi tham gia khóa giảng Sư hoằng pháp tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhà sư đồng thời cũng tham dự các khóa học dự thính về phương pháp cấy mô hoa lan tại Trường đại học Nông Lâm TP HCM. Sau khi tốt nghiệp Giảng sư Phật học, nhà sư trở về Đà Lạt thực nghiệm những kiến thức học được. Với kiến thức có được, cùng với kinh nghiệm thực hành, trong một thời gian dài, nhà sư dần hình thành 2 cơ sở nghiên cứu và trồng hoa lan, vừa nghiên cứu bảo tồn các loài lan quý tại Việt Nam, vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều Phật tử quanh vùng. Nhà sư đã thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hoa lan Thanh Quang do chính nhà sư làm giám đốc, từng bước phát triển cả về quy mô lẫn uy tín trên thị trường, xuất khẩu hoa lan ra thị trường thế giới, nhất là Nhật Bản. Bên cạnh việc nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia trồng hoa tiên tiến trên thế giới như Úc, Pháp, Hà Lan..., Nhà sư còn tổ chức Trung tâm Thực nghiệm nhân nuôi tế bào, thành viên Hiệp hội Cấy mô Đà Lạt. Với những kết quả nghiên cứu của mình, cùng với các cộng sự, nhà sư đã thực hiện thành công việc phát triển hồng môn, đặc biệt là việc nhân bản và phát triển giống cây sâm Ngọc Linh ở Đà Lạt, được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ KHCN trao bằng “độc quyền sáng chế” với công trình: “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô”. Hiện tại, ngoài việc là một giảng sư Cao đẳng Phật học, nhà sư còn là Hội phó Hội Hoa lan Đà Lạt, Hội viên Hội Doanh nghiệp Lâm Đồng. Năm 2007, nhà sư được bình chọn là một trong 100 doanh nhân tiêu biểu của cả nước vì những đóng góp không mệt mỏi của mình cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, năm nào thầy cũng xuất bản ít thì một, nhiều thì hai cuốn và tất cả đều là sách nhà Phật như: Luận giảng Kinh Lăng Già (2003), Đại cương Đại Trí Độ Luận (2012), Trước tác Tổng luận Mật Tông (2012)... Thầy còn có cả những công trình và báo cáo khoa học hoặc tham luận đã công bố hoặc trình bày tại các hội thảo, hội nghị lớn như “Xây dựng và Phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước trong thế kỷ XXI” (đề tài cấp nhà nước); tham luận tại hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3 (tại Hà Nội), tham luận tại Giải thưởng Quốc tế Trần Nhân Tông (Hà Nội)... |
Thanh Huyền (ghi)