Một góc nhìn thẳng về hợp pháp hóa mại dâm
"Xã hội phương Đông chúng ta liệu có chấp nhận được cú sốc này? Bạn đồng ý khi bạn đặt mình vào trường hợp người mua dâm nhưng sẽ ra sao khi người thân của bạn đi bán dâm? Hợp pháp hóa mại dâm chỉ làm trầm trọng thêm những vấn nạn của nó..."
Có nên công nhận mại dâm là một nghề? Theo quan điểm của GS Trần Ngọc Thêm, dù muốn dù không mại dâm vẫn tồn tại trong xã hội. |
Trước những tranh cãi nảy lửa của dư luận về đề xuất lập "phố đèn đỏ", trong đó nhiều ý kiến ủng hộ với lý do nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm ở một góc nhìn khác để chứng minh: Hợp pháp hóa mại dâm chỉ làm trầm trọng thêm những vấn nạn của nó...
Hai năm trước, khi được phỏng vấn về việc nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm, tôi có chung suy nghĩ với số đông thời điểm đó, tôi ủng hộ hợp pháp mua bán dâm và cho rằng nên hợp pháp hóa lĩnh vực này.
Tuy nhiên sau khi tham khảo các tài liệu và có nhiều thời gian suy nghĩ hơn... tôi đã thay đổi quan điểm về vấn đề này khoảng nửa năm lại đây.
Tôi định phát biểu nhưng lại sợ đám đông, chợt nhớ đến bài học lớn đầu đời nên tôi xin rút lại quan điểm cũ mặc dù có thể bị ném đá.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). |
Sau đây tôi xin đưa ra quan điểm của một chuyên ra hàng đầu thế giới về lĩnh vực này để mọi người tham khảo:
Tiến sĩ Janice G. Raymond, thuộc Liên minh phòng chống buôn bán phụ nữ quốc tế (CATW), thông qua số liệu thực tế thu thập tại các nước đã hợp pháp hóa mại dâm (Đức, Hà Lan, Úc), cũng như qua phỏng vấn trực tiếp, đã liệt kê 10 thất bại và tác hại của biện pháp hợp thức hóa mại dâm:
1 - Tạo cơ hội cho bọn ma cô buôn người, thúc đẩy buôn bán nô lệ tình dục. Ví dụ Đức, Thái Lan, Hà Lan, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ (đều là những nước có mại dâm công khai) là các điểm đến hàng đầu của tệ nạn buôn người.
2 - Hợp pháp hóa mại dâm không thể giúp kiểm soát được mại dâm mà chỉ khiến nó lan tràn thêm. Tiền thuế mà nhà nước thu được rất ít, mà phần lớn chui vào túi mafia, trong khi chi phí bỏ ra để duy trì hệ thống "phố đèn đỏ" và y tế cho gái bán dâm, cũng như truy quét các loại tội phạm "ăn theo mại dâm" (như ma túy, trộm cướp...) lại rất lớn. Nhà nước thu được 1 đồng thuế thì lại phải chi ra vài đồng vì những tác hại gây ra.
Ảnh minh họa. |
3 - Làm gia tăng "mại dâm chui, gái đứng đường" không giấy phép (do gái bán dâm không muốn phải nộp thuế và bị quản lý), kéo theo đó là bạo lực đường phố và làm giả giấy phép. Rốt cuộc lại tồn tại song hành cả "mại dâm hợp pháp" lẫn "mại dâm bất hợp pháp", việc truy quét vẫn cứ phải tiến hành như trước trong khi việc quản lý càng rắc rối hơn (vì khó có thể xác minh gái mại dâm có hay không có giấy phép hành nghề, giấy phép đó là thật hay giả).
4 - Làm gia tăng nạn mại dâm trẻ em. Không còn sợ bị pháp luật trừng trị, nhiều em bị gia đình bán vào nhà thổ, nhiều em khác sẵn sàng tham gia bán dâm để kiếm tiền tiêu xài khi không được cha mẹ đáp ứng.
5 - Hợp pháp hóa mại dâm không giúp bảo vệ gái mại dâm, họ vẫn bị đối xử tàn nhẫn. Bởi thực tế, các trùm tội phạm mới là kẻ thực sự điều khiển lĩnh vực này. Các quy định bảo vệ mà chính phủ đề ra chỉ là trên giấy, hiếm khi tồn tại trên thực tế.
6 - Làm tăng nhu cầu mại dâm. Việc không còn bị pháp luật chế áp, răn đe khiến cho đàn ông (nhất là thanh niên trẻ) không còn lo sợ và càng có nhu cầu mua dâm ở quy mô rộng lớn hơn nhiều, khiến kỷ cương xã hội rối loạn, làm hư hỏng đạo đức thanh thiếu niên và đe dọa hạnh phúc mỗi gia đình.
7 - Không giúp bảo vệ sức khỏe của phụ nữ. Theo thống kê, phần lớn khách hàng nam giới không tuân thủ quy định về an toàn khi quan hệ, gái mại dâm phải chịu đựng để giữ khách mà không hề có cảnh sát nhắc nhở như chính phủ từng hứa hẹn.
Tranh luận về 'phố đèn đỏ': Đoạn hội thoại đáng suy ngẫm giữa cảnh sát và gái bán dâm “Liệu rằng trước giờ chúng ta cứ hô hào phòng chống mại dâm và các tệ nạn xã hội khác nhưng có thực sự cấm được nó không hay còn làm nó biến tướng dưới nhiều hình thức phức tạp hơn, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội?”, Trung tá Đào Trung Hiếu đặt vấn đề. |
8 - Không tăng cường sự lựa chọn nghề nghiệp của phụ nữ, mà còn khiến nhiều người bị lũ tội phạm (thậm chí gia đình mình) đẩy vào con đường này để kiếm lợi từ thân xác họ.
9 - Chính các phụ nữ mại dâm đa phần không muốn hợp pháp hóa ngành công nghiệp tình dục. Họ cảm thấy tủi hổ, bị xa lánh khi tên tuổi mình bị thông báo công khai. Họ đều xem đó là con đường nhục nhã, đã tước đoạt sức khỏe, danh dự và cuộc đời họ, và không muốn con em mình lại sa vào con đường này.
Đức, Thái Lan, Hà Lan, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là những điểm đến ưa thích của bọn buôn người.
10 - Cuối cùng vị chuyên gia này kết luận: "Hợp pháp hóa mại dâm chỉ làm trầm trọng thêm những vấn nạn của nó. Đó chỉ là sự thoái thác trách nhiệm của các cơ quan chức năng trước những vấn nạn mà mại dâm gây ra cho con người và xã hội".
Do vậy tôi cho rằng, xã hội phương Đông chúng ta liệu có chấp nhận được cú sốc này? Bạn đồng ý khi bạn đặt mình vào trường hợp người mua dâm nhưng sẽ ra sao khi người thân của bạn đi bán dâm?
Đây không chỉ là việc rút lại ý kiến của mình, mà đó là quá trình thay đổi nhận thức.
(Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của luật sư Trương Anh Tú).
Thảo Phượng (ghi)