Tranh luận về 'phố đèn đỏ': Đoạn hội thoại đáng suy ngẫm giữa cảnh sát và gái bán dâm
“Liệu rằng trước giờ chúng ta cứ hô hào phòng chống mại dâm và các tệ nạn xã hội khác nhưng có thực sự cấm được nó không hay còn làm nó biến tướng dưới nhiều hình thức phức tạp hơn, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội?”, Trung tá Đào Trung Hiếu đặt vấn đề.
Có nên công nhận mại dâm là một nghề? Theo quan điểm của GS Trần Ngọc Thêm, dù muốn dù không mại dâm vẫn tồn tại trong xã hội. Mặc dù pháp luật chưa công nhận mại dâm là một nghề và được bảo hộ nhưng những người làm nghề này vẫn là công dân. |
Đề xuất của Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM về việc nên thí điểm gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” dễ gây phát sinh tệ nạn mại dâm như nhà hàng khách sạn, tiệm massage… vào thành một khu vực để có điều kiện quản lý tốt hơn tiếp tục nhận được những ý kiến trái chiều.
Thạc sỹ, Trung tá Đào Trung Hiếu (Báo Công an nhân dân - nguyên là Chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm học của Học viện Cảnh sát nhân dân) đã gửi đến Báo Năng Lượng Mới – Petrotimes những chia sẻ để độc giả có góc nhìn toàn diện hơn.
Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng: “Ở góc độ cá nhân, tôi đồng tình với việc kiểm soát hoạt động mại dâm bằng luật”.
Thạc sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu. |
Theo ông, hiện tượng này là một thực tế xã hội và nó đang thách thức mọi nỗ lực để kiểm soát. Cản trở không thể được, cũng khó có thể kiểm soát.
“Nghề vốn được coi là hạ đẳng này lại nuôi sống bao con người không có tư liệu sản xuất trong tay (không ruộng đất, nghề nghiệp, học vấn..). Để tồn tại, họ phải bán đi danh dự của mình. Họ đáng thương hơn đáng trách. Quyền được sống, mưu cầu cuộc sống vật chất của bất cứ ai cùng cần được tôn trọng”, Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ.
Trung tá Hiếu còn nhớ như in về một trường hợp trong một lần cùng anh em đồng đội đi bắt ổ mại dâm:
Một gái mại dâm bị chúng tôi bắt, nói luôn:
- “Em đã vào trại Lộc Hà phục hồi nhân phẩm 4 lần rồi, lần này em phục hồi thêm mấy tháng nữa cũng không sao”.
Tôi hỏi:
“Thế ra trại em có đi làm tiếp không?”
Cô gái đó nói rõ ràng:
“Làm chứ! Không làm thì mẹ con em biết sống bằng cái gì? Không lẽ các anh nuôi được mẹ con em chắc?”
“Sao không kiếm cái nghề nào đấy lương thiện mà làm, tỷ dụ như rửa bát, ô sin, nhặt rác…?”
"Ôi dào, anh tưởng dễ kiếm việc hả? Với lại một khi đã bị bắt thế này, cánh báo chí lại còn tới chụp ảnh đăng lên báo thì thử hỏi chúng em có còn cơ hội mà về quê nhìn mặt ai nữa đâu mà kiếm việc lương thiện chứ?”
Một vụ bắt quả tang mua bán dâm. |
Nói tới đây, Th.sĩ Đào Trung Hiếu cũng đặt vấn đề: “Mọi cái bây giờ đều phải đảm bảo quyền được sống của công dân đã. Gái mại dâm họ cũng là công dân, một con người, cũng cần có những nhu cầu tối thiểu của con người. Liệu rằng trước giờ chúng ta cứ hô hào phòng chống mại dâm và các tệ nạn xã hội khác nhưng có thực sự cấm được nó không hay còn làm nó biến tướng dưới nhiều hình thức phức tạp hơn, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội?”.
Bằng thực tế tiếp xúc qua nhiều lần đi đánh án mại dâm, Trung tá Hiếu cho rằng, nếu ta không công nhận họ thì họ vẫn cứ tồn tại ngoài pháp luật. Không nên dùng ý chí chủ quan để áp đặt họ phải bỏ nghề mà chúng ta nên chấp nhận hiện tượng này như một thực tế trong một xã hội muôn màu như hiện nay.
“Có như vậy thì quyền lợi của họ mới được đảm bảo. Khi mà Nhà nước quản lý thì sẽ cần có các biện pháp khám sức khỏe định kỳ để phòng chống bệnh tật lây lan. Còn không, họ vẫn sẽ bị quản lý bởi một lực lượng ngoài Nhà nước là "xã hội đen", mà quyền lợi còn bị bóc lột thậm tệ hơn.
Do vậy, chúng ta cũng nên nhìn nhận vấn đề này bằng nhiều góc độ, nhiều chiều hướng và cần đưa ra được những giải pháp mang tính dài hơi và nhân văn hơn”, Th.s Đào Trung Hiếu chia sẻ thêm.
Nhật Minh – Thảo Phượng