Quá sợ kiểm tra chuyên ngành
Kiểm tra chuyên ngành (KTCN) quá phiền hà, là điều mà rất lâu nhiều doanh nghiệp bức xúc khi làm thủ tục Hải quan. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, thủ tục này vẫn bị đánh giá là chưa có gì cải tiến.
Doanh nghiệp quá “ngán” kiểm tra chuyên ngành (Petrotimes) – Thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) quá phiền hà, là nội dung mà nhiều doanh nghiệp bức xúc khi làm thủ tục Hải Quan. Đây cũng được xem là cản trở lớn đối với việc thực hiện mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hoá theo Nghị quyết 19. |
Than phiền có cơ sở
Công ty ALC, chuyên sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu các loại đũa bếp bức xúc, công ty thường xuyên nhập ván dăm về phục vụ cho sản xuất. Đây là hàng phải KTCN theo quy định, nhưng để có kết quả kiểm tra phải mất từ 10 - 15 ngày, trong thời gian đó hàng phải để ngoài cửa khẩu phát sinh chi phí rất lớn. Hay việc công ty nhập cùng một loại lò nướng ở những thời điểm khác nhau, mặt hàng này thuộc vào diện được miễn KTCN nhưng mỗi lần nhập là mỗi lần phải đi xin lại chứng nhận hàng miễn kiểm tra mới được cho thông quan, không cho phép doanh nghiệp sử dụng chứng nhận trước đó được cấp mặc dù với cùng một loại sản phẩm.
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa được cải tiến |
Còn Công ty giày Chinlu Việt Nam thường xuyên phải nhập một số vải và simili để sản xuất, đây là hàng theo quy định phải KTCN về hàm lượng formaldehyt. Bất cập ở chỗ là cùng một loại chất liệu nhưng chỉ cần màu sắc khác nhau hay hoa văn khác nhau cũng phải lấy mẫu riêng, tốn thêm tiền hàng mẫu và tiền kiểm tra. Trong khi đó, công ty gia công giày cho thương hiệu Nike, thương hiệu hàng đầu toàn cầu nên yêu cầu chất lượng rất cao, kết quả KTCN bao giờ cũng đạt yêu cầu. Công ty nhận thấy, phải mất phí thường xuyên 40 - 50 triệu đồng/tháng cho công tác KTCN, chưa kể lãng phí thời gian cho công tác này là rất bất hợp lý.
Đại diện Hiệp hội Chuyển phát nhanh Châu Á - Thái Bình Dương phản ánh, nhiều khách hàng đã phải bỏ hàng hóa vì vướng KTCN. Cụ thể như một công ty nhập khẩu chỉ 30 chiếc mũ vải để phục vụ cho đợt du lịch hay nhập vài cây son làm quà tặng cũng phải làm thủ tục KTCN. Trong khi đó, với những mặt hàng này KTCN mất 3 - 5 ngày, chi phí 2,1 triệu/mẫu, bất kể mẫu lớn hay nhỏ và mỗi lần kiểm tra là lấy 2 mẫu… phí kiểm tra đắt gần bằng giá trị hàng nhập do đó nhiều khách hàng đành phải bỏ hàng vì mất nhiều thời gian, chi phí làm thủ tục.
Tại hội thảo “Đơn giản hóa thủ tục KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” do Tổng cục Hải quan tổ chức tại TP HCM vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp than phiền là quá “ngán” với thủ tục KTCN, vì kiểm tra không có trọng tâm, trọng điểm, hàng hóa bị xếp vào dạng phải kiểm tra quá nhiều. Ví dụ: quy định chung chung là KTCN đối với phân bón, dẫn đến tất cả các loại phân bón đều phải đi kiểm tra, trong khi đó đáng lý chỉ nên xem xét và chọn ra một vài nhóm mặt hàng phân bón để kiểm tra sẽ hợp lý hơn. Hay hàng loạt các mặt hàng phải chịu sự quản lý, cấp phép, kiểm tra của 2 - 3 cơ quan thuộc một bộ hoặc thuộc diện KTCN của 2-3 bộ như: sữa, chè, cà phê... Điều này, khiến cho doanh nghiệp bị phát sinh thêm những chi phí không đáng có. Ngoài phí kiểm tra, phí lưu hàng ngoài cửa khẩu, còn có cả các khoản “bôi trơn” để thủ tục KTCN được nhanh chóng, dễ dàng.
Các doanh nghiệp cho rằng, KTCN nên đơn giản hóa, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Đối với mặt hàng thuộc diện phải KTCN, các bộ, ngành nên nêu rõ tiêu chuẩn đánh giá là gì? thời gian kiểm tra bao lâu? Và phải nêu rõ danh mục hàng hóa được miễn KTCN, không phải bắt doanh nghiệp phải đi xin chứng nhận hàng hóa miễn KTCN đối với từng loại hàng như hiện nay.
Cản trở cải cách hành chính
Theo ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia dự án Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện - USAID GIG (Do Tổng cục Hải quan cộng tác với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện), quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chưa được cải thiện trong hơn 1 năm qua, đặc biệt có nhiều lĩnh vực còn có sự gia tăng đột biến. Đây là điều cản trở lớn đối với việc thực hiện mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 19 của Chính phủ. Trong khi những nỗ lực của cơ quan hải quan được đánh giá là rất tốt thì thời gian thông quan lại bị kéo dài quá lâu bởi thủ tục KTCN.
Tại Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng hóa 3 (Quatest 3), thống kê trung bình hiện nay thời gian hoàn thành kiểm tra chất lượng cho một lô hàng nhập khẩu mất đến 13 ngày kể từ ngày đăng ký kiểm tra. Như vậy, chỉ riêng thủ tục KTCN đã mất đến 13 ngày thì làm sao có thể đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra theo Nghị quyết 19 là giảm thời gian thông quan hàng hóa đến hết năm 2015 theo mức của các nước ASEAN 6 là còn 13-14 ngày?
Đáng ngại hơn, số lượng hàng phải KTCN hiện vẫn không giảm, báo cáo của Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy, hàng hóa phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành chiếm 30-35% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2015 số hàng KTCN tăng mạnh, bằng 70-80% cùng kỳ.
Còn tại Cục Kiểm dịch thực vật Vùng I (Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc) số hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật tại đây trong 7 tháng đầu năm là gần 22.000 hồ sơ, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014. Tại Chi cục Hải quan Hải Phòng Khu vực 1, 6 tháng đầu năm số hàng phải qua KTCN chiếm 44,56%, tăng 2,35% so với năm cùng kỳ 2014.
Điều đáng nói là KTCN đang cho thấy tính không hiệu quả, bởi thực tế kiểm tra nhiều nhưng phát hiện sai phạm rất ít. Tỷ lệ phát hiện sai phạm hiện nay chỉ là dưới 1% tổng số các lô hàng kiêm tra. Kết quả này khẳng định việc kiểm tra như hiện nay là quá mức cần thiết.
Các bất cập trong hoạt động KTCN được doanh nghiệp nêu rõ 3 nội dung chính: Thứ nhất, danh mục kiểm tra quá rộng, chưa rõ ràng; Thứ hai, thủ tục chủ yếu là thủ công, mất thời gian và thiếu minh bạch; Thứ ba, thời gian cấp phép, kiểm tra quá dài (từ 7-15 ngày), có mặt hàng như sắt thép thì thời gian kiểm tra có thể kéo dài vài tháng.
Ông Đinh Công Khương, Phó giám đốc Công ty Thép Khương Mai phàn nàn, là một doanh nghiệp thép nhỏ nhưng mỗi năm tính ra ngành thép mỗi năm tốn khoảng 120 tỉ đồng cho KTCN theo Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN, và việc hàng phải mất thời gian kiểm tra 4-5 tháng là chuyện bình thường. Để giảm bớt thời gian, doanh nghiệp phải “chạy” để kết quả nhanh hơn là điều dễ hiểu và phát sinh tiêu cực không thể tránh khỏi.
Các doanh nghiệp kiến nghị, các bộ, các cơ quan quản lý chuyên ngành phải có giải pháp đột phá để tạo cải cách mạnh mẽ trong công tác này, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Nên áp dụng kiểm tra theo phương pháp quản lý rủi ro, phân loại doanh nghiệp, có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật... Đồng thời phải rà soát lại danh mục hàng hóa KTCN, loại trừ bớt với những mặt hàng không nhất thiết phải kiểm tra; điện tử hóa thủ tục để rút ngắn thời gian, giảm tiếp xúc giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, hạn chế tiêu cực.
Đánh giá của Tổng cục Hải quan và ý kiến của nhiều doanh nghiệp đã cho thấy, nổi cộm nhất trong việc kéo dài thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay là thủ tục quản lý chuyên ngành. Do đó, để thủ tục hải quan được nhanh chóng, cạnh tranh, không còn cách nào khác là phải quyết liệt gỡ “nút thắt” về KTCN.
Mai Phương