Ai là thủ phạm đánh bom tại Thái Lan?
Lần đầu tiên du khách nước ngoài là mục tiêu tấn công tại Thái Lan. Ai trong số những đối tượng sau là thủ phạm vụ đánh bom trên: phe Áo Đỏ của cựu Thủ tướng Tharsin, phiến quân Hồi giáo ở miền nam hay một nhóm người nào đó muốn trả thù Trung Quốc thông qua vụ đánh bom tại Bangkok hôm 17/8?
Cảnh sát điều tra hiện trường đền thờ Erawan một ngày sau vụ đánh bom giết chết ít nhất 22 người và làm bị thương 120 người khác |
Du khách nước ngoài bắt đầu sợ Thái Lan
Du lịch là con gà đẻ trứng vàng của Thái Lan. Sau vụ khủng bố hôm 17/8 khiến hơn 10 người nước ngoài bị giết, du khách ngoại quốc chọn tua đến Thái Lan bắt đầu giảm. Những nạn nhân nước ngoài trong vụ đánh bom trên đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines… và một vài người còn chưa nhận diện được.
Ngay sau vụ đánh bom, nhiều hãng du lịch ở Việt Nam cho biết những du khách đã chọn tua đi Thái Lan hầu như chọn điểm đến khác hoặc hủy tua.
Trong khi đó, cộng đồng người Việt ở Thái Lan cũng tỏ ra hoang mang. Anh Nguyễn Văn Lê, một người Việt đang sinh sống tại Bangkok, cho biết cộng đồng người Việt khá hoang mang, lo lắng sau vụ đánh bom. Những ngày này, họ thường xuyên theo dõi tin tức trên các kênh truyền thông Thái và Việt Nam. “Người sinh sống ở đây cũng lo lắng, hoảng sợ lắm. Hồi chiều ở đây, gần Sathorn, cũng có một vụ đánh bom mới mà cũng may không chết người. Bom nổ ở ngay khu vực gần nhà em, khu vực cũng đông người, mà bom ở trên rớt xuống nước và nổ dưới nước luôn. Người chạy tán loạn mà cũng may không chết người nào. Các quá hàng ở khu vực em cũng vắng người đi lại, vắng người đến ăn uống”-anh Lê cho biết.
Một người khác nói vụ nổ bom dù không ảnh hưởng lập tức đến cộng đồng Việt tại Thái, nhưng người Việt khá lo lắng về tương lai kinh tế của họ. “Trực tiếp thì không có ảnh hưởng nhiều lắm. Tuy nhiên nếu vấn đề này mà ảnh hưởng đến kinh tế của Thái Lan thì chắc chắn công việc của các bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng về thu nhập vì thường thường các bạn mưu sinh qua các dịch vụ như may, làm quán, hoặc bán những thứ này thứ kia. Nếu kinh tế bị ảnh hưởng và khách du lịch không đến Thái Lan hoặc người Thái không đi ra ngoài mua sắm, ăn uống thì thu nhập của các bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng”- người này chia sẻ.
Chị Đặng Thị Thiết cũng là một người Việt sang Bangkok làm việc từ cả chục năm nay. Mỗi năm chị đều đi đi về về giữa Việt Nam và Thái. Chị cho biết gia đình chị từ hôm qua tới nay không ai dám ra khu vực trung tâm mà chỉ đi chợ gần nhà, dù quán ăn của gia đình tại Bangkok vẫn mở cửa. “Nhà em cũng đang sợ này. Đang ở nhà chứ cũng không dám ra ngoài vì sợ họ bỏ [bom] nữa. Cũng không biết được họ bỏ chỗ mô, không biết được nên ở nhà cả chứ không dám ra”. Chị Thiết cho biết nếu tình hình trở nên căng thẳng quá, chị có thể sẽ trở về Việt Nam.
Vụ tấn công tinh vi do ai thực hiện?
Vụ tấn công tại Bangkok hôm 17/8 gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát, bởi tầm cỡ, mức độ tàn bạo và thời điểm được chọn của vụ này.
Chưa bao giờ thủ đô Bangkok bị một vụ tấn công nghiêm trọng như vậy và nhất là trong số các nạn nhân thiệt mạng có hơn 10 người ngoại quốc, trong khi tại Thái Lan, du khách nước ngoài cho tới nay hầu như không bị nhắm tới.
Ngay sau vụ nổ, có hai tổ chức bị nghi là thủ phạm. Trước hết là phiến quân Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan, giáp với Malaysia, vẫn chiến đấu chống chính quyền Bangkok từ nhiều năm nay để giành một quyền tự trị rộng rãi hơn. Thứ hai là phong trào Áo Đỏ, tức là những người ủng hộ thủ tướng bị lật đổ và nay đang sống lưu vong, Thaksin Shinawatra.
Nhưng chính quyền quân sự hiện có vẻ loại trừ khả năng vụ nổ do phiến quân Hồi giáo gây ra, cho nên mọi nghi ngờ bây giờ đổ dồn về những người Áo Đỏ.
Theo lời Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha, cảnh sát Thái Lan đang điều tra về những bài viết trên Facebook báo động về một nguy cơ sắp xảy ra trước khi có vụ nổ bom. Lãnh đạo chính quyền quân sự khẳng định trang Facebook này là của một “nhóm chống tập đoàn quân phiệt”, tại miền Bắc Thái Lan, vốn là cứ địa của phe Áo Đỏ.
Phe Áo Đỏ đại diện cho thành phần nông dân và dân nghèo trung thành với cựu thủ tướng Thaksin và gia đình của ông, đối lại với thành phần trung lưu và phe bảo hoàng, được sự ủng hộ của một bộ phận quân nhân.
Nhưng các nhà phân tích được hãng tin AFP hỏi đều cho rằng nên rất thận trọng trước những lời cáo buộc của chính quyền, vì hiện giờ chưa thể loại trừ bất cứ ai khỏi danh sách nghi can, theo như lời ông Zachary Abuza, chuyên gia về phong trào nổi dậy ở miền Nam Thái Lan. Nhưng ông Abuza lưu ý một điều, đó là vụ nổ bom ngày 17/8 không giống bất cứ một phương thức hành động nào cho tới nay của phiến quân Hồi giáo cũng như của phe Áo Đỏ.
Theo nhà chính trị học Pavin Chachavalpongpun, phe Áo Đỏ không bao giờ tấn công vào một ngôi đền thờ thần hindou Brahma, vốn vẫn thu hút hàng nghìn tín đồ Phật giáo mỗi ngày, trong một quốc gia rất mê tín và rất tin vào kiếp luân hồi. Ông Chachavalpongpun không tin là vụ tấn công này có động cơ chính trị nội bộ Thái Lan.
Một số nhà phân tích thì đưa ra giả thuyết rằng vụ tấn công bằng bom vào một ngôi đền có đông du khách Trung Quốc chính là nhắm đến Bắc Kinh, để phản đối việc Thái Lan trục xuất cả trăm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc. Sau vụ trục xuất này, nhiều cuộc biểu tình bạo động đã nổ ra ở Ankara và Istanbul để lên án chính sách hà khắc của Bắc Kinh đối với thiểu số Hồi giáo nói tiếng Thổ này.
Về phần Paul Chamber, chuyên gia thuộc Viện về các vấn đề Đông Nam Á tại Chiang Mai, cho rằng muốn biết ai là tác giả vụ nổ bom thì phải tìm hiểu xem những nhóm nào có khả năng tiến hành một vụ tấn công như vậy.
Theo cảnh sát Thái Lan, quả bom được sử dụng có thiết kế rất tinh vi và có sức công phá rất mạnh, đến mức làm văng đi rất xa các mảnh kính, các mảng bêtông và các thi thể trên một trong những đại lộ đông đúc nhất Bangkok.
Nh.Thạch