Tín hiệu vui từ đào tạo nghề ở Việt Nam
Thông tin Việt Nam giành huy chương tại cuộc thi Tay nghề thế giới lần thứ 43 đã khiến nhiều người vui mừng. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam được xướng tên trong kỳ thi này.
Thành tích mới
Cuộc thi Tay nghề thế giới lần thứ 43 vừa bế mạc tại Sao Paulo (Brazil), đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt được huy chương sau 5 lần tham dự. Thí sinh Nguyễn Duy Thanh thi nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, với mức điểm 535/600, đã đoạt huy chương đồng.
Nguyễn Duy Thanh cũng chính là người được nhận giải thí sinh xuất sắc nhất quốc gia, “Best of Nation”.
Thí sinh Nguyễn Duy Thanh đoạt giải xuất sắc trong cuộc thi Tay nghề thế giới lần thứ 43 |
Được biết, còn có 8 thí sinh đã được trao chứng chỉ kỹ năng nghề suất sắc gồm: Trần Anh Tài, Võ Chí Thanh, Nguyễn Đức Thanh, Giang Chấn Vinh, Đặng Duy Tuấn, Vũ Trọng Tú, Lương Công Hiếu, Đặng Quang Phong… ở các nghề thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD, phay CNC, cơ điện tử, hàn, lắp đặt đường ống nước, thiết kế trang web và xây gạch.
Những thí sinh này đều có số điểm trên 500.
Đây là minh chứng cho chất lượng đào tạo nâng cao tay nghề ở Việt Nam đang ngày một khả quan.
Thực tế cho thấy những năm qua, Việt Nam có thành tích khả quan về dạy nghề như tạo được ấn tượng trong các cuộc thi tay nghề quốc tế, không ít học sinh tốt nghiệp có trình độ, cấp bậc cao và kiếm được việc làm thu nhập tốt trong các doanh nghiệp.
Đó là những dấu hiệu cho thấy chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam đang từng bước được nâng cao.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội thì: Trong một vài năm gần đây, những nỗ lực về công tác đổi mới, đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam đã tạo ra nhiều bước chuyển biến đáng kể trong chất lượng.
Được biết, tại Hội thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10 được tổ chức cuối năm 2014 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Huy cũng chính là Phó Chuyên gia Trưởng của đoàn Việt Nam. Tại cuộc thi này, Việt Nam đã một lần nữa khẳng định vị thế khi lần thứ 3 liên tiếp dẫn đầu trong các đoàn tham dự với 15 huy chương Vàng, 7 huy chương Bạc và 6 huy chương Đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, các thí sinh học nghề đến từ Việt Nam không chỉ có kỹ năng nghề mà còn có sự sáng tạo, đây là những yếu tố được các chuyên gia đánh giá rất cao.
Một số nghề là thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm nay như: Cơ điện tử, Kỹ thuật ô tô, Nghiệp vụ khách sạn, Quản trị mạng, Cắt gọt kim loại… Trên thực tế, đây cũng chính là những nghề thu hút được khá đông học viên lựa chọn khi học nghề.
Nỗ lực tăng cường kỹ năng nghề
Từ nền tảng có sẵn, ngày càng có nhiều học viên theo học tại các cơ sở đào tạo nghề. Đứng trên phương diện quản lý, nhiều năm qua, có thể thấy những nỗ lực của Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong những dự án đầu tư, tăng cường kỹ năng nghề.
Chất lượng thực hành là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong đào tạo nghề. Đội ngũ giáo viên tại các trường nghề nhiều năm qua được tăng cường cả về lượng và chất, không ít giáo viên, chuyên gia đã được cấp các chứng chỉ đào tạo nghề quốc tế và truyền đạt cả kỹ năng lẫn kinh nghiệm, tâm huyết cho các học viên.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và công cụ dạy học cũng được đầu tư để đáp ứng nhu cầu học hỏi, trau dồi kỹ năng thực hành cho học viên.
Sinh viên trong một buổi đào tạo nghề |
Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Một trong những vấn đề cốt lõi của đào tạo nghề là giải quyết được nhu cầu việc làm sau khi tốt nghiệp cho học viên. Có giải quyết được vấn đề đó thì mới thu hút được học viên theo đuổi và có đam mê với nghề”.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Mới đây nhất, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức Hội chợ Việc làm 2015 tại TP HCM nhằm đưa hàng nghìn sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến gần hơn với nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động.
“Hội chợ việc làm là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường kỹ năng nghề. Đây sẽ là cơ hội tốt để các học viên tiếp xúc với nhà tuyển dụng để lắng nghe những yêu cầu và rèn luyện các kỹ năng về nghề cần có, cũng từ đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận được nguồn lao động có đào tạo bài bản từ các trường dạy nghề” - TS Nguyễn Hồng Minh cho biết thêm.
Hi vọng rằng, với những nỗ lực thời gian qua, chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ ngày được nâng cao, mang đến những vị thế mới cho người lao động có tay nghề ở nước ta.
Huy An - Thái Bảo