Doanh nghiệp quá “ngán” kiểm tra chuyên ngành
(Petrotimes) – Thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) quá phiền hà, là nội dung mà nhiều doanh nghiệp bức xúc khi làm thủ tục Hải Quan. Đây cũng được xem là cản trở lớn đối với việc thực hiện mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hoá theo Nghị quyết 19.
Đại diện Hiệp hội chuyển phát nhanh châu Á – Thái Bình Dương phản ánh, nhiều khách hàng đã phải bỏ hàng hoá vì vướng KTCN. Cụ thể như một công ty nhập khẩu khoảng chỉ 30 chiếc mũ vải để phục vụ cho đợt du lịch hay nhập vài cây son làm quà tặng cũng phải làm thủ tục KTCN. Trong khi đó, KTCN mất 3 – 5 ngày, chi phí 2,1 triệu/mẫu… phí kiểm tra đắt gần bằng giá trị hàng nhập do đó nhiều khách hàng đành phải bỏ hàng vì ngại thủ tục.
Nhiều doanh nghiệp than phiền với thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng xuất nhập khẩu (ảnh: minh hoạ) |
Ông Đặng Văn Hiếu, Công ty ALC, chuyên sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu các loại đũa bếp bức xúc, công ty thường xuyên nhập ván dâm về phục vụ sản xuất. Đây là sản phẩm phải KTCN theo quy định, để có kết quả kiểm tra phải mất từ 10 – 15 ngày, trong thời gian đó hàng hoá phải để ngoài cửa khẩu phát sinh chi phí rất lớn. Hay công ty này nhập cùng một loại lò nướng, thuộc vào diện hàng hoá được miễn KTCN nhưng mỗi lần nhập là mỗi lần phải đi xin chứng nhận là hàng thuộc diện miễn KTCN, không cho phép sử dụng kết quả chứng nhận của sản phẩm cùng loại đã được cấp trước đó.
Ông Hiếu cho rằng, KTCN nên đơn giản hoá, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Đối với mặt hàng bị KTCN, các Bộ, ngành phải nêu rõ tiêu chuẩn đánh giá là gì? thời gian kiểm tra bao lâu? Và phải nêu rõ danh mục hàng hoá được miễn KTCN, không phải bắt doanh nghiệp phải đi xin chứng nhận hàng hoá miễn KTCN đối với từng loại hàng như hiện nay.
Rất nhiều doanh nghiệp than phiền là quá “ngán” với thủ tục KTCN, vì kiểm tra không có trọng tâm, trọng điểm, quá nhiều hàng hoá bị xếp vào dạng phải kiểm tra, khiến cho doanh nghiệp bị phát sinh nhiều chi phí không đáng có. Ngoài phí kiểm tra, phí lưu hàng ngoài cửa khẩu, còn có cả các khoản “bôi trơn” để thủ tục KTCN được nhanh chóng.
Ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia dự án USAID GIG cho biết, theo khảo sát của USAID GIG, quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu chưa được cải thiện trong hơn 1 năm qua, đặc biệt có nhiều lĩnh vực còn có sự gia tăng đột biến. Đây là điều cản trở lớn đối với việc thực hiện mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hoá cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, trong khi những nỗ lực của cơ quan hải quan được đánh giá là rất tốt thì thời gian thông quan lại bị kéo dài bởi thủ tục KTCN này.
Báo cáo của Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy, hàng hoá phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành chiếm 30 – 35% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2015 số hàng KTCN tăng mạnh, bằng 70 – 80% cùng kỳ.
Còn theo Cục Kiểm dịch thực vật Vùng I, số hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vậy tại đây trong 7 tháng đầu năm là gần 22.000 hồ sơ, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014.
Điều đáng nói là KTCN đang cho thấy tính không hiệu quả, bởi thực tế kiểm tra nhiều nhưng phát hiện sai phạm rất ít. Tỷ lệ phát hiện sai phạm hiện nay chỉ là 0,19%.
Các vướng mắc trong hoạt động KTCN được doanh nghiệp nêu rõ ở 3 nội dung chính: Thứ nhất danh mục kiểm tra quá rộng, chưa rõ ràng; thủ tục chủ yếu là thủ công, mất thời gian và thiếu minh bạch; thời gian cấp phép, kiểm tra quá dài (từ 7 – 15 ngày), có mặt hàng như sắt thép thì thời gian kiểm tra có thể kéo dài vài tháng.
Các doanh nghiệp kiến nghị, các Bộ, các cơ quan quản lý chuyên ngành phải có giải pháp đột phá trong công tác này để giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Nên áp dụng kiểm tra theo phương pháp quản lý rủi ro, có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật. Đồng thời phải điện tử hoá thủ tục để rút ngắn thời gian, giảm tiếp xúc giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, hạn chế tiêu cực.
Mai Phương