Tinh thần Nhật Bản
15-8-2015 là cột mốc tròn 70 năm ngày Nhật Bản đầu hàng đồng minh. Sau 1945, Nhật Bản tiêu điều tan nát với hơn 3 triệu người chết, khoảng 40% nhà máy và hạ tầng công nghiệp bị phá hủy; sản lượng công nghiệp rơi xuống mức bằng 15 năm trước. Năm 1950, thu nhập bình quân đầu người Nhật Bản bằng Ethiopia và Somalia và kém hơn Ấn Độ 40%. Khắp nước Nhật vẫn còn nạn đói. Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles từng nói, Nhật không thể kỳ vọng trở thành nhà xuất khẩu cho thị trường Mỹ vì “họ không làm được những thứ chúng ta cần”. Năm 1951, GNP Nhật là 14,2 tỉ USD, bằng 1/2 Tây Đức, ít hơn Anh 3 lần, và chỉ bằng 4,2% Mỹ.
Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản lên án Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản công bố ngày hôm nay (21/7/2015) đã chỉ đích danh các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông là một “nỗ lực cưỡng chế” nhằm củng cố yêu sách chủ quyền đơn phương của nước này. |
Đi lên từ đống tro tàn
Một thập niên sau, sản lượng kinh tế đã bắt đầu ngang bằng giai đoạn trước chiến tranh. Từ năm 1953 đến 1965, GDP tăng hơn 9%/năm; sản xuất và khai thác khoáng sản tăng 13%; xây dựng 11%; hạ tầng 12%... Không đầy 20 năm sau chiến tranh, Nhật Bản đã khiến thế giới kinh ngạc khi xuất hiện với một diện mạo hiện đại lộng lẫy qua việc tổ chức Thế vận hội Tokyo 1964. Đó cũng là năm ra đời tàu điện cao tốc shinkansen. Đến 1965, khu vực công nghiệp sản xuất đã sử dụng hơn 41% nhân lực (chỉ 26% cho nông nghiệp). Năm 1970, Nhật Bản đã qua mặt tất cả nền kinh tế châu Âu, chiếm hơn 20% GNP Mỹ. Năm 1975, 30 năm sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản đã hơn gấp đôi Anh. Và đến 1980, kinh tế Nhật Bản đã trị giá 1.040 tỉ USD. Cụ thể, GNP Tây Đức tăng gấp 28,5 lần từ 1951 - 1980; Pháp 18,7 lần trong cùng thời gian; Anh 12,7 lần; Mỹ 8 lần; trong khi Nhật Bản 73 lần! Điều gì giúp Nhật Bản làm nên kỳ tích không tưởng?
Nhà máy sản xuất bóng đèn Tokyo Shibaura Electric Co (1951) |
Một trong những yếu tố giúp Nhật Bản thành công là kinh nghiệm sản xuất công nghiệp. Từ năm 1937 đến 1945, kinh tế Nhật Bản đã phát triển cực nhanh: tăng 24% về sản xuất công nghiệp; 46% về thép; 70% về kim loại không màu; 252% về máy móc. Thời điểm đó, có đến 10 hãng xe hơi nổi tiếng. Toyota, Nissan và Isuzu đã phát triển cực mạnh nhờ sản xuất xe quân sự sau khi một điều luật thông qua năm 1936 đẩy Ford và General Motors khỏi thị trường nội địa.
Tuy nhiên, sau chiến tranh, nước Nhật Bản là đống tro tàn. 500 triệu USD/năm viện trợ từ Mỹ trong thời gian quân đội Hoa Kỳ chiếm đóng hậu chiến từ năm 1946 đến 1949 không đủ để Nhật Bản đứng dậy. Theo yêu cầu Mỹ, Nhật Bản còn phải thực hiện “chương trình kinh tế Dodge” (lấy theo tên Joseph Morrell Dodge, Giám đốc Ngân hàng Detroit, được Nhà Trắng cử làm cố vấn chính sách kinh tế cho Nhật Bản và Đức thời hậu chiến). Kế hoạch Dodge đưa ra một số yêu cầu: cân bằng ngân sách, giảm lạm phát, ấn định tỉ giá 1 USD=360 yen. Tỉ giá cao khiến hàng hóa Nhật Bản trở nên kém cạnh tranh.
Phản ứng trước suy thoái kinh tế hậu chiến, Chính phủ Tokyo mở rộng chính sách cho vay. Loạt ngân hàng tư được thành lập. Ngày 1-9-1953, Quốc hội Nhật Bản thông qua luật chống độc quyền. Cạnh đó, Tokyo xây dựng các liên minh doanh nghiệp, theo chiều dọc hoặc chiều ngang, gọi là “keiretsu”. 6 tập đoàn lớn - Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Fuyo, Dai-ichi Kangyo và Sanwa - được tổ chức theo chiều ngang. Mỗi keiretsu chiều ngang có nhiều thành viên gồm một ngân hàng chính, các thể chế tài chính, các công ty sản xuất và một công ty giao dịch. Trong mỗi nhóm keiretsu, thành viên nắm cổ phiếu của nhau. Họ có ban giám đốc liên kết và cùng tham gia các dự án đầu tư R&D.
Keiretsu hệ thống chiều dọc được tổ chức trong công nghiệp xe hơi, điện tử và một số ngành công nghiệp khác (Nissan, Toyota, Hitachi, Matsushita, Sony…).
Một chính trị gia tiêu biểu và một doanh nhân tiêu biểu
Có một số chính trị gia với vai trò quan trọng không thể không kể trong công cuộc chấn hưng nước Nhật. Hayato Ikeda là một trong số đó. Từ khi ngồi ghế thủ tướng năm 1960, Ikeda đã đề ra mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập trong một thập niên kế tiếp. Chương trình của ông được kích thích bằng chính sách giảm thuế, nâng phúc lợi xã hội, nâng giá nông sản và giảm bất bình đẳng thu nhập. Chính sách kinh tế Ikeda đưa nước Nhật đi đến giai đoạn phát triển kéo dài đến tận năm 1973, khi cuộc khủng hoảng dầu toàn cầu xảy ra, dù Ikeda chỉ ngồi ghế thủ tướng 4 năm. Đến năm 1968, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới!
Thủ tướng Hayato Ikeda |
Suốt thập niên 60 của thế kỷ trước, tăng trưởng kinh tế đạt tỉ lệ 11%, so với 4,6% của Đức và 4,3% của Mỹ. Nhiều gia đình bắt đầu đạt được “chuẩn sống 3 C” (xe hơi, máy lạnh và tivi màu). Từ năm 1965 đến 1970, số hộ dân sở hữu xe hơi tăng từ 1/20 lên 1/5. Đến năm 1970, 19/20 hộ dân có tivi. Giữa thập niên 60, năm 1964, Nhật đã làm thế giới kinh ngạc khi tổ chức Thế vận hội Tokyo. Đây là thế vận hội đầu tiên được truyền hình trực tiếp khắp thế giới qua vệ tinh.
Ngoài ra, còn phải nhắc đến một số gương mặt doanh nhân điển hình. Konosuke Matsushita chẳng hạn. Bắt đầu sự nghiệp chỉ với 100 yen, Matsushita tạo dựng được một sản nghiệp đồ sộ, đem lại công ăn việc làm cho hàng ngàn người và thiết lập một nhãn hiệu lừng danh trên thương trường: National/Panasonic. Không chỉ có thế, Matsushita còn là một học giả với nhiều quyển nghiên cứu triết học, chính khách, nhà giáo dục học và còn được xem là một trong những người tiên phong thiết lập hệ thống quản trị doanh nghiệp cũng như ngành tiếp thị. Trong bài viết về Matsushita đăng trên Tạp chí Fortune, Giáo sư quản trị học John P. Kotter của Đại học Harvard đã đặt tựa bài dưới dạng câu hỏi nhưng mang tính xác định nhiều hơn nghi vấn: “Matsushita: nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất thế giới?”.
Konosuke Matsushita xuất thân từ thành phần nghèo hèn với giai đoạn niên thiếu khổ cực, không đủ điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Tuổi trẻ hằn đầy vết tích của bệnh tật và tinh thần yếu đuối nhưng khi mới 30 tuổi, Matsushita đã rèn luyện bản thân trở thành người có ý chí sắt thép và bắt đầu lao hết sức mình vào con đường thương trường, thiết dựng các nguyên tắc quản lý doanh nghiệp mà 50 năm sau nhiều công ty đã xem đấy như là những bài học kinh điển của thế kỷ. Năm 40 tuổi, Matsushita trở thành người lãnh đạo xuất sắc, sáng lập ra Công ty Matsushita Electric với doanh thu hằng năm vượt quá doanh số cộng lại của các hãng: Bethlehem Steel, Colgate-Palmolive, Gillette, Goodrich, Kellogg, Olivetti, Scott Paper và Whirlpool.
Sau Thế chiến thứ II, Matsushita Electric là một trong số ít công ty chẳng những không bị sụp đổ mà còn lập được kỳ tích phát triển. Tất cả nhờ sự lãnh đạo của Matsushita, người học hỏi không ngừng nghỉ cho đến khi nhắm mắt vĩnh viễn lúc 94 tuổi (năm 1989). Con đường thành công của Matsushita không đơm hoa từ trí thông minh tuyệt vời, từ vận may, từ lợi thế quyền lực gia đình hay hàng chục yếu tố khác thường được gán ghép cho những người thành đạt, mà chỉ đơn giản là kết quả của quá trình lao động tư duy liên tục. Nếu chỉ tính những gì làm được ở giai đoạn sinh thời, kết quả gặt hái được của Matsushita đáng kể hơn của Henry Ford, Sam Walton hay Ray Kroc. Hơn hết, Matsushita đã biểu hiện tính khiêm tốn đáng quý khi không dùng tên của mình đặt cho sản phẩm như nhiều người khác.
Matsushita là con út trong gia đình có 8 anh chị em, sống trong hoàn cảnh khó khăn bởi ông bố làm tiêu tan sản nghiệp vì cờ bạc. 9 tuổi, Matsushita được gửi đến học việc tại một cửa hàng xe đạp rồi sau đó là Osaka Light - một cơ sở sản xuất đồ điện. Ít lâu sau, Matsushita nghỉ việc sau khi ông chủ không tán thành ý kiến sản xuất mẫu chụp đèn xe đạp do anh đề xuất. Quyết định chấp nhận rủi ro, Matsushita bắt đầu tạo dựng doanh nghiệp riêng với 100 yen dành dụm và sự giúp đỡ của 4 người, trong đó có vợ anh - Mumeno. Không ai trong số họ học hết phổ thông trung học và chưa hề biết cách sản xuất chụp đèn! Giữa tháng 10-1917, sau 4 tháng lao động cật lực không ngày nghỉ, kể cả Chủ nhật, họ sản xuất được vài chụp đèn theo mẫu mới nhưng đáng tiếc là không cửa hàng nào chịu mua cho họ. Kiên quyết tiếp tục trên con đường vạch sẵn, Matsushita và vợ phải đem cả quần áo và nhiều vật dụng cá nhân đi cầm để có vốn đầu tư sản xuất.
Thời cơ đến khi Hãng Kawakita Electric đặt Matsushita làm 1.000 bảng cách điện cho quạt máy và hứa rằng nếu Matsushita thực hiện hợp đồng sản xuất nhanh thì sẽ đặt làm thêm 4.000-5.000 bảng nữa. Matsushita và Mumeno lao vào làm việc 18 tiếng/ngày kể cả Chủ nhật và cuối tháng 12 thì hoàn thành đơn đặt hàng. Hai vợ chồng giàu nghị lực Matsushita nhận được 160 yen trong đó tiền vốn sản xuất chỉ bằng phân nửa. Năm 1922, Matsushita lại tập trung nghiên cứu đèn xe đạp - mặt hàng bán chạy thời điểm đó nhưng các mẫu ngoài thị trường đều có nhiều khuyết điểm, nhất là chỉ thắp sáng được vài giờ. Sau thời gian ngắn nghiên cứu, Matsushita chế tạo được loại đèn xe đạp có thể thắp sáng suốt 50 giờ, tuy nhiên vẫn không nơi nào chịu mua. Thuê ba nhân viên (mà nay gọi là nhân viên tiếp thị), Matsushita cho họ đi khắp các cửa hàng ở Osaka, đưa cho chủ cửa hàng mẫu đèn nhưng chỉ nhận tiền khi nào mà cửa hàng thông báo bán được và sự phản hồi hài lòng từ người tiêu dùng. Chỉ sau vài ngày, kết quả thu lượm được tốt đẹp đến độ không ngờ và trong vài tháng, thông tin về loại đèn xe đạp chiếu sáng liên tục suốt 50 tiếng đã lan truyền khắp nơi... Đến năm 1932, Matsushita Electric đã phát triển mạnh với 1.100 công nhân, doanh số 3 triệu yen/năm, 280 bằng phát minh có đăng ký và nhà máy sản xuất đã được lập tại 10 địa điểm...
Duy tân và Kaizen
Cuối cùng, phải nói thêm rằng, tinh thần tôn trọng duy tân và mở cửa là những yếu tố chính giúp Nhật lập được một nền tảng vững như bàn thạch cho phát triển kinh tế. Từ thời Minh Trị (1868 - 1912), người Nhật đã đón nhận những tư tưởng khoáng đạt từ phương Tây khi khuyến khích thế hệ trẻ tiếp thu cái hay trong kiến thức khoa học phương Tây. Giai đoạn này, hàng ngàn sinh viên Nhật Bản đã được gửi sang Mỹ và châu Âu; trong khi Nhật Bản thuê hơn 3.000 người phương Tây đến nước họ để dạy khoa học hiện đại, toán, kỹ thuật và ngôn ngữ.
Sau năm 1945, tinh thần duy tân Minh Trị, thật ra được thai nghén từ thời tướng quân Tokugawa (1600 - 1868), bắt đầu tái hiện, bằng chính sách giáo dục với mục tiêu tối thượng là hiện đại hóa đất nước. Ý chí kỷ luật cùng chính sách đề cao giáo dục đã trở thành hai trong số yếu tố bản lề mang lại sự thịnh vượng cho Nhật sau Thế chiến thứ II. Công nghiệp Nhật Bản bùng nổ, một phần, còn nhờ “triết lý” riêng cho hệ thống doanh nghiệp: Kaizen (“Cải thiện”), tức phải đổi mới và cải tiến liên tục. Cuối cùng, sự ổn định chính trị với hệ thống chính trị dân chủ cũng là yếu tố quan trọng giúp Nhật Bản xây dựng được kỳ tích đáng nể nhất lịch sử châu Á hiện đại. Dù ý chí người dân có bằng thép đi nữa thì cũng chẳng giúp được gì cho công cuộc khôi phục và xây dựng, nếu nguồn vốn tái thiết quốc gia bị cắt xén do tham nhũng.
Mạnh Kim