Ngành điện góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới
Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên. Trên địa bàn tỉnh có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 45,8%. Đến nay, toàn tỉnh có 222/222 phường, xã, thị trấn (24 phường, 186 xã và 12 thị trấn) có điện, đạt 100%; 2508/2508 tổ, thôn, làng có điện-đạt 100%.
Đóng điện dự án thôn buôn cấp điện cho làng phong Đức Cơ |
Chủ động tiếp nhận, cải tạo lưới điện nông thôn
Trước năm 2005, lưới điện hạ áp trên địa bàn tỉnh Gia Lai được hình thành từ nhiều nguồn vốn khách nhau: vốn ngân sách, vốn vay, vốn hợp tác xã, vốn dân góp… Qua thời gian sử dụng, hệ thống điện này bị cũ nát, không đảm bảo an toàn, bán kính cấp điện lớn, độ tin cậy thấp, tổn thất điện năng trên 20%. Lúc bấy giờ trên địa bàn tỉnh Gia Lai tồn tại rất nhiều tổ chức mua điện của ngành điện để bán điện trực tiếp cho nhân dân, lưới điện các tổ chức này quản lý không được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa… Điện lực Gia Lai (nay là PC Gia Lai) đã báo cáo với UBND tỉnh Gia Lai về thực trạng hệ thống lưới điện trên địa bàn và đề xuất tiếp nhận toàn bộ lưới điện để bán trực tiếp đến các hộ dân.
Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, của EVNCPC và sự hưởng ứng tạo điều kiện của khách hàng dùng điện, chỉ sau một thời gian ngắn, PC Gia Lai đã hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện nông thôn trên địa bàn.
Sau khi tiếp nhận, PC Gia Lai đã tập trung vào cải tạo, phát triển mới hệ thống điện cũ nát do các tổ chức địa phương bàn giao bằng nhiều nguồn vốn. Trong đó, Dự án năng lượng nông thôn (vay vốn WB) 84,8 tỷ đồng; dự án cấp điện cho các thôn, buôn tại Gia Lai 310 tỷ đồng; dự án nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Gia Lai (vay vốn ADB) 228 tỷ đồng; dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Gia Lai (vay vốn ngân hàng tái thiết Đức - KFW) 152 tỷ đồng, cùng với hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư, sửa lớn hàng năm của PC Gia Lai đã cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện từ chỗ cũ nát, manh mún, rời rạc thành một lưới điện thống nhất, có độ tin cậy cao.
100% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện
Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có 5 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí; 43 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 119 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; 10 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí số 4 về điện đạt 100% số xã.
Được biết, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, qua đánh giá thực trạng bình quân mỗi xã chỉ đạt 3 tiêu chí, không có xã nào đạt được 19 tiêu chí, trong đó có 158 xã/184 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Lưới điện đường Nguyễn Tất Thành mới được xây dựng. |
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, PC Gia Lai tiếp tục tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư 86 dự án với tổng vốn đầu tư trên 370 tỷ đồng, trong đó xây dựng mới, cải tạo 362 km đường dây trung, hạ thế; xây dựng mới và cải tạo 746 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 90.000 kVA, cùng với hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư, sửa lớn hàng năm của PC Gia Lai đã cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện. Đến thời điểm này, PC Gia Lai đã có một khối lượng tài sản quy mô lớn gồm 09 trạm biến áp trung gian, 4.447 km đường dây trung áp, 4.149 km đường dây hạ áp và 3.816 trạm biến áp phụ tải; trực tiếp cung ứng điện cho trên 355.944 khách hàng; sản lượng điện hằng năm tăng từ 15-17%, cấp điện đến 100% xã của toàn tỉnh.
Trao đổi với bà Bùi Thị Mỹ Dung - Chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa, xã vừa được trao quyết định và đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn "nông thôn mới" xung quanh vấn đề tiêu chí số 4 về điện, bà Dung nói: “Có thể nói, tiêu chí số 4 về điện đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Có điện, bộ mặt xã thay đổi hẳn, những công trình phúc lợi, y tế, giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng, thương mại dịch vụ được xây dựng, bà con sử dụng điện để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, tiêu chí này địa phương chúng tôi không phải đầu tư vì ngành điện đã chủ động đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật về điện, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Nằm trong 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có xã Biển Hồ thuộc thành phố Pleiku, trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, địa phương rà soát hiện trạng so với bộ tiêu chí, xã Biển Hồ đạt được 14/19 tiêu chí, 5 tiêu chí chưa đạt là: trường học, chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, văn hóa. Như vậy, tiêu chí 4 về điện đã đạt chuẩn, địa phương không phải đầu tư xây dựng nữa.
Ông Lê Doãn Chiến - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tiêu chí số 4 về điện đạt chuẩn sẽ là “đồn bẩy” để các tiêu chí khác hoàn thành. Bởi, có điện và cung cấp điện đủ ổn định sẽ giúp triển khai các dự án phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm… nhằm giúp cho người dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang tính bền vững, ổn định góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã”.
Ông Chiến cho biết thêm, mặc dù xã không phải đầu tư hệ thống điện đạt chuẩn theo tiêu chí số 4 về điện, nhưng trong 3 năm (2011-2013), xã đã huy động được hơn 108,3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 6.128 mét đường giao thông nông thôn; xây dựng và sửa chữa một số hạng mục công trình của xã và các thôn làng; xây dựng hệ thống thoát nước và phòng cháy chữa cháy chợ Biển Hồ; sửa chữa các trường học; đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng tại một số thôn, làng; tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi giúp người dân phát triển kinh tế...
Như vậy, trong thời gian qua, PC Gia Lai đã hỗ trợ đắc lực về nguồn vốn đầu tư lưới điện, đảm bảo cấp điện với điều kiện tốt nhất, đây cũng là một trong những “đòn bẩy về kinh tế” góp phần thúc đẩy để Gia Lai sớm hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Võ Công Hiền (Năng lượng Mới)