Bộ Công Thương chia sẻ khó khăn cùng ngành than
Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về phương hướng khắc phục hậu quả do mưa lụt trong thời gian vừa qua.
Những thiệt hại nặng nề của Quảng Ninh
Ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ ngày 26-7 đến nay đã gây những thiệt hại hết sức nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 17 người bị chết do thiên tại mưa lũ. Tổng số hộ dân bị ảnh hướng do ngập lụt trên địa bàn tỉnh là khoảng trên 3.700 hộ. Ước tổng thiệt hại từ ngày 26-7 đến 5-8 trên 2.700 tỉ đồng. Trong suốt thời gian diễn ra mưa lũ, tỉnh Quảng Ninh đã dừng hoạt động các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo, huy động các lực lượng vũ trang khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn. Tỉnh cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời từ các cấp Trung ương, các bộ, ngành nhằm khắc phục hậu quả thiên tai. Đến nay, các tuyến giao thông trên địa bàn đã cơ bản được khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt. Tỉnh đã di dời đến nơi an toàn 2.187 hộ gia đình; di chuyển an toàn cho trên 1.600 du khách mắc kẹt trên đảo Cô Tô. Việc cung ứng điện, nước, lương thực trên địa bàn cơ bản đã được khắc phục. Trước mắt, Quảng Ninh đã trích ngân sách tỉnh 15 tỉ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn; bước đầu hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà sập; tiếp cận hỗ trợ cho các hộ dân khu vực ngập úng.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thăm hỏi, động viên anh Cao Tiến Vỹ (phường Cao Thắng,TP Hạ Long) |
Đối với ngành than, chỉ sau 10 ngày mưa lụt, trên 10.000 tấn than tại các kho, bãi tập kết than đã bị mưa lớn cuốn trôi, toàn bộ khai trường trong các mỏ lộ thiên đều bị ngập; một số mỏ hầm lò bị ngập, tê liệt sản xuất, trong đó thiệt hại lớn nhất là mỏ Mông Dương và Quang Hanh. Các tuyến vận tải than đều bị hư hỏng do tiếp tục có mưa lớn chưa khắc phục được để vận chuyển than cho các hộ tiêu thụ than, đặc biệt là các nhà máy điện; khoảng 30.000 công nhân của các đơn vị ngành than phải nghỉ làm… Ước tính thiệt hại khoảng 1.200 tỉ đồng.
Ngành than cần chính sách hỗ trợ
Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã gửi lời thăm hỏi và chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà tỉnh Quảng Ninh và ngành than gặp phải trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua; đồng thời mong muốn tỉnh Quảng Ninh và ngành than nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và đời sống cho nhân dân. Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị với Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất với Chính phủ những cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh và ngành than khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Trong suốt thời gian mưa lũ, TKV có rất nhiều cố gắng trong công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả sau mưa lũ, dù thiệt hại không nhỏ. Thiên tai đã đi qua, tuy nhiên những khó khăn phải khắc phục hiện nay hết sức nặng nề. Đại diện TKV đề xuất với Bộ Công Thương có cơ chế hỗ trợ ngành than sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước mắt Bộ trưởng đồng ý có cơ chế cho TKV chỉ định thầu để sửa chữa các hạng mục đường vận chuyển than bị hư hỏng do mưa lũ. Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn khẩn trương triển khai các giải pháp như: Tìm mọi biện pháp ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động; phối hợp với tỉnh có giải pháp xử lý các vấn đề môi trường do khai thác than gây ra; tính toán điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất ngành than hợp lý. Qua đợt mưa lũ này, Tập đoàn cần rà soát xem xét lập quy hoạch chi tiết các vùng khai thác than để đảm bảo tốt công tác phòng chống thiên tai.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, “những đề xuất kiến nghị của tỉnh và ngành than, Bộ Công Thương sẽ sớm tổng hợp và trình Chính phủ xem xét giải quyết. Về phía tỉnh, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo thực hiện điều chỉnh quy hoạch bãi thải ngành than cho phù hợp; chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để có phương án xử lý. Tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành than, điện lực, công thương, quản lý thị trường tập trung khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ, làm sao trong thời gian ngắn nhất nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất”. Song song với đó, đối với ngành điện, cần sớm có giải pháp khắc phục các sự cố lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho người dân. Đối với ngành công thương, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, ép giá hàng hóa sau mưa lũ. Đồng chí cũng đề nghị tỉnh và các ngành liên quan chú ý đến vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa sau mưa lũ.
Sẻ chia khó khăn với tỉnh
Nhân dịp này, các đơn vị gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã ủng hộ Quảng Ninh hơn 11 tỉ đồng để các đơn vị khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ trưởng và đoàn công tác đã tới thăm anh Cao Tiến Vỹ (trú tại tổ 44, Khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (anh Vỹ có 8 người thân trong gia đình bị thiệt mạng trong đợt mưa lũ vừa qua); thăm hỏi, động viên, tặng quà công nhân làm việc tại Công trường than 917 (Công ty Than Hòn Gai)...
Thay mặt tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Thị Hoàng cảm ơn sâu sắc sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước đã hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đồng chí nhấn mạnh: Sự quan tâm, hỗ trợ trên vô cùng quý báu, là động lực để Quảng Ninh tiếp tục đẩy nhanh giải quyết hậu quả do mưa lụt gây ra. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh rà soát kỹ các đối tượng bị thiệt hại do mưa lụt để nguồn hỗ trợ sớm đến với người dân nhưng cũng đảm bảo bảo đúng việc, đúng đối tượng...
Minh Châu