Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Nguyễn Chương:
Núi rừng có điện thay sao
Ngày 6/8, tại thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức lễ mừng công hoàn thành mục tiêu cấp điện cho 100% số xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Đây là sự kiện đánh dấu sự nỗ lực rất lớn của ngành điện nói chung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà cụ thể là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc nói riêng. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chương - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhân sự kiện quan trọng này.
PV: Trước hết xin ông cho biết một cách khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu những năm qua?
Ông Nguyễn Chương: Lai Châu là tỉnh biên giới thuộc vùng trung du miền núi phía bắc, có diện tích tự nhiên 9.068,78km2. Phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với đường biên giới dài 265,095km, phía đông giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, phía nam giáp tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La. Lai Châu có 8 đơn vị hành chính gồm thành phố Lai Châu và 7 huyện là Tam Đường, Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên, có 6 huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ) với 108 xã, phường, thị trấn, trong đó 74 xã đặc biệt khó khăn, 22 xã biên giới có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh. Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, mật độ dân số bình quân của tỉnh khá thưa khoảng 42 người/km2.
Ông Nguyễn Chương |
Những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tập đoàn kinh tế, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Sau 11 năm chia tách, thành lập, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế có bước phát triển, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ nhanh. Sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển khá, tổng sản lượng lương thực đạt 116% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ; thu ngân sách trên địa bàn tăng 40 lần so với năm 2004.
Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, miền núi, biên giới. Công tác di dân tái định cư các công trình thủy điện được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ nét, dân trí nâng lên...
PV: Với riêng hệ thống lưới điện thì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Chương: Với đặc điểm địa bàn rộng, mật độ dân cư nông thôn thưa và thường sống không tập trung, địa hình dốc, phân cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển nên việc thực hiện đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, do chi phí điện khí hóa bình quân/hộ cao.
Tuy nhiên, những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc với vai trò chủ đạo đã quan tâm, ưu tiên bố trí các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh với 1.300km đường dây trung áp; 1.100km đừng dây hạ áp; gần 700 trạm biến áp; cấp điện cho hơn 37.000 hộ dân. Nhờ đó, số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đã tăng từ 37,3% số xã, 29,4% số hộ dân được sử dụng điện năm 2004 lên 100% số xã với 84,4% số hộ dân tính đến thời điểm hiện tại.
PV: Vậy xin ông cho biết ý nghĩa của việc cấp điện lưới quốc gia về 100% số xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu của ngành điện?
Ông Nguyễn Chương: Lai Châu là tỉnh mới được chia tách từ 1-1-2004. Thời gian đầu, tỷ lệ số xã có điện lưới quốc gia chỉ đạt 37%. Sau hơn 10 năm, với trách nhiệm của UBND tỉnh cùng sự phối hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến nay tỉnh Lai Châu đã phấn đấu 108/108 xã phường đã có điện lưới quốc gia với số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia khoảng 85%. Mục tiêu như vậy đã đạt được so với kế hoạch đề ra từ khi chia tách cũng như Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.
Ý nghĩa trước hết về mặt kinh tế, trên địa bàn toàn tỉnh kể từ khi có điện lưới quốc gia đã tạo điều kiện, cơ hội phát triển ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp, kể cả sản xuất hàng hóa cũng như lĩnh vực thông thương, thương mại, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững trong tương lai.
Về mặt xã hội, có thể nói đồng bào vùng sâu, vùng xa, trong suốt bao nhiêu năm qua khi lưới điện quốc gia khi chưa đến, với cái đèn dầu thì cuộc sống rất là vất vả. Đến nay khi lưới điện quốc gia đến tất cả các xã trên địa bàn toàn tỉnh, ánh sáng điện đã soi đường cho tất cả các hoạt động mà đặc biệt là các hoạt động kinh tế và giao lưu văn hóa, xã hội được thuận lợi hơn, tương lai sẽ tốt hơn.
PV: Để tiếp tục cấp điện cho những hộ gia đình chưa có điện và duy trì hệ thống điện an toàn, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, ông có kiến nghị gì?
Ông Nguyễn Chương: Mặc dù hiện nay, điện lưới quốc gia đã đến với 100% số xã nhưng số thôn bản thì vẫn còn hơn 60 bản chưa có điện lưới quốc gia, với số hộ là 6.600 hộ. Mục tiêu của tỉnh là sẽ tiếp tục triển khai, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tổ chức triển khai các dự án tiếp theo bằng các nguồn vốn đầu tư của nhà nước và các nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài. Các dự án này sẽ chủ yếu tập trung vào các thôn bản có điều kiện thì sẽ cấp điện trước, những thôn bản ở khu vực vùng sâu, vùng xa sẽ cấp sau.
Đó là mục tiêu của chúng tôi đặt ra và phấn đấu đến năm 2020 thì toàn tỉnh sẽ có 100% thôn bản sẽ được cấp điện lưới quốc gia. Phấn đấu trên 92% số hộ được dùng điện lưới quốc gia.
PV: Xin ông cho biết đánh giá về những nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Lai Châu trong việc đưa điện lưới quốc gia đến 100% số xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu?
Ông Nguyễn Chương: Có được thành quả như ngày hôm nay về lĩnh vực cung cấp điện cho đồng bào thôn bản và các xã chưa có điện ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng đặc biệt khó khăn trước hết là sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực, có trách nhiệm, hiệu quả của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Lai Châu.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng hỗ trợ gần 500 tỉ đồng cho 3 huyện nghèo là Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu nhằm giúp các huyện có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, Tập đoàn cũng đã chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và ngành điện Lai Châu tham gia hỗ trợ xây dựng trường học, nhà bán trú dân nuôi, xóa nhà tạm, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp... qua đó góp phần mang lại hiệu quả thiết thực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Những kết quả tích cực mà tỉnh Lai Châu đạt được trong những năm qua vì thế có sự đóng góp không nhỏ của ngành điện lực Việt Nam nói chung, điện lực Lai Châu nói riêng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo báo cáo đánh giá việc đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của Công ty Điện lực Lai Châu: Các công trình lưới điện đưa vào vận hành đã phát huy được hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao, hoạt động sản xuất của người dân nông thôn chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, dịch vụ góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh: năm 2004 tỷ lệ hộ nghèo là 60,75%, đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo còn 23,48% (theo tiêu chí mới). Thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 44,3% năm 2014. |
Thanh Ngọc