70 năm sự kiện Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki:
Quyết định dùng bom nguyên tử ra đời từ lúc nào?
Một sự kiện kinh khủng nhất lịch sử chiến tranh nhân loại đã xảy ra cách đây 70 năm, khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất (đến thời điểm này) mà bom nguyên tử được sử dụng.
Sức hủy diệt của bom nguyên tử Ngày 6/8/1945, quân đội Mỹ đã ném quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại mang tên "Little Boy" xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) giết chết ít nhất 90.000 người, phá hủy toàn bộ thành phố. Những người sống sót cũng bị nhiễm phóng xạ nặng, mang những di chứng suốt đời. |
Một “chiến dịch đặc biệt tối mật”
Theo sử gia Bộ Quốc phòng Mỹ Louis Morton trong quyển “The Decision To Use the Atomic Bomb”, vài thông tin đầu tiên về bí mật hậu trường trong quyết định thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản bắt đầu hé mở vào tháng 2-1947 từ tiết lộ của Henry L. Stimson, Bộ trưởng Chiến tranh Hoa Kỳ, người hơn ai hết có trách nhiệm trong việc cố vấn Tổng thống Harry Truman trong việc dùng vũ khí nguyên tử. Cuối năm 1944, danh sách mục tiêu tại Nhật đã xuất hiện trên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ và một phi đội B-29 cũng bắt đầu huấn luyện cho một “chiến dịch đặc biệt tối mật”.
Đài Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima |
Quyết định sử dụng bom nguyên tử là “bí mật được giữ kín nhất trong toàn bộ cuộc chiến (Thế chiến thứ II)” - như lời kể của Đô đốc Mỹ William D. Leahy và chỉ một số rất ít viên chức cấp cao quân sự và nội các biết về sự ra đời của bom nguyên tử tại Mỹ. Ngày 15-3-1945, Stimson bàn về kế hoạch bom nguyên tử với Tổng thống Franklin D. Roosevelt, về ảnh hưởng của bom chứ không phải vấn đề sử dụng hay không bom nguyên tử đối với Nhật. Chi tiết này cho thấy thật ra Roosevelt cũng từng nghĩ đến giải pháp bom nguyên tử như một cách kết thúc sớm cuộc đại chiến.
Sau khi Roosevelt mất, Stimson trình bày vấn đề với người kế nhiệm Truman. Trong cuộc họp Nhà Trắng ngày 25-4-1945, Stimson thuật lại ngắn gọn lịch sử Đề án Manhattan (chế tạo bom nguyên tử) và nhấn mạnh “trong vòng bốn tháng nữa, chúng ta sẽ hoàn thành loại vũ khí kinh khủng nhất chưa từng có trong lịch sử nhân loại”. Như lần gặp Roosevelt, cuộc họp bàn về bom nguyên tử vào những ngày đầu tiên nhậm chức của Truman cũng chỉ nói về ảnh hưởng chính trị và ngoại giao chứ không bàn đến tính chất vụ tấn công hoặc vấn đề đạo đức.
Theo đề nghị Stimson, Truman chuẩn y thành lập Ủy ban Chuyển tiếp (Interim Committee - IC) chịu trách nhiệm phác thảo chiến dịch thả bom nguyên tử xuống Nhật. IC nằm dưới sự điều hành của Stimson (George L. Harrison - Chủ tịch Công ty Bảo hiểm New York Life Insurance, cố vấn đặc biệt Văn phòng Bộ chiến tranh - thay thế ghế chủ tọa nếu Stimson vắng mặt). James F. Byrnes - thời điểm đó không giữ chức vụ cụ thể nào - là đại diện đặc biệt của Truman... Ngày 1-6-1945, IC đệ trình báo cáo lên Truman, trong đó đề nghị “bom nguyên tử phải được dùng tấn công Nhật càng sớm càng tốt”.
Tháng 5-1945, phát xít Đức đầu hàng và quân Nhật cũng đại bại tại nhiều chiến trường châu Á. Các đợt tấn công liên tiếp của phe Đồng minh bằng không lực và tàu ngầm đã triệt tiêu Nhật khỏi nhiều vùng biển và lãnh thổ châu Á. Phát xít Nhật đang tuyệt vọng. Phe Đồng minh bắt đầu lập kế hoạch đổ bộ vào Nhật, với chiến dịch Olympic tấn công vào đảo Kyushu (dự kiến) vào ngày 1-11-1945 và chiến dịch Coronet đổ quân lên đảo Honshu vào 5 tháng sau.
Viết thư gửi Ban Tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ vào ngày 20-4-1945, tướng Mỹ Douglas MacArthur nhấn mạnh, chiến dịch đổ bộ cần sự phối hợp toàn diện của lục quân và kế hoạch sẽ khó thực hiện nếu tiến hành vào năm sau. Phân tích tiếp theo cho thấy, phát xít Nhật dù lao đao nhưng chưa kiệt sức. Họ còn lượng vũ khí khổng lồ và đạo quân dũng mãnh 5 triệu lính đóng ở hải ngoại, chưa kể 2 triệu lính trong nước - một thách thức không nhỏ đối với kế hoạch đổ bộ. Tình báo Mỹ cho biết thêm, việc vây kín Nhật bằng tàu chiến chặn đứng tiếp cứu từ hải ngoại cũng như giải pháp dội bom liên tục chưa chắc hiệu quả trước khi chiến dịch đổ bộ được tiến hành. Hơn nữa, đổ bộ là giải pháp tốn kém và chắc chắn tổn thất nhiều nhân mạng. Báo cáo tình báo Mỹ đề ngày 30-6-1945 nhấn mạnh: “Người Nhật tin rằng sự đầu hàng vô điều kiện chẳng khác gì chấp nhận sự diệt vong quốc gia”.
Yếu tố Liên Xô
Cuối tháng 6-1945, Đại sứ Nhật tại Moscow - Sato Naotake - bắt đầu đi cửa sau nhờ Liên Xô làm trung gian với phe Đồng minh để tìm kiếm một sự ngã ngũ ít đổ máu cho cục diện Viễn Đông. Loạt điện đàm giữa Tokyo và Moscow mà Mỹ nghe trộm được cho thấy người Nga cố tình trì hoãn phúc đáp, đặc biệt trong bối cảnh lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin chuẩn bị dự hội đàm với các nguyên thủ Đồng minh tại Potsdam (Đức) vào giữa tháng 7-1945. Từ chiến dịch vận động hậu trường của Sato Naotake tại Moscow, Mỹ bắt đầu lo ngại Liên Xô chính thức can thiệp tình hình Viễn Đông. Ngoài ra, một số viên chức Mỹ cũng tin rằng, giải pháp bom nguyên tử cũng là tín hiệu cảnh báo khiến Liên Xô hạn chế bành trướng châu Âu.
Quả bom nguyên tử thử nghiệm Alamogordo (New Mexico), một ngày sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Potsdam khai mạc (17-7-1945) |
Ngày 4-7-1945, Chính phủ Anh bật tín hiệu xanh cho biết họ đồng ý sử dụng bom nguyên tử tấn công Nhật. Vấn đề bây giờ chỉ là thời gian. Trong khi đó, Liên Xô bắt đầu nghe phong thanh việc Mỹ có thể dùng bom nguyên tử. Hoài nghi này càng củng cố khi vụ thử nghiệm bom nguyên tử thành công tại Alamogordo (bang New Mexico) chỉ một ngày sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Potsdam khai mạc (17-7-1945). Trong khi đó, Nhật tiếp tục nỗ lực sử dụng kênh Sato và đề nghị Liên Xô làm trung gian. Ngày 2-8-1945 - thời điểm Hội nghị Potsdam bế mạc, Ngoại trưởng Nhật Togo Shigenori gửi thư cho Đại sứ Sato, nhấn mạnh rằng bằng mọi giá phải thuyết phục Liên Xô. Tuy nhiên, đã quá muộn. Truman đã quyết định dùng bom nguyên tử.
Phi đội đặc biệt được huấn luyện thả bom nguyên tử đã sẵn sàng dưới sự chỉ huy của tướng Carl A. Spaatz và một trong những mục tiêu đầu tiên là Hiroshima, Kokura, Niigata hoặc Nagasaki. Tại đảo Tinian và Guam, kế hoạch thả bom nguyên tử hoàn tất vào ngày 3-8-1945. Theo dự tính, chiến dịch được thực hiện vào ngày 4-8 nhưng hoãn lại do thời tiết xấu. 2h45’ ngày 6-8-1945, chiếc Enola Gay bắt đầu cất cánh. 6 tiếng rưỡi sau, quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima, thành phố lớn thứ 8 của Nhật. Từ tàu khu trục Augusta trên đường trở về Mỹ, Truman nghe báo cáo qua vô tuyến.
Ngày 7-8-1945, Đại sứ Sato tại Moscow được tin Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Mikhailovich Molotov yêu cầu gặp vào trưa hôm sau. Đến Kremlin với hy vọng nhận được phản ứng tích cực Moscow trong vai trò trung gian đàm phán như Tokyo đề nghị, Sato bàng hoàng khi được trao bản tuyên chiến của Liên Xô, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 9-8-1945! Trong khi đó, Truman đã chuẩn y việc thả quả bom nguyên tử thứ hai. Mục tiêu là Kokura và thời điểm là 9-8-1945 (do trục trặc nên cuối cùng Nagasaki là nơi hứng chịu quả thứ hai).
Lá thư của Albert Einstein Nổi bật và đóng vai trò quan trọng trong Chương trình Manhattan là công trình nghiên cứu về vật lý hạt nhân của khoa học gia Mỹ gốc Hungary Leo Szilard (năm 1942, Szilard đã cùng nhà vật lý Ý Enrico Fermi thực hiện thành công phản ứng dây chuyền hạt nhân đầu tiên tại Đại học Chicago). Chính Szilard chứ không ai khác đã thúc Albert Einstein viết thư báo cho Tổng thống Mỹ F. D. Roosevelt biết về tiềm năng của vũ khí hạt nhân khi ứng dụng vào quân sự. Nội dung nguyên văn như sau: Ngày 2 tháng 8 năm 1939 Thưa Tổng thống! Một số công trình do E. Fermi và L. Szilard thực hiện và liên lạc với tôi qua bản thảo đã khiến tôi hy vọng rằng uranium có thể được chuyển đổi thành nguồn năng lượng mới và quan trọng trong tương lai gần. Một số mặt của tình hình đang nổi lên dường như muốn kêu gọi sự cảnh giác; và nếu cần thiết, cần phải hành động nhanh theo chức năng của bộ máy chính phủ. Vì thế, tôi tin rằng tôi phải có trách nhiệm kêu gọi sự chú ý của ngài vào những sự kiện và các đề nghị sau đây: Theo quá trình của 4 tháng vừa qua, với những công trình của Joliot ở Pháp cũng như Fermi và Szilard ở Mỹ, chúng ta nhận thấy rất có thể sẽ xây dựng được một lò phản ứng hạt nhân sử dụng lượng uranium lớn để tạo ra nhiều khối năng lượng và thành phần mới giống như radium. Bây giờ, vấn đề này gần như chắc chắn có thể thực hiện được trong tương lai gần. Hiện tượng mới này cũng sẽ dẫn đến việc tạo ra những quả bom và điều có thể thực thi này - tuy không chắc lắm - sẽ cho ra đời những quả bom mạnh kinh khủng thuộc loại mới. Chỉ một quả bom loại này, mang bằng tàu và cho nổ ở cảng, rất có thể sẽ phá sụm toàn bộ cảng lẫn khu vực xung quanh. Tuy nhiên, các quả bom như thế có lẽ không thể vận chuyển bằng máy bay vì quá nặng. Nước Mỹ có quá ít quặng uranium. Có một số quặng tốt ở Canada và Tiệp Khắc cũ, trong khi nguồn uranium quan trọng nhất là Bỉ và Congo. Khi xem xét vấn đề này, ngài có thể nghĩ rằng nên có sự liên lạc thường xuyên giữa chính phủ và nhóm các nhà vật lý đang nghiên cứu về phản ứng dây chuyền tại Mỹ. Một cách hữu hiệu để thực hiện chuyện này mà ngài có thể tiến hành là tin tưởng giao công việc cho một người. Công việc của người đó như sau: a. Liên lạc với các ban, bộ của chính phủ để báo cáo thường xuyên về công trình nghiên cứu đồng thời tham vấn chính phủ về chương trình hành động, quan tâm đặc biệt tới vấn đề an ninh trong việc cung cấp uranium cho Mỹ; b. Thúc đẩy tiến trình thử nghiệm - mà đang được thực hiện trong hạn chế của ngân sách dành cho các phòng thí nghiệm trong khuôn khổ đại học - bằng cách hỗ trợ quỹ (nguồn quỹ này có thể xây dựng nhờ sự liên hệ của người đó với các cá nhân bên ngoài sẵn lòng đóng góp); hoặc bằng cách hợp tác với các phòng thí nghiệm của ngành công nghiệp đã có đủ trang thiết bị cần thiết. Theo tôi biết thì Đức đã thật sự ngưng bán uranium từ các quặng khai thác ở Tiệp Khắc mà Đức đã chiếm giữ. Và rằng Đức có thể sẽ hành động sớm, dựa trên cơ sở rằng con trai của Thứ trưởng Ngoại giao Đức - Von Weizsacker - đã liên hệ chặt chẽ với Viện Kaiser-Wilhelm ở Berlin, nơi các công trình nghiên cứu của Mỹ về uranium đang được bắt chước. Kính thư, Albert Einstein (Nguồn: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ)
|
8h15’ sáng 6-8-1945, quả bom Little Boy được thả từ chiếc Enola Gay (Boeing B-29). Quả bom dài 3m nặng 4 tấn sử dụng uranium 235 đã nổ trên bầu trời Hiroshima (cách mặt đất 580m). Nhiệt độ tạo ra từ vụ nổ nguyên tử lên đến hơn 1 triệu độ C và năng lượng tương đương 15.000 tấn thuốc nổ TNT. Tính đến cuối năm 1945, khoảng 140.000 trong dân số 350.000 cư dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ và bởi ảnh hưởng phóng xạ… 11h02’ sáng 9-8-1945, quả bom Fat Man được thả từ chiếc Bockscar (Boeing B-29). Quả bom dài 3,2m nặng 4,5 tấn sử dụng plutonium 239 đã nổ cách mặt đất Nagasaki 470m. Năng lượng tương đương 21.000 tấn TNT. Khoảng 74.000 cư dân Nagasaki đã thiệt mạng tính đến cuối năm 1945. 80% ngôi nhà trong phạm vi 2km từ tâm vụ nổ tại Nagasaki bị thiêu hủy hoàn toàn. |
M.Kim