Nghi can thứ 3 trong vụ thảm sát ở Bình Phước phạm tội gì?
(PetroTimes) - Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải Phóng phân tích khía cạnh pháp lý liên quan đến nghi can thứ 3 bị bắt trong vụ thảm sát làm 6 người thiệt mạng ở Bình Phước.
Những bài học rút ra từ vụ án nghiêm trọng ở Bình Phước |
Công bố thông tin chính thức vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước |
Đại tướng Trần Đại Quang tới hiện trường vụ thảm sát |
Căn nhà xảy ra vụ thảm sát làm 6 người thiệt mạng. |
Ngày 10/8, Công an tỉnh Bình Phước đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trần Văn Thoại (SN 1988, tạm trú quận Gò Vấp, TP HCM) để điều tra về hành vi “Giết người” và “Cướp tài sản”.
Những ngày qua, Công an tỉnh Bình Phước đã triệu tập và lấy lời khai của Thoại do có dấu hiệu liên quan đến vụ án. Tại cơ quan điều tra, Thoại thừa nhận đã lên kế hoạch gây án cùng Nguyễn Hải Dương (chủ mưu). Đến thời điểm gây án, Thoại không đồng ý tham gia nên Dương đã gọi Vũ Văn Tiến cùng đến nhà ông Lê Văn Mỹ gây ra vụ thảm sát 6 người.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng nhận xét, hành vi của Thoại có thể xảy ra 1 trong 2 trường hợp.
Giả thiết thứ nhất, Dương và Thoại đã lên kế hoạch gây án nhưng đến phút cuối Thoại từ chối không tham gia. Bị can Thoại chưa thể hiện được hành vi “Giết người”. Thoại không tham gia gây án nhưng cũng không có biện pháp ngăn cản và không trình báo cơ quan chức năng nên vẫn có thể bị truy cứu về tội “Giết người” và "Cướp tài sản".
Một giả thiết khác, Thoại không tham gia gây án nhưng đứng ngoài để “giúp sức” bằng vật chất, tinh thần, động viên, cổ vũ, cho mượn hung khí, phương tiện gây án… Lúc này, Thoại vẫn có thể bị truy tố về tội “Giết người” và "Cướp tài sản".
Luật sư Hưng phân tích: Trong trường hợp, nếu Dương rủ Thoại đến nhà ông Mỹ để gây án mà chưa cho biết kế hoạch cụ thể. Lúc này, Thoại từ chối nhưng không trình báo cơ quan chức năng thì cũng có thể bị xem xét về hành vi “Không tố giác tội phạm”.
Hưng Long