Bỏ nhà ra đi vì bãi rác Trung Sơn
Từ nhiều năm nay, bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho hơn 100 hộ dân ở hai phường Bắc Sơn và Trung Sơn.
Bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho hơn 100 hộ dân ở hai phường Bắc Sơn và Trung Sơn từ nhiều năm nay. Không chịu được tình trạng ô nhiễm của mùi hôi thối từ bãi rác thải, nhiều người dân đã phải bỏ nhà đi ở nơi khác.
Dự án nâng cấp, cải tạo khu xử lý rác thải sinh hoạt thị xã Sầm Sơn những tưởng sẽ giúp người dân cải thiện môi trường, nhưng tới nay Dự án vẫn dang dở, chậm tiến độ.
Bỏ nhà ra đi vì... bãi rác
Theo con đường đất lầy lội, chúng tôi vào bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn. Cách khoảng 100 mét mới tới bãi rác thải nhưng mùi hôi thối bốc khiến chúng tôi cảm thấy khó thở. Với những người từ nơi khác tới đây thì chỉ đứng 2 phút đã không chịu nổi nhưng với người dân hai phường Bắc Sơn và Trung Sơn đã phải chịu đựng gần 20 năm nay. Ông Nguyễn Hữu Hào, ở phường Bắc Sơn bức xúc:
“Từ 10h sáng gió tây vào thì người dân không thể thở được, đóng cửa cả ngày cũng không át được mùi, con cái, các cháu ban ngày phải chuyển đi sơ tán tối mới về nhà. đề nghị bãi rác phải di dời khỏi khu vực này hoặc nếu không thì phải có phương án chuyển chúng tôi đi nơi khác để chúng tôi có cuộc sống trong lành hơn. Dòng sông trước nhà tôi đây, ngày trước tắm mát nhưng đến giờ thì chỉ cần lội xuống sông thôi đã rất ngứa, nước hỏng chân.”
Tình cảnh của gia đình ông Nguyễn Hữu Hào cũng là tình cảnh của gần 100 hộ dân khác sống ở hai phường Bắc Sơn và Trung Sơn chịu đựng. Nước thải từ bãi rác chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra sông Đơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và ảnh hưởng đến nhiều ao, hồ.
Các hộ dân ở phường Trung Sơn đã phải góp 40 triệu đồng/hộ để lắp đường ống nước dẫn từ phường bên về sử dụng. Ông Cao Văn Đại, phường Trung Sơn cho biết: các hộ chăn nuôi và thả cá đều bị thiệt hại do nguồn nước bị ô nhiễm.
“Vừa đây tôi bắt hơn 100 con vịt, giờ còn được có vài chục con, không hiểu sao cứ lăn quay ra chết. Trong ao cá trong khoảng 5 ngày nay, chết khoảng gần 2 tạ. hiện cá vẫn đang nổi bụng lên kia. Ngoài sông này, nếu 1 ngày nước tháo từ bãi rác thì chứng kiến đến người còn k ngửi được nói gì cá. chúng tôi không yêu cầu gì cả, chỉ mong các cấp làm sao thị xã sầm sơn phải cải tạo chuyển đổi, giải quyết cho bà con.”
Chỉ định thầu đúng nhà thầu năng lực yếu
Bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn được xây dựng từ năm 1997, với diện tích hơn 2 ha, khu một chôn lấp rác và hai khu còn lại để lắng lọc nước thải, xử lý ô nhiễm trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, do dân số gia tăng và lượng khách du lịch đến với Sầm Sơn ngày một đông nên bãi rác thải đã và đang quá tải.
Năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn với tổng giá trị đầu tư ban đầu 26,3 tỷ đồng. Dự án này sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực xung quanh.
Theo yêu cầu, bãi rác thải phải hoàn thành trước 30 tháng 4 để phục vụ mùa du lịch hè năm 2015. Ông Trịnh Huy Triều, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sầm Sơn cho biết:
“Bãi rác Sầm Sơn nằm trong danh mục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Chính phủ, ảnh hưởng rất lớn tới du lịch Sầm Sơn. Trên cơ sở đó tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu, cho phép được chỉ định thầu. Đến nay thì tiến độ đã hoàn thành hết rồi và bãi rác năm nay thì dân rất vui vì không còn mùi, người dân đồng tình hoan nghênh”
Trái ngược với những lời nói của lãnh đạo thị xã Sầm Sơn, phản ánh của những người dân sống quanh khu vực cho rằng: “càng cải tạo lại đọng rác lên, lại càng ô nhiễm, hôi thối”.
Tại bãi rác thải, theo ghi nhận của phóng viên, công trình đang được xây dựng dở dang, đường vào chưa hoàn thành, đặc biệt khu xử lý nước thải trước vẫn chưa xong, nước thải vẫn xả thẳng ra sông Đơ. Cả bãi rác thải chỉ có một chiếc máy cẩu nhưng không hoạt động và cũng không có công nhân nào làm việc.
Dự án cải tạo, nâng cấp bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn chậm tiến độ có một phần nguyên nhân do Ủy ban nhân dân thị xã Sầm Sơn chỉ định thầu “vội vàng” cho doanh nghiệp xây dựng có năng lực yếu.
Ban đầu, Dự án được phê duyệt với hình thức đấu thầu công khai theo Quyết định số 1311 Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến ngày 26 tháng 6 năm 2014, Quyết định 1972 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét tờ trình 892 của Ủy ban thị xã Sầm Sơn lại điều chỉnh Dự án từ đấu thầu công khai sang chỉ định thầu căn cứ theo quy định của Luật đấu thầu cũ năm 2005.
Trong khi đó, chỉ còn 4 ngày nữa là Luật Đấu thầu 2013 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014. Bởi Luật đấu thầu 2013 đã hủy bỏ điều khoản quy định được chỉ định thầu đối với trường hợp: “xử lý sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải làm ngay”.
Như vậy, việc chỉ định thầu được hợp thức hóa bằng cách “lách qua khe cửa hẹp” khi chỉ còn 4 ngày nữa là dự án phải bắt buộc đấu thầu rộng rãi, công khai. Dư luận đặt câu hỏi: Việc “lách luật” này có lợi gì cho người dân hay biếu không cho doanh nghiệp một gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Việc chỉ định thầu cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Kỳ có năng lực yếu kém đang làm chậm tiến độ của Dự án (mà theo kế hoạch phải hoàn thành vào ngày 30/4/2015). Trong khi đó, người dân xung quanh khu vực Dự án vẫn hàng ngày hàng giờ phải sống chung với ô nhiễm từ bãi rác thải
H.L