Những bài học rút ra từ kỳ thi “2 trong 1” đầu tiên
Thế là kỳ thi “kép” lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng đã căn bản hoàn thành. Với tổng số lượng ngày thi, môn thi đều ít hơn nên nhiều người đã kỳ vọng sẽ giảm được sự căng thẳng, mệt mỏi, tốn kém cho thí sinh và toàn xã hội.
Hơn 1 triệu thí sinh làm thủ tục dự thi THPT Quốc gia 2015 Sáng nay (30/6), hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước bắt đầu làm thủ tục dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại 38 cụm thi. |
Nhưng thực tế, trong suốt quá trình tổ chức kỳ thi đã bộc lộ rõ những lúng túng trong tất cả các khâu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Không thể phủ nhận, kỳ thi cũng mang lại những hiệu quả và Bộ GD&ĐT cũng rất nỗ lực trong việc xây dựng được đề thi có sự phân hóa chất lượng thí sinh.
GS Trần Xuân Nhĩ |
Thế nhưng, những hiệu quả này còn rất khiêm tốn đối với một kỳ thi quốc gia.
Lần đầu tiên tổ chức, sẽ thật khó để mong tất cả được hoàn hảo. Nhưng theo các chuyên gia, các phụ huynh và cả thí sinh thì vẫn bộc lộ nhiều lúng túng.
Thứ nhất, ngay từ khâu ban hành quy chế tuyển sinh, Bộ đã “tiền hậu bất nhất”. Quá nhiều điều chỉnh trong quá trình tổ chức kỳ thi đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự tuân thủ các quy định của kỳ thi.
Điển hình, tại Văn bản số 1388 được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 25/3/2015, Bộ không cho phép thí sinh thay đổi cụm thi và các thông tin về môn thi sau ngày 30/4/2015. Cũng theo văn bản này, các thí sinh phải phản hồi các thông tin về sai sót (nếu có) trước ngày 5/5/2015 và các Sở GD&ĐT sẽ cập nhật các chỉnh sửa này chậm nhất ngày 20/5. Thế nhưng, đến ngày 22/5/2015, Bộ GD&ĐT lại ban hành Văn bản số 2470 cho phép thí sinh tiếp tục điều chỉnh phiếu đăng ký dự thi, thậm chí cả môn thi đến ngày 27/5/2015.
Tiếp tục, ngày 5/6/2015, Bộ GD&ĐT ban hành tiếp Văn bản số 710 cho phép thí sinh tự do đã đăng ký dự tuyển vào các trường thuộc khối quân đội, công an hay năng khiếu nếu chưa đăng ký thi THPT quốc gia thì được đăng ký bổ sung đến ngày 11/6/2015.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015 |
Đến ngày 18/6/2015, Bộ GD&ĐT lại ban hành văn bản khẩn số 3030 yêu cầu phải tiếp tục nhận hồ sơ của các thí sinh tự do nêu trong Văn bản 710 đến ngày 24/6/2015. Trong khi đó, việc xếp phòng thi tại các hội đồng thi đã phải hoàn tất từ ngày 10/6/2015. Như vậy là so với dự kiến ban đầu, chỉ riêng việc thủ tục đăng ký dự thi đã kéo dài hơn gần 2 tháng.
Những văn bản này tác động không nhỏ đến tâm lý của thí sinh, mới có hiện tượng liên tục sai sót trong khâu đăng ký và rất nhiều thí sinh nộp hồ sơ không đúng theo thời gian quy định, gây khó khăn trong tổ chức thi.
Thứ 2 là kỳ thi THPT quốc gia 2015 ban đầu vẫn được kỳ vọng sẽ giảm được tốn kém cho thí sinh cũng như xã hội. Thế nhưng, thực chất không hề giảm được chi phí.
Chỉ riêng chuyện một số môn thi tự chọn, cả hội đồng hơn 60 người chỉ phục vụ có mỗi một thí sinh dự thi… đã thấy sự lãng phí về cơ sở vật chất, nhân lực tổ chức thi đến mức nào. Chưa kể số ngày thi kéo dài 4 ngày, gây tâm lý mệt mỏi, căng thẳng cho thí sinh và phụ huynh...
Tất nhiên, thay vì phải tham gia 2 kỳ thi như trước đây thì thí sinh chỉ phải tham dự một kỳ thi. Nhưng thử tính đến giai đoạn hiện tại là làm nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Thay vì chỉ cần thi xong và chờ đợi đến ngày có kết quả thì giờ đây đến lượt thí sinh lúng túng. Không biết phải chọn trường nào cho… chuẩn. Với những thí sinh có số điểm thuộc khối để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cao thì khả quan hơn. Nhưng những thí sinh có điểm thấp hơn cũng thật nan giải để chọn trường.
Nhiều người đã ví von cho rằng: Việc chọn trường cho con không khác gì chơi… chứng khoán. Thừa nhận Bộ GD&ĐT cũng đã rất tạo cơ hội cho thí sinh và các trường tuyển sinh khi tạo đến 4 nguyện vọng cho thí sinh bước vào cánh cổng trường đại học. Thời gian tuyển sinh thì kéo dài đến tận tháng 11/2015. Quả là, cơ hội để vào trường cho thí sinh rất nhiều. Và đương nhiên, ai sẽ đảm bảo không có lượng hồ sơ ảo?
Như vậy là tốn kém lại hoàn tốn kém!
Đó là chưa kể đến việc công bố điểm thi của Bộ GD&ĐT khiến dư luận dậy sóng. Ban đầu, Bộ GD&ĐT quyết “độc quyền” công bố điểm thi dẫn đến tình trạng nghẽn mạng, thí sinh truy cập cùng lúc quá lớn nên nhiều thí sinh không thể xem được điểm thi. Chưa kể đây cũng là lần đầu tiên, điểm thi của một kỳ thi được coi là “bí mật quốc gia”. Bộ GD&ĐT cung cấp cho mỗi thí sinh một mã số riêng để đăng nhập vào hệ thống quản lý điểm thi do Bộ cấp, mới biết được điểm thi của mình. Theo giải thích của Bộ GD&ĐT thì: Điểm thi cần được bảo mật để đảm bảo quyền riêng tư cho thí sinh.
Nhận xét về kỳ thi này, GS Trần Xuân Nhĩ, một chuyên gia giáo dục kỳ cựu cho rằng, còn nhiều điểm còn tồn đọng cần phải giải quyết. Về nội dung, chọn thi 1 môn trong 3 môn tự chọn, có thể càng khiến các em học lệch. Mặc dù chương trình học phổ thông, chúng ta có dạy 12 môn bao gồm cả tự nhiên, cả xã hội và một số môn khác nữa nhưng cuối cùng học sinh chỉ chọn có 4 môn để thi. Điều đó tạo điều kiện cho việc dạy lệch, học lệch càng gia tăng. Mà tình trạng học lệch, dạy lệch ở ta đã rất nhức nhối rồi, không nên để học sinh ra đời với mớ kiến thức què quặt nữa.
Về cách thức của kỳ thi THPT quốc gia, không nên chia ra thành cụm thi do Sở GD&ĐT địa phương và cụm thi do các trường đại học chủ trì. Bởi thi phổ thông là thi hết 12 năm học ở địa phương thì nên giao cho địa phương, cùng chính quyền địa phương họ tổ chức thi. Bộ GD&ĐT chỉ nên ra bộ đề phù hợp với trình độ phổ thông để tổ chức thi trên toàn quốc và làm nhiệm vụ giám sát. Còn việc tuyển sinh vào vào các trường đại học, cao đẳng thì nên giao cho các trường đại học, cao đẳng quyền tự chủ tuyển sinh.
Về thời gian tuyển sinh, nên tổ chức ngay sau khi các em học hết lớp 12, nghĩa là thi vào tháng 5 hằng năm chứ đừng kéo dài qua tận tháng 7 mới tổ chức. Bây giờ xét tuyển vào các trường còn kéo dài đến tháng 11, quá lãng phí thời gian của các em học sinh.
Một điều nữa ông thấy băn khoăn qua kỳ thi THPT quốc gia là điểm Ngoại ngữ quá kém. Ngày nay chúng ta đang trong quá trình hội nhập với các nước trên thế giới mà ngoại ngữ kém, vậy thì làm sao chúng ta hội nhập được. Ngành giáo dục cần phải xem lại quá trình học ngoại ngữ.
Thêm nữa là đã đến lúc cần phải nhìn vào giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Chúng ta nói mãi rồi nhưng không đi liền với làm. Các em đã học hết lớp 12, đủ 18 tuổi rồi mà sao vẫn khó chọn trường là thế nào? Đó là trách nhiệm thuộc về giáo dục rồi? Điều quan trọng là hướng nghiệp lẽ ra phải định hướng cho các em từ rất sớm, học sinh cấp 2, thậm chí là cấp 1 đã biết ước mơ về nghề rồi cơ mà? Tại sao chúng ta không làm điều đó sớm hơn đi?!
Và còn nhiều nữa những luẩn quẩn xung quanh quy chế của kỳ thi. Mới nói, không thể kỳ vọng quá nhiều vào lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức. Nhưng từ lần “dấn thân” này, ngành giáo dục cũng có điều kiện để rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong những năm sau để tổ chức kỳ thi ngày một tốt hơn.
Huyền Anh