Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam khóa I (2010 - 2015):
Đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ
Những năm qua, mặc dù phải đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức như mất cân bằng tài chính, tỉ giá tăng cao, nguồn vốn vay hạn hẹp, giá nguyên liệu đầu vào tăng, khô hạn kéo dài... nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hệ thống điện từ chỗ phải “ăn đong” đến nay đã có dự phòng, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định với chất lượng ngày càng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Tình hình tài chính của Tập đoàn được cân bằng, sản xuất kinh doanh đã có lãi...
Điện đi trước với chất lượng cao
Trong định hướng phát triển của ngành điện, Đảng, Chính phủ xác định “điện phải đi trước một bước” để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đây cũng là mục tiêu xuyên suốt được Đảng ủy, lãnh đạo EVN đề ra quyết liệt thực hiện. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2011 - 2015, Tập đoàn đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, đến hết năm 2014, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam đã đạt mức 33.964MW, có dự phòng trên 20%, trong đó công suất nguồn điện do Tập đoàn sở hữu là 18.426MW (chiếm 52,3% tổng công suất đặt hệ thống). Và bước sang năm 2015, theo tính toán của EVN, điện thương phẩm toàn hệ thống sẽ đạt 141,8 tỉ kWh.
6 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La |
Song song với việc phát triển hệ thống nguồn điện, đảm bảo chủ động nguồn điện phục vụ các nhu cầu phụ tải của nền kinh tế, công tác giảm tổn thất điện năng cũng được Tập đoàn đặc biệt quan tâm. Năm 2015, để triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa chủ trương này, Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn đã chọn chủ đề hành động của năm là “Năng suất - Hiệu quả” - nền tảng để EVN phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, hàng loạt các biện pháp trong quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh đã được áp dụng, tỉ lệ tổn thất điện năng đã giảm mạnh qua các năm và mục tiêu được Tập đoàn đề ra trong năm 2015 là đưa tổn thất điện năng về mức 8% theo đúng tinh thần Quyết định 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để giảm áp lực gia tăng phụ tải điện lên hệ thống lưới điện quốc gia trong bối cảnh ngành điện còn thiếu vốn, khó khăn về vốn, các chương trình tiết kiệm điện đã được Tập đoàn, các đơn vị thành viên, trực thuộc triển khai thường xuyên tại các địa phương. Qua các hoạt động như quảng bá bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng thực hiện kiểm toán năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả... sản lượng điện tiết kiệm hằng năm đạt từ 1,7-2,5% điện thương phẩm.
Không chỉ chú trọng đến việc cấp điện đến 100% số huyện, hướng tới cấp 100% số xã, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng đã được triển khai sâu rộng tại các đơn vị của EVN. Một bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV) ngành điện cũng được ban hành và bước đầu đã làm thay đổi cách nhìn nhận của xã hội, người dân với người thợ điện. Nhiều ứng dụng công nghệ mới và công nghệ thông tin trong kinh doanh điện năng được triển khai, mở rộng khai thác các tiện ích, tính năng hỗ trợ các giao dịch với khách hàng qua giao diện điện tử trên các thiết bị di động, Internet như đọc chỉ số, tra cứu thông tin khách hàng, tra cứu chỉ số, lấy hóa đơn điện tử...
Số liệu thống kê của EVN cho thấy, điểm bình quân đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện toàn Tập đoàn tăng hằng năm và đạt 7,5/10 vào năm 2015. Thời gian phục hồi điện sau sự cố trong vòng 2 giờ; thời gian lắp đặt công tơ mới nhanh hơn thời gian quy định, đạt 83,17% so với tổng số trường hợp phát triển khách hàng mới ở đô thị và 88,61% khách hàng ở nông thôn. Chỉ tiêu độ tin cậy cung ứng điện theo tiêu chuẩn quốc tế của toàn Tập đoàn ngày càng được cải thiện rõ rệt và được khách hàng ghi nhận; chỉ tiêu tiếp cận điện năng giảm từ 155 ngày xuống còn 36 ngày...
Truyền tải điện an toàn, thông suốt
Nếu ví điện là “máu” thì lưới truyền tải chính là “mạch máu” đưa “dòng máu” đó đi nuôi sống cơ thể là nền kinh tế. Xác định như vậy, trong giai đoạn
2011 - 2015, Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung tối đa nguồn lực vào việc đầu tư, phát triển các nhà máy điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch điện lực của các địa phương. Nhờ đó, công tác đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện của Tập đoàn đã đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Hệ thống điện quốc gia liên tục mở rộng phạm vi, quy mô và năng lực sản xuất, đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện của đất nước. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 của Tập đoàn là 479.620 tỉ đồng, gấp 2,37 lần so với giai đoạn 2006 - 2010 và đạt 95,7% kế hoạch được giao theo Quyết định số 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về nguồn điện, Tập đoàn đưa vào vận hành 34 tổ máy với tổng công suất 9.852MW, bằng 125% so với quy hoạch điện VII điều chỉnh. Khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.629MW. Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á công suất 2.400MW đã chính thức khánh thành vào ngày 23-12-2012, vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước, được Đảng và Chính phủ đánh giá cao. Các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam đảm bảo tiến độ (như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1...) góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam. Tập đoàn đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận nên tiến độ các dự án thành phần đáp ứng tiến độ theo kế hoạch. Dự án đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đang trong quá trình thẩm tra phê duyệt.
Về lưới điện, Tập đoàn đã hoàn thành đóng điện 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.360km, tổng công suất các trạm biến áp gần 61.000MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và kết nối ở cấp điện áp 500kV lưới điện Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và khả năng cung ứng điện của lưới điện tại nhiều khu vực. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình nâng khả năng truyền tải Bắc - Nam: đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; đường dây 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long; thay thế tụ bù dọc nhằm nâng cao khả năng tải cho cả 2 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam; các công trình lưới điện đấu nối các nhà máy thủy điện như Sơn La, Lai Châu, các trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương.
Điện ra đảo, lên rừng
Với mục tiêu đưa điện tới 100% số xã tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo, 5 năm qua, dù còn nhiều khó khăn về vốn nhưng EVN vẫn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng đưa điện về những khu vực này. Nhờ đó, đến cuối năm 2014, 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn đã được sử dụng điện lưới quốc gia (vượt mục tiêu của Chính phủ là tới cuối năm 2015 đạt 98% hộ nông thôn có điện).
Theo EVN, việc đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, cùng trung ương và chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề kinh tế - xã hội, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh các địa bàn trọng điểm tại 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực Tây Nam Bộ, Tây Bắc. Trên tuyến biên giới quốc gia, đến nay hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới.
Đặc biệt, trên biển đảo, EVN đảm nhận cung cấp điện cho 8/12 huyện đảo Vân Đồn - Quảng Ninh; Cát Hải - Hải Phòng; Lý Sơn - Quảng Ngãi; Phú Quý - Bình Thuận; Côn Đảo - Bà Rịa - Vũng Tàu; Phú Quốc, Kiên Hải - Kiên Giang. Thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2014, EVN đã hoàn thành các dự án cáp ngầm vượt biển để đưa điện từ đất liền ra các huyện đảo Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn và đường dây trên trên không ra đảo Kiên Hải.
Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Tập đoàn đã tham gia và hoàn thành các chương trình hỗ trợ 3 huyện nghèo Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) giai đoạn 2009 - 2015, gồm: Phát triển mở rộng lưới điện nông thôn; đào tạo và bố trí việc làm cho con em dân tộc; xây dựng trường học; xây dựng nhà bán trú dân nuôi; hỗ trợ xóa nhà tạm; hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm: mua bảo hiểm y tế cho các cháu học sinh... Tổng giá trị thực hiện là 510 tỉ đồng.
Phát huy nội lực để vượt khó
Như đã đề cập ở trên, giai đoạn 2010 - 2015 là giai đoạn đầy thách thức với ngành điện nhưng vượt lên trên những thách thức đó, EVN đã hoàn thành và hoàn thành vượt, về đích sớm nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ giao. Có được kết quả như vậy, theo EVN, trước hết đó là sự đoàn kết, thống nhất, đề cao dân chủ của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ, bám sát, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào tình hình cụ thể của Tập đoàn trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, chương trình công tác toàn khóa, lãnh đạo và giải quyết đúng đắn các vấn đề về chiến lược, các nhiệm vụ cấp bách; sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội là yếu tố quan trọng để Đảng ủy lãnh đạo và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Thứ nữa là do Đảng bộ đã làm tốt công tác chính trị tư tưởng, triển khai quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề nảy sinh. Trực tiếp lãnh đạo và thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và sử dụng cán bộ cấp ủy, chuyên môn và đoàn thể các cấp. Coi trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài.
Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu, phân công cụ thể, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, động viên kịp thời. Trong hoạt động phải bám sát quy chế, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế và thực hiện tốt các mối quan hệ phối hợp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; thực hiện nền nếp công tác kiểm điểm, phê bình; kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ, đảng viên có sai phạm, thiếu trách nhiệm, yếu năng lực.
Thanh Ngọc