5 tổ chức tội phạm nhiều tiền nhất thế giới
Tội phạm có tổ chức luôn là vấn đề đau đầu đối với an ninh trật tự của các quốc gia. Với tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, tính chất phạm tội ngày càng nguy hiểm, thực hiện nhiều loại tội phạm khác nhau và có tính liên kết cao giữa các tổ chức, thậm chí tham gia vào hệ thống chính trị để chi phối quyền lực nhà nước phục vụ mục đích phạm tội, các tổ chức tội phạm ngày càng kiếm được nhiều tiền hơn từ các hoạt động phạm tội của mình. Một số tổ chức tội phạm trở nên rất giàu có với số tài sản có giá trị lên tới hàng tỷ USD, trong đó có 5 tổ chức tội phạm nổi tiếng nhất.
Mỗi năm phát sinh hơn 7.000 đối tượng truy nã Trong 10 năm qua, công an toàn quốc đã truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại được hơn 76 nghìn đối tượng truy nã. Nhưng cái giá phải trả cũng không hề nhỏ, đã có 7 đồng chí công an hy sinh trong quá trình truy bắt đối tượng truy nã. |
Yamaguchi Gumi (Nhật Bản) với số tài sản lên tới 80 tỷ USD
Đây là tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới và là một trong số các nhóm tội phạm cấu thành nên siêu tổ chức Yakuza Nhật Bản (tương tự một dạng mafia). Tổ chức này kiếm tiền từ hoạt động buôn bán ma túy, tổ chức đánh bạc, tổ chức mại dâm bất hợp pháp…
Yamaguchi Gumi có lịch sử hàng trăm năm ở Nhật Bản, là tổ chức tội phạm được tổ chức rất bài bản với hệ thống quyền lực từ cao xuống thấp rất rõ ràng. Tổ chức này tuyển chọn thành viên rất kỹ lưỡng và yêu cầu sự trung thành tuyệt đối từ các thành viên. Nếu ai phản bội sẽ bị xử nặng, thậm chí phải nhận cái chết đầy đau đớn, do vậy các thành viên đều phải nỗ lực bất chấp tất cả để phục vụ lợi ích cho tổ chức.
Đứng đầu tổ chức tội phạm này là các "bố già" đầy quyền lực và rất tàn nhẫn với những quyết định sinh sát hà khắc đối với thuộc cấp để giữ kỷ luật trong tổ chức. Một số kẻ đứng đầu thậm chí còn có ảnh hưởng chi phối trong xã hội.
Trong những năm gần đây, cảnh sát Nhật Bản đã tập trung trấn áp mạnh Yakuza nên hoạt động của Yamaguchi Gumi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với thủ đoạn xảo quyệt của mình, tổ chức tội phạm này vẫn tồn tại và thu nhiều lợi nhuận từ các hoạt động bất hợp pháp.
2.Solntsevskaya Bratva (Nga) có 8,5 tỷ USD
Tổ chức tội phạm dạng mafia Nga này có tổ chức khác hẳn với Yamaguchi Gumi khi quyền lực được phân chia về 10 nhóm khu vực tại các vùng khác nhau của Nga. Các nhóm này hoạt động tương đối độc lập, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình và chỉ tuân thủ theo những quy định chung của ban lãnh đạo.
Hoạt động của các nhóm này cũng như định hướng chính của tổ chức được hoạch định bởi 12 thành viên hội đồng điều hành là những kẻ đứng đầu 10 phân vùng và 2 "bố già" cầm đầu. Các đối tượng thành viên hội đồng này hằng năm đều tổ chức các cuộc họp kín tại các địa điểm bí mật mà chúng chọn tại khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ trong phạm vi nước Nga. Sau mỗi cuộc họp đều là các bữa tiệc xa hoa và trác táng như đế vương.
Hiện nay, tổ chức này ước tính có khoảng 9.000 thành viên, trong đó có cả một số thành viên là cựu quân nhân, cảnh sát có kỹ năng huấn luyện bài bản và thủ đoạn đối phó với cơ quan thi hành pháp luật, chủ yếu thu lợi nhuận từ hoạt động buôn bán ma túy và buôn người, trong đó nguồn ma túy chủ yếu là heroin có nguồn gốc từ Afghanistan.
3.Camorra (Italia) có 4,9 tỷ USD
Đặt đại bản doanh ở Naples (Italia) và có lịch sử hình thành từ thế kỷ 19, tổ chức tội phạm này là một cấu thành quan trọng của hệ thống mafia Ý hiện nay, cùng chia thị phần tội phạm trị giá hàng chục tỷ USD ở nước này.
Mặc dù chính phủ Italia đã tiến hành nhiều chiến dịch làm suy yếu hoạt động của các nhóm mafia nhưng Camorra vẫn kiếm được bộn tiền từ các hoạt động tổ chức mại dâm, buôn bán vũ khí, buôn bán ma túy, lừa đảo, cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc…
Với tham vọng của mình, Camorra đã vươn vòi bạch tuộc tới Mỹ và tổ chức nhiều hoạt động tội phạm, thu được rất nhiều tiền tại đây nên gần đây nhóm này được gọi là Nhóm mafia Ý - Mỹ. Để duy trì hoạt động của mình, tổ chức này luôn dùng nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng thi hành pháp luật và sẵn sàng dùng vũ lực với các vụ ám sát đẫm máu nhằm vào các quan chức cảnh sát, công tố và tòa án.
4.Ndrangheta (Italia) có 4,5 tỷ USD
Tổ chức tội phạm có bản doanh ở vùng Calabria này là nhóm mafia có thu nhập đứng thứ hai tại Italia. Ndrangheta cũng có hoạt động phạm tội "phong phú" như nhóm Camorra và đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với các băng đảng sản xuất, vận chuyển, buôn bán trái phép ma túy tại khu vực Nam Mỹ để tổ chức buôn bán ma túy xuyên đại dương tới cung cấp cho thị trường chợ đen tại Ý và các nước khắp khu vực châu Âu.
Tổ chức này cũng đã thiết lập được một đường dây buôn bán ma túy vào Mỹ với sự cộng tác của hai nhóm tội phạm gia đình nổi tiếng là Gambino và Bonnano tại thành phố New York (Mỹ). Đường dây này được tổ chức rất chặt chẽ với nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi và các đối tượng sử dụng nhiều trang bị hiện đại như máy bay trực thăng, tàu cao tốc, xe ôtô hạng sang, hệ thống định vị vệ tinh.
Đầu năm 2015, hàng chục thành viên chủ chốt của Ndrangheta và Gambino đã sa lưới cảnh sát trong một chiến dịch phối hợp chống ma túy đặc biệt của cảnh sát Italia và Mỹ, giáng một đòn chí tử vào tổ chức tội phạm này.
5.Sinaloa (Mexico) có 3 tỷ USD
Đây là tổ chức tội phạm chuyên tổ chức buôn bán ma túy lớn nhất Mexico. Sinaloa sử dụng chiêu thức mua chuộc, dụ dỗ và ép buộc dân chúng tại các vùng đất mà chúng có ảnh hưởng để trồng và sản xuất ma túy cho chúng. Những ai bất tuân sẽ bị đẩy đuổi không còn đất sống ở quê hương hoặc bị khống chế, sát hại. Tổ chức này đóng vai trò là cầu nối chính để đưa các loại ma túy bất hợp pháp từ khu vực Nam Mỹ vào Mỹ.
Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA) ước tính tổ chức tội phạm Sinaloa chiếm tới 60% thị phần chợ đen ma túy được buôn bán ở Mỹ.
Bất chấp việc thủ lĩnh của tổ chức đã bị cảnh sát Mexico và Mỹ bắt giữ trong một chiến dịch đặc biệt hồi tháng 2/2015, tổ chức này đã tránh được một chuộc chiến tranh giành quyền lực đẫm máu, vẫn được tổ chức khá tốt và tiếp tục các hoạt động phạm tội của mình. Các thành viên của tổ chức này được đánh giá là rất trung thành với băng nhóm.