Những bước chân không mỏi (Bài 2)
Mùa nắng nóng, nguy cơ cháy rừng là rất cao và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Việc triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng đối với đường dây 220kV, 500kV luôn là vấn đề cấp bách và hết sức cần thiết.
Công nhân Truyền tải điện Quảng Trị sửa chữa, căng lại dây đường dây 500kV Bắc Nam |
Cháy rừng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như đốt thực bì sau khai thác rừng, đốt rẫy, đốt than, đốt rác thải, du lịch giã ngoại, rà tìm phế liệu…hoặc các yếu tố khách quan như mìn tự nổ. Nhưng những năm gần đây, nguyên nhân cháy rừng do xử lý thực bì chiếm tỷ lệ rất lớn. Hàng năm cứ đến mùa thu hoạch người dân khai thác và trồng rừng mới, trước khi trồng rừng. Nhiều hộ dân đã đốt thực bì gây ra đám cháy lan tỏa, ngọn lửa không khống chế được và cháy lan vào trong hành lang tuyến đường dây. Điển hình là vụ sự cố đường dây 500kV mạch 1 XT 575/Đà Nẵng – XT 571/Hà Tĩnh ngày 20-9-2014 thuộc cung đoạn đường dây Truyền tải điện Quảng Trị quản lý.
Mặt khác, do ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh và bị ảnh hưởng của cháy, nguy cơ gây sự cố lưới điện tại các khu vực bị góp tụ lửa như khe đồi, mõm đá, sườn dốc gần đường dây, khu vực khoảng cách pha - đất thấp là rất lớn.
Để ngăn ngừa, hạn chế nguy cơ có cháy trong hành lang cũng như từ bên ngoài lan vào bên trong hành lang tuyến của các đường dây làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành an toàn, liên tục của đường dây 220kV, 500kV, Truyền tải điện Quảng Trị đã xử lý giải phóng cây rừng, thực bì ra khỏi hành lang tuyến đường dây, tạo vành đai, khoảng trống cản lửa tại những khoảng cột có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy gây sự cố đến đường dây.
Truyền tải điện Quảng Trị đã thực hiện giải pháp dùng máy ủi san gạt sâu xuống 0,2 mét đối với cây rừng thấp, bụi rậm, thực bì trong hành lang tuyến đường dây tại các khu vực có nguy cơ dễ xảy ra cháy và ảnh hưởng cháy lan vào đường dây, đặc biệt là tại các khoảng cột như: Thung lũng sâu, các cây rừng tại các mỏm đồi, khe đồi, mõm đá, sườn dốc, các vách tường đất cao gần đường dây, khu vực khoảng cách pha - đất thấp của đường dây 220kV, 500kV; giải phóng trắng hành lang bằng cơ giới lần lượt từng khoảng cột theo khối lượng xác định, theo đó, lớp 1: San gạt phần cây tạp, bụi rậm, thực bì bề mặt; lớp 2: Tiếp tục ủi để bật rể cây tạp dưới mặt đất, sâu xuống mặt đất tự nhiên 0,2 mét.
Với giải pháp này, phải mất thời gian từ 4 đến 5 năm cây rừng mới phát triển trở lại trong hành lang tuyến. Việc san gạt tạo nên những khoảng đất trống dưới hành lang tuyến đường dây 220kV, 500kV làm hạn chế mức thấp nhất việc cháy lan vào đường dây. Bên cạnh đó công tác quản lý chặt tỉa cây sẽ thuận tiện hơn vì cây vừa mọc, khối lượng ít. Đồng thời tạo đường công vụ đi dọc tuyến đường dây thuận tiện cho việc kiểm tra quản lý vận hành.
Thực tế, tại Truyền tải điện Quảng Trị và các đơn vị Truyền tải điện khác trong Công ty Truyền tải điện 2 cũng đã triển khai thực hiện và đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, đảm bảo vận hành an toàn trong công tác quản lý vận hành đường dây trong mùa khô, nắng nóng đỉnh điểm kéo dài và ảnh hưởng của gió Tây Nam thổi mạnh.
“Giải pháp xử lý cây, thực bì trong hành lang tuyến đường dây chống cháy ngăn ngừa sự cố lưới điện 220kV, 500kV” của Truyền tải điện Quảng Trị đã giảm được chi phí sản xuất do giảm được việc dùng nhiều phương tiện (nhiên liệu) và nhân lực (sức lao động), số lần di chuyển trên tuyến nhiều; tạo đường công vụ đi dọc tuyến đường dây thuận tiện cho việc kiểm tra quản lý vận hành; hạn chế việc tiếp xúc với các loại động vật, côn trùng như rắn, ong, sâu, kiến…gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người công nhân trong quá trình chặt cây phát tuyến; công tác quản lý chặt tỉa cây sẽ thuận tiện hơn vì cây vừa mọc, chặt tận gốc, khối lượng ít…
Những khu đất dưới hành lang tuyến được san gạt, Truyền tải điện Quảng Trị đã trực tiếp thực hiện và vận động người dân địa phương tận dụng các phần đất trống dưới hành lang để trồng hoa màu (cụ thể là trồng sắn, cây lá vằng, cây lúa..). Do đó, diện tích đất trong phạm vi hành lang tuyến đường dây 220kV, 500kV thuộc cung đoạn đơn vị quản lý, đã được người dân địa phương trồng cây hoa màu thu hoạch ngắn ngày, chủ yếu là trồng cây sắn, vì sau khi dân thu hoạch sản phẩm, việc xử lý lá và thân sắn không ảnh hưởng tới vận hành đường dây.
Từ việc làm của Truyền tải điện Quảng Trị và các đơn vị Truyền tải thuộc Công ty Truyền tải điện 2, tôi chợt nhớ tới bộ phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” hẳn mọi người còn nhớ, đạo diễn người Đức đã kết thúc phim về một danh nhân Văn hóa thế giới bằng một lời bình tưởng như không thể ngắn hơn: “Người bao giờ cũng tìm thời gian rỗi để trồng một cái cây”. Người lính Truyền tải cũng vậy, họ phải chặt những cây làm ảnh hưởng đến công tác vận hành đường dây, nhưng vẫn không quên trồng những cây khác để vừa tạo môi trường cây xanh, vừa mang lại nguồn thu cho đồng bào sống gần hành lang lưới điện cao áp.
Thanh Mai (Năng lượng Mới)